1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chi phí đại biểu Quốc hội đi nước ngoài cũng cần công khai với dân

(Dân trí) - Lo ngại việc tăng thêm số ĐBQH chuyên trách, tăng thêm một ủy ban, thêm chức danh Tổng Thư ký QH sẽ làm nặng bộ máy, tăng tiền, ông Trần Du Lịch khuyến cáo hạn chế mọi phát sinh, đại biểu đi nước ngoài mấy lần một nhiệm kỳ cũng phải công khai chi phí.

Sáng 3/6, Quốc hội thảo luận tại đoàn về dự án Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi. Dự thảo luật trình ra có đề xuất mới về việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách từ 25% lên 35%.

Tán thành với đề xuất này song đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho rằng nên để quy định mở đối với vấn đề này cho phù hợp với từng thời kỳ và nhu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) (ảnh: Việt Hưng).
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) (ảnh: Việt Hưng).
Đại biểu Trương Thị Ánh (TPHCM) thì lo ngại, việc tăng số lượng, tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên 35% thì hàm ý cũng là tăng nhân sự cho các ủy ban, hội đồng Dân tộc của Quốc hội là chủ yếu. Việc này, theo đại biểu, không khéo sẽ thành nặng bộ máy.

Cùng đoàn TPHCM, đại biểu Trần Du Lịch phân tích, nếu vẫn cơ chế này thì tăng đại biểu chuyên trách chỉ khiến tăng thuế của dân chứ không giải quyết được gì, bởi đại biểu là phải chuyên nghiệp, chứ không phải chuyên trách.

Ông Lịch phê, hiện nay đại biểu trách Trung ương xa rời cử tri trong khi "hồn sống" của đại biểu là cử tri, thậm chí có đại biểu chỉ mượn địa phương, mượn dân cho con đường thăng quan tiến chức, qua một nhiệm kỳ mà dân không tín nhiệm nữa thì cùng lắm lần sau lại đi địa phương khác ứng cử là xong.

Ông Lịch cũng khuyến cáo một nguyên tắc, đại biểu làm chuyên trách dù ở Trung ương hay địa phương thì cũng có quyền hạn giống nhau vì việc hành chính hóa thứ bậc sẽ phát sinh tốn kém. “Một ông phó chủ nhiệm UB một nhiệm kỳ đi nước ngoài mấy lần, tiền vé bao nhiêu, công khai cho dân biết những nội dung đó đi”, ông Lịch đề nghị.

Từ đó, ông Lịch cho rằng Quốc hội phải chịu sự kiểm toán độc lập của cơ quan kiểm toán về toàn bộ chi tiêu của mình, và báo cáo công khai với nhân dân.

Cũng liên quan đến vấn đề cơ cấu, đề xuất nâng Ban Dân nguyện lên thành một UB của UB Thường vụ Quốc hội và việc thành lập Tổng thư ký Quốc hội nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về chức danh Tổng thư ký Quốc hội, yêu cầu chỉ ra điểm khác nhau giữa Tổng thư ký Quốc hội khi lập ra với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hiện tại.

“Nếu hình thành Tổng thư ký Quốc hội thì có phình bộ máy không? Có thành lập Ban thư ký Quốc hội không?” – nữ đại biểu đặt câu hỏi.

Bà Hà cũng lo lắng, nâng Ban Dân nguyện lên thành UB liệu có bao quát hết được việc tiếp dân và giải quyết đơn thư hay không và đề nghị làm rõ căn cứ để làm cơ sở cho đại biểu đưa ra quyết định.

Việc nâng Ban Dân nguyện lên thành UB, bộ máy có bị phình ra không. Ban soạn thảo cần đánh giá tác động xem chủ trương có tăng biên chế không và sẽ tăng thêm bao nhiêu nhân sự. Số nhân sự tăng thêm có đi đôi với hiệu quả hoạt động của UB Thường vụ nói riêng, Quốc hội nói chung.
 
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) (ảnh: Phương Thảo).
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) (ảnh: Phương Thảo).

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết, việc nâng từ Ban Dân nguyện lên thành UB đã được đề cập đến từ khóa 8 đến giờ. Qua lấy phiếu thăm dò, 57% số đại biểu không đồng ý đề xuất này vì mỗi UB là để gắn với 3 chức năng thẩm tra, giám sát và kiến nghị. Nếu nâng Ban Dân nguyện lên thành UB thì không biết đối tượng, lĩnh vực để thẩm tra, giám sát… của UB này là gì.

Ông Quyền ghi nhận một điểm mới trong dự thảo lần này là quy định về hoạt động giải trình tại các UB của Quốc hội nhưng đề nghị nên dùng từ “điều trần” thay cho “giải trình” để phù hợp với thông lệ của nghị viện thế giới. Ngoài ra, dự thảo luật cần cụ thể hơn nữa giá trị, hiệu lực pháp lý của các phiên điều trần nhằm góp phần hoàn thiện, khắc phục những kẽ hở của cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Tâm đắc với vấn đề này, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) yêu cầu phải nâng cao chất lượng hoạt động của thường trực Hội đồng dân tộc và các UB của Quốc hội, sao để đây thực sự là công xưởng của Quốc hội, là chỗ dựa của đại biểu kiêm nhiệm vì có thể thông qua báo cáo thẩm tra của các UB này để quyết định các vấn đề.

Ông Minh cũng mong muốn luật quy định rõ hơn về hoạt động giải trình của các UB để thấy được hệ quả pháp lý của các phiên giải trình. Khi hiệu lực của các phiên giải trình tại Hội đồng dân tộc, các UB tăng lên, tự khắc, trách nhiệm giải trình tại diễn đàn này phải do Bộ trưởng đảm nhiệm, không thể cử Thứ trưởng làm thay.  

“Có những phiên giải trình, tôi nghe nhiều người nhận xét là “khách ngon hơn chủ” - ông Minh khái quát về chất lượng các phiên giải trình, khi Bộ giải trình thuyết phục hơn cơ quan tổ chức giải trình.

P.Thảo