1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chỉ được quyền chuyển giới khi là người “trong nữ, ngoài nam” (!?)

(Dân trí) - Ý kiến thảo luận của các ủy viên UB Thường vụ Quốc hội về quy định chuyển giới rất phong phú khi người thì đề nghị cho phép chuyển giới để “sống thật với suy nghĩ của mình”, người lại chỉ tán thành cho người có khiếm khuyết cơ thể chỉnh sửa bản thân.

Trình bày về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 12/5, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, cơ quan soạn thảo ghi nhận quyền xác định lại giới tính của công dân.

Cụ thể, dự thảo Bộ luật quy định cá nhân là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được thực hiện quyền xác định lại giới tính trong trường hợp luật định. Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được thực hiện quyền xác định lại giới tính trong trường hợp luật định thông qua cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật.
Chỉ được quyền chuyển giới khi là người “trong nữ, ngoài nam” (!?)
Chủ nhiệm UB Các vấn đề Xã hội Trương Thị Mai đề nghị cân nhắc với trường hợp một người là nam nhưng luôn nghĩ mình là nữ, muốn chuyển giới để sống đúng với suy nghĩ của mình.

Các ủy viên UB Thường vụ Quốc hội thì đặt vấn đề phân biệt quyền xác định lại giới tính và quyền chuyển giới.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải thích, về vấn đề chuyển đổi giới tính, Khoản 3 Điều 36 dự thảo luật nêu 2 phương án quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của Luật” và ”Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính” để Quốc hội xem xét, quyết định.

“Chuyển đổi giới tính là một nhu cầu có thật, đang ngày càng gia tăng. Do pháp luật Việt Nam chưa cho phép nên một số người đã ra nước ngoài chuyển đổi giới tính, khi về nước không được cải chính hộ tịch và do đó gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế để duy trì giới tính mới, cũng như trong cuộc sống, công tác và thực hiện các quyền dân sự khác có liên quan”, ông Cường phân tích.

Nêu quan điểm về việc này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý – đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật nhấn mạnh, việc thừa nhận hay không công nhận quyền chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh, chẳng hạn như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, hay có công nhận hôn nhân đồng giới hay không có phù hợp với điều kiện KT-XH và truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam hay không?

Ông Lý đề nghị cơ quan soạn thảo tham khảo kinh nghiệm thế giới đã có bao nhiêu quốc gia thừa nhận chuyển đổi giới tính, những trường hợp nào thì pháp luật cho phép chuyển đổi giới tính. Trên cơ sở đó Quốc hội mới có đầy đủ thông tin để xem xét và quyết định vấn đề này cho chính xác và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai ủng hộ quyền xác định lại giới tính nhưng cũng hết sức băn khoăn về vấn đề chuyển đổi giới tính vì cho rằng đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm cần cân nhắc.

“Trường hợp tôi là nam hay nữ nhưng cơ thể tôi ngược lại thì tôi phải đi xử lí để xác định lại giới tính. Trường hợp này chúng ta đã cho rồi và đây là việc quá nhân văn, quá con người” - bà Mai nhấn mạnh.

Bà Mai phân tích, người mong muốn chuyển đổi giới tính có 2 trường hợp. Một là do rối loạn định dạng giới khi một người nam nhưng cứ nghĩ bản thân là nữ và ngược lại. Những người này quyết định thực hiện chuyển đổi giới tính để sống đúng với suy nghĩ của mình.

Trường hợp thứ hai là thực hiện chuyển đổi giới tính theo ý thích. Bà Mai dẫn chứng, nhiều người đàn ông muốn trở thành phụ nữ vì làm trong một số ngành nghề, lĩnh vực nếu là nữ thì công việc thuận lợi, dễ kiếm tiền hơn.

Khác với việc xác định lại giới tính, cả 2 trường hợp này, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cho rằng cái này phải xem xét cân nhắc và cần thêm thông tin, đặt trong nền văn hóa Việt Nam.

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển thì nêu quan điểm “cứng” hơn, yêu cầu như một cá nhân đầy đủ dấu hiệu về một giới tính thì dứt khoát không cho phép chuyển giới.

“Chỉ được chuyển giới khi khiếm khuyết một bộ phận nào đó. Chẳng hạn những trường hợp bên trong nữ, bên ngoài nam nhưng bản chất là nữ thì cho chuyển thành nữ và ngược lại. Còn đầy đủ các bộ phận của giới tính mà cho chuyển đổi giới tính là không hợp lí”, ông giải thích.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu ủng hộ phương án quy định về chuyển đổi giới tính trong luật và tiếp tục nghe ngóng về tính nhạy cảm, phức tạp, tác động xã hội để có hướng xử lý phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc, dù không thừa nhận chuyển đổi giới tính nhưng với vai trò quản lý, Nhà nước vẫn phải xử lý hậu quả.

P.Thảo