1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Chỉ đáp ứng chữa cháy hiệu quả từ tầng 10 trở xuống”

(Dân trí) - “Với các xe chuyên dụng và phương tiện hiện có, lực lượng PCCC Hà Nội chỉ đáp ứng chữa cháy hiệu quả từ tầng 10 trở xuống; nếu cao hơn, việc chữa cháy không hiệu quả. Rất may vụ cháy tòa nhà JSC 34 ở tầng 16 nên mới bắc thang đưa được người xuống”.

Trao đổi với Dân trí vào chiều ngày 11/3, thượng tá Nguyễn Đình Bính - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC (CATP Hà Nội) - cho biết: Công an TP Hà Nội đã tiến hành tổ chức kiểm tra an toàn PCCC các nhà cao tầng, đặc biệt chú trọng đến các nhà chung cư, tái định cư. Kết quả kiểm tra cho thấy, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có trên 364 nhà cao tầng (từ 10 tầng trở lên) được sử dụng làm khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng, chung cư cao cấp, chung cư phục vụ tái định cư… Hầu hết các nhà chung cư đều được cơ quan PCCC thẩm duyệt PCCC trước khi thi công, nghiệm thu hệ thống PCCC trước khi đi vào hoạt động. Trong đó, tòa nhà cao nhất hiện nay có độ cao 34 tầng.

Qua đợt kiểm tra, ông nhận thấy khả năng PCCC tại các tòa nhà chung cư hiện nay ra sao?

Trong quá trình khai thác sử dụng các nhà chung cư chưa đảm bảo an toàn PCCC, cụ thể: Không được bảo dưỡng, bảo trì, vận hành thường xuyên nên hệ thống PCCC, hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn tại các tòa nhà bị hỏng, không hoạt động được.

Lực lượng bảo vệ tại các tòa nhà ít, chưa được huấn luyện đầy đủ nghiệp vụ PCCC, khi xảy ra cháy rất lúng túng trong quá trình vận hành các hệ thống PCCC đã được trang bị. Ý thức chấp hành các quy định của một số công dân sống trong tòa nhà rất kém, còn đun nấu, để các đồ dùng gia đình tại hành lang thoát nạn, đốt vàng mã không đúng nơi quy định, đổ tro, than đang cháy vào ống để rác… gây cháy. Như 2 vụ cháy xảy ra tại nhà cao tầng 25 Vũ Ngọc Phan, quận Đống Đa (20/6/2009) và tại chung cư CT4-1 Khu đô thị Mễ Trì Hạ, huyện Từ Liêm (20/12/2009)

Tại nhiều tòa nhà, người dân đã cho thuê để làm văn phòng hoặc kinh doanh buôn bán, do đó mật đồ người trong tòa nhà tăng cao, ảnh hưởng đến công tác thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Mặt khác, do chuyển đổi công năng từ nhà ở sang làm văn phòng nên sử dụng nhiều thiết bị điện, dẫn đến tình trạng quá tải, chập điện gây cháy như: Công ty CP tư vấn khoa học công nghệ xây dựng, thuê tại căn hộ 806 nhà cao nhất Hà Nội 34T Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, cửa vào các buồng thang thoát nạn không tự đóng, buồng thang không lắp quạt tăng áp theo quy định; tại nhiều tòa nhà đã khóa cửa thoát nạn tầng 1 bảo vệ. Thang máy không được kết nối với hệ thống chữa cháy, nên khi có sự cố cháy, nổ thang máy sẽ dựng lại ngay hoặc chỉ chạy đến tầng gần nhất nên ảnh hưởng tới thoát nạn.

Trên vỉa hè một số khu chung cư trồng cây xanh quá liền nhau, dây điện, dây thông tin đi nổi, bị võng; đường giao thông cách xa tòa nhà, thậm chí xe chữa cháy không đi được do đường giao thông quá hẹp, ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức chữa cháy.

Ngoài những nguyên nhân trên, còn do các đơn vị quản lý tòa nhà không được cấp kinh phí để duy tu, bảo dưỡng định kỳ hệ thống chữa cháy; lực lượng bảo vệ và người dân sống trong tòa nhà không có sự phối hợp chặt chẽ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; nhiều tòa nhà không có cơ quan quản lý, do đó hệ thống PCCC không hoạt động.

Năng lực chữa cháy của lực lượng chuyên nghiệp hiện nay ra sao, thưa ông?

Các nước có cả máy bay để chữa cháy nhà cao tầng. Tôi cũng được biết ta có hai máy bay để chữa cháy nhưng hiện chỉ khả dụng trong việc cứu cháy rừng. Phòng cảnh sát PCCC Hà Nội hiện có 50 xe chuyên dụng bao gồm xe chữa cháy, xe thang, xe tiếp nước. Trong đó có một xe thang loại 52 m (độ vươn cao khoảng tầng 16 nhà cao tầng) và 2 xe thang loại 32 m. Với các xe chuyên dụng và phương tiện hiện có, lực lượng PCCC mới chỉ đáp ứng chữa cháy hiệu quả từ tầng 10 trở xuống.

Nếu cao hơn, áp lực nước sẽ giảm, việc chữa cháy sẽ không đem lại hiệu quả khi nước nhỏ giọt. Rất may vụ cháy tòa nhà JSC 34 chỉ ở tầng 16 nên mới bắc thang đưa được người xuống. Nhu cầu cho cả 29 quận, huyện của Hà Nội phải tầm khoảng 29 đội chữa cháy. Trong thực tế, Hà Nội mới chỉ có… 9 đội.

Vậy với những tòa nhà cao tầng có độ cao trên 10 tầng, nếu không may hỏa hoạn bùng phát tại các tầng cao hơn tầng 11 thì công tác chữa cháy xử lý ra sao?

Xe chuyên dùng của lực lượng PCCC Hà Nội hiện nay chỉ đáp ứng chữa cháy hiệu quả từ tầng 10 trở xuống, với các tầng cao hơn công tác chữa cháy, cứu hộ sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo quy định, tại các toà nhà cao tầng này đều phải có hệ thống chữa cháy tự động hoặc bán tự động tại chỗ. Khi xảy cháy, lực lượng PCCC tại chỗ sẽ bật hệ thống chữa cháy tự động hoặc bán tự động, nước sẽ tràn xuống các tầng từ các họng vòi chữa cháy.

Trường hợp mất nước, lực lượng PCCC sẽ đấu nối họng cấp nước PCCC (được thiết kế sẵn gần khu vực toà nhà), thậm chí lấy nước từ các toà nhà lân cận để đấu nối họng vòi cấp nước tại toà nhà đang xảy cháy. 
 
Đại tá Nguyễn Đức Nghi - PGĐ Công an TP Hà Nội - vừa có văn bản kiến nghị Chủ tịch UBND TP một số nội dung như chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền ra quy định bắt buộc các nhà cao 100m trở lên phải xây dựng các khu lánh nạn, đảm bảo các yêu cầu về thoát nạn, cứu hộ, ngăn cháy, có đường đi lại và bãi đỗ cho xe chữa cháy tải trọng lớn, bắt buộc lắp đặt hệ thống cấp nước chữa cháy trong nhà;
 
Xây dựng đội ngũ PCCC tại chỗ được tập huấn cơ bản nghiệp vụ PCCC; Xây dựng nhà cao tầng phải song song với việc đầu tư trang thiết bị cứu hộ cứu nạn như ống tụt, đệm hơi, thang dây...

Phúc Hưng