TPHCM:
Chỉ được kinh doanh vật liệu xây dựng trên một số tuyến đường
(Dân trí) - UBND quận Tân Bình vừa ban hành quy định: trên địa bàn quận chỉ có 4 tuyến đường được phép kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD).
Cụ thể là đường Lý Thường Kiệt (đoạn từ đường Phú Hòa đến đường Thiên Phước), đường Cống Lở (đoạn từ Phan Huy Ích đến Phạm Văn Bạch), đường Huỳnh Văn Nghệ (đoạn từ Phan Huy Ích đến Phạm Văn Bạch), đường Nguyễn Phúc Chu (đoạn từ Trường Chinh đến Hành Lang bảo vệ kênh Hy Vọng).
Theo quy định này, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu bày bán, giao nhận hàng hóa, có địa điểm kinh doanh VLXD không thuộc 4 tuyến đường trên phải chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác. Nếu muốn tiếp tục kinh doanh VLXD phải di dời đến những địa điểm thuộc 4 tuyến đường trên. Thời gian chuyển đổi và di dời phải thực hiện trước ngày 31/12/2011.
Ngoài ra, UBND quận cũng quy định địa điểm kinh doanh VLXD phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan, trật tự an toàn giao thông, không xâm phạm chỉ giới giao thông, không xâm lấn vỉa hè, lòng đường, bảo đảm các quy định về hành lang bảo vệ công trình đường bộ, đường sông và hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, khu vực di tích lịch sử văn hóa, khu vực danh lam thắng cảnh…
Địa điểm để phế thải VLXD tại nơi sản xuất, kinh doanh VLXD và trong các công trình xây dựng chỉ duy trì tạm thời nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan, trật tự an toàn giao thông. Sau đó, phế thải VLXD phải được trung chuyển đến nơi quy định của TP.
Trước đó, UBND TP đã cho phép UBND các quận huyện tự ban hành quy định khu vực được phép kinh doanh VLXD cho phù hợp với quy hoạch phát triển của từng địa phương. UBND quận Tân Bình là nơi đầu tiên công bố danh mục các tuyến đường này. Các quận huyện khác cũng đang tính toán xây dựng danh mục trên.
Theo quy hoạch phát triển ngành VLXD của TP, TP sẽ hạn chế sự phát triển rộng khắp của ngành kinh doanh VLXD để đảm bảo mỹ quan đô thị, chỉ cho phép kinh doanh mặt hàng này tại một số tuyến đường nhất định.
Ngoài ra, mục tiêu của TP là từ năm 2011 sẽ chấm dứt hoạt động của các cơ sở sử dụng đất sét để sản xuất gạch ngói nung bằng lò thủ công, từng bước xóa bỏ các cơ sở sản xuất sử dụng đất sét làm gạch ngói nung. Đến năm 2015, TP sẽ hoàn tất việc xóa bỏ các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, hiệu quả kinh tế thấp.
TP cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn tất phương án di dời các nhà máy, trạm nghiền, trạm trộn xi măng ra khỏi TP đến những địa phương có quy hoạch phù hợp. Di dời các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng khác nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ra khỏi TP.
Tùng Nguyên