“Chỉ định thầu” làm sân bay Long Thành: Con gà có đẻ trứng vàng?
(Dân trí) - Đề xuất “chỉ định thầu” cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, khai thác sân bay Long Thành nhận được sự tán thành của Hội đồng thẩm định quốc gia, của các doanh nhân chuyên kinh doanh dịch vụ tại sân bay như “ông chủ hàng hiệu” Jonathan Hạnh Nguyễn… nhưng vẫn chưa đủ thuyết phục nhiều đại biểu Quốc hội.
4 tỷ USD vay làm sân bay Long Thành, Chính phủ có phải bảo lãnh?
Chiều 14/10, thảo luận về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long thành tại UB Kinh tế, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nhận định, việc chọn hình thức đầu tư sân bay Long Thành phải thực hiện theo luật Đấu thầu, tức tổ chức đấu thầu để chọn nhà thầu thực hiện dự án. Nghị quyết số 01 năm 2019 của Chính phủ cũng nêu rõ nguyên tắc đấu thầu rộng rãi đạt tối thiểu 50% về số lượng gói thầu và 15% về tổng giá trị gói thầu
Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu khả thi của Chính phủ nêu đề xuất phương án chỉ định thầu và giao Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) thực hiện. Cụ thể, trong cả 4 hạng mục đầu tư chính của dự án đều đề cập hình thức đầu tư là chỉ định thầu.
Muốn vậy, Chính phủ cần phải làm rõ các căn cứ, nguyên tắc khi tiến hành chỉ định thầu đối với “siêu” dự án này.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đồng tình với đề xuất chỉ định thầu, giao cho ACV đầu tư dự án nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng nhưng đại biểu cũng cho rằng, khi giải trình trước Quốc hội, Chính phủ làm rõ lý do, nguyên tắc, cơ chế chỉ định thầu, năng lực và khả năng phân bổ nguồn lực của nhà thầu.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội) nhấn mạnh, theo quy định, dự án này phải áp dụng phương thức đấu thầu nhưng Chính phủ đề xuất phương án chỉ định thầu thì cần làm rõ nguyên tắc chỉ định thầu. Quốc hội cũng chỉ quyết định về cơ chế chỉ định thầu, chứ không tiến hành chỉ định thầu đối với doanh nghiệp cụ thể như đề xuất của Chính phủ là giao ACV.
Ông Giang cũng yêu cầu giải trình về “cam kết” của Chính phủ là sẽ không làm tăng trần nợ công nếu sử dụng vốn ODA khi dự án rõ ràng thuộc đối tượng bảo lãnh của Chính phủ, các khoản vay có bảo lãnh nhất thiết phải đưa vào để tính nợ công.
Dưới góc độ một chuyên gia, doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn – người chuyên đầu tư kinh doanh hàng xa xỉ phẩm, hàng hiệu tại các sân bay quốc tế bày tỏ tin tưởng sự thành công chắc chắn của sân bay Long Thành.
Ông này phân tích, dù xu thế xã hội hoá, kêu gọi đầu tư vào sân bay, cảng biển hiện rất phổ biến nhưng với những sân bay lớn, có tầm chiến lược quốc gia như Long Thành, nhà nước phải chủ trì các hoạt động đầu tư là tất yếu. “Đại gia hàng hiệu” Jonathan Hạnh Nguyễn nhắc tới nguyên tắc được ICAO khuyến cáo, một cảng hàng không quy mô quốc gia cần thực hiện theo mô hình “một cảng hàng không – một nhà đầu tư, khai thác”. Ông phân tích, nguyên tắc này để đảm bảo các khâu triển khai thực hiện dự án về sau đồng bộ, không phát sinh những xung đột lợi ích, không “đứt gánh giữa đường”.
“Vì lợi ích của đất nước, Chính phủ cần nắm giữ việc đầu tư xây dựng Long Thành, thông qua ACV, đơn vị giữ tới 95% vốn nhà nước vì đây là một dự án liên quan đến chiến lược phát triển đất nước nói chung chỉ là bài toán kinh tế đơn thuần” – ông chủ Hạnh Nguyễn khẳng định, với kinh nghiệm hợp tác với ngành hàng không hơn 30 năm qua, ông sẵn sàng cùng góp sức, hỗ trợ dự án.
Giới doanh nhân ủng hộ ACV thì doanh nghiệp 95% vốn nhà nước này không giữ độc quyền trong việc khai thác thương mại tại các sân bay hiện tại. Ông Hạnh Nguyễn giải thích "không ham “tranh quyền” đầu tư sân bay với ACV vì để Tổng Công ty này thực hiện dự án, khoản tiền nhà nước thu được khi sân bay đi vào vận hành là lớn nhất".
Sau 5 năm, doanh thu sân bay Long Thành sẽ đạt… 5 tỷ USD?
Đại biểu Đỗ Văn Sinh băn khoăn về căn cứ Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua việc chỉ định ACV làm sân bay Long Thành.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Uỷ viên thường trực UB Kinh tế) phân tích ở khía cạnh khác. Ông cho rằng, nếu vận dụng khoản 4 Điều 22 luật Đấu thầu thì việc lựa chọn phương thức đấu thầu hay chỉ định thầu hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, thay vì đề xuất Quốc hội thông qua chủ trương “chỉ định thầu” này theo quy định của luật Đầu tư.
Giải trình, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn xác nhận, có thể dẫn chiếu luật Đấu thầu để xác định hình thức đầu tư nhưng làm thế là “giao khó” cho Chính phủ. Lãnh đạo Bộ GTVT thuyết phục, ACV hiện là nhà khai thác duy nhất với 21 cảng hàng không tại Việt Nam hiện nay, nguồn nhân lực chuyên môn rất đôi dào. Ngay cả sân bay quốc tế Vân Đồn hiện nay, dù do một nhà đầu tư tư nhân vận hành, khai thác, ACV cũng vẫn phải hỗ trợ, nhất là về vấn đề đảm bảo an ninh hàng không.
Thứ trưởng Tuấn cảnh báo, với yêu cầu chậm nhất năm 2025 phải đưa sân bay Long Thành vào khai thác, nếu không chỉ định ACV thực hiện dự án sẽ khó mà hoàn thành được trong thời hạn Quốc hội giao.
Đại diện Hội đồng thẩm định nhà nước, ông Vũ Đại Thắng cũng xác nhận, việc chỉ định thầu có thể thực hiện theo Điều 22 luật Đấu thầu. Tuy nhiên, cả cơ quan soạn thảo và Hội đồng cùng mong muốn được thực hiện theo Điều 30 luật Đầu tư (quy định một số quyền hạn của Quốc hội trong trường hợp có cơ chế đặc thù cần quyết định) thì phù hợp hơn. Lý do, ACV, về nguyên tắc, vẫn là một công ty cổ phần chứ không phải doanh nghiệp nhà nước 100%. Do đó, Chính phủ muốn trình để Quốc hội thông qua Nghị quyết giao ACV làm chủ đầu tư dự án.
Đại diện ACV cũng khẳng định năng lực của doanh nghiệp với việc đã đầu tư, đang quản lý, vận hành 21 sân bay với nguồn tiền huy động từ việc phát triển nguồn khách khai thác mà không dùng tiền ngân sách. ACV đã tính đoàn để dành nguồn vốn 70.000 tỷ đồng cho dự án sân bay Long Thành, đến 2025 nguồn tích luỹ này có thể được 80.000 đồng. Tính tới thời điểm cuối tháng 8 năm nay, số tiền ACV trích riêng cho hoạt động đầu tư phát triển tiếp theo là 36.000-37.000 tỷ đồng.
Khoản tiền cần huy động thêm, lãnh đạo ACV cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp đã ký thoả thuận được với gần 20 tổ chức tài chính, trong đó có nhiều ngân hàng quốc tế với nguồn vay hơn 4 tỷ USD (thời hạn vay 15 năm, gia hạn 5 năm, lãi suất 4,5-5,5%/năm). Đại diện doanh nghiệp khẳng định huy động được nguồn tiền lớn như vậy là do uy tín của Tổng Công ty chứ không xin bảo lãnh của Chính phủ.
Nhà đầu tư được Chính phủ đề xuất cũng tỏ ra lạc quan với bài toán, dự báo một cách thận trọng thì đến 2026, sân bay Long Thành cũng đã hút lượng khách khoảng 22 triệu người, bắt đầu thu lại tiền đầu tư. Từ 2026-2030, nguồn thu tích luỹ dự kiến là hơn 5 tỷ USD, sẵn sàng cho cá dự án đầu tư phát triển tiếp theo như mở rộng sân bay Nội Bài, làm tiếp sân bay Long Thành giai đoạn 2…
“Nếu không có biến động chính trị lớn, theo đánh giá của ICAO, ngoài mục tiêu đảm bảo chính trị, an ninh thì Long Thành sẽ là con gà đẻ trứng vàng cho đất nước” – đại diện ACV quả quyết.
Phương Thảo