Chỉ biết thuốc ngoại, đừng làm thầy thuốc!

Đó là ý kiến thẳng thắn của Đại biểu Đỗ Nguyên Phương, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế về hiện tượng bác sỹ chủ yếu kê toa thuốc tây. Bên hành lang Quốc hội ngày 9/5, ông đã có cuộc trao đổi với báo giới.

Là người từng công tác lâu năm trong ngành y tế, theo ông, cách tốt nhất để quản lý giá thuốc hiệu quả nhất hiện nay là gì?

 

Giá thuốc có nhiều cách để điều chỉnh, nhưng theo tôi quan trọng nhất vẫn là phải điều chỉnh theo quy luật của thị trường. Thị trường phụ thuộc vào cung và cầu. Vậy thì phải làm thế nào đó để cung ứng thuốc nhiều hơn cho thị trường; làm thế nào để đáp ứng thật tốt nhu cầu sử dụng của nhân dân, giá thuốc lúc đó lập tức sẽ giảm xuống ngay.

 

Ngoài ra, tôi cũng muốn nói thêm là quản lý giá thuốc chưa chắc đã chỉ thuộc về ngành y tế, mà còn liên quan đến nhiều ngành khác, như thương mại, tài chính. Đã theo quy luật thị trường, thì các ngành tài chính, thương mại phải có giải pháp tác động vào lĩnh vực này nhằm bình ổn giá thuốc.

 

Nhưng giá thuốc thời gian qua tăng cao do nhiều nguyên nhân như đầu cơ, độc quyền... nên việc theo quy luật thị trường là rất khó?

 

Nếu có hiện tượng này thì đúng là không bình thường (?). Thế nhưng, tôi vẫn phải nhấn

Dự thảo Luật dược trình QH lần này đã đưa ra nhiều phương thức tối ưu nhằm quản lý giá thuốc. Trong đó, đáng kể nhất là việc bắt buộc các DN nhập khẩu và cơ sở sản xuất thuốc trước khi lưu hành thuốc trên thị trường phải kê khai giá và khi giá thuốc thay đổi phải kê khai lại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo công khai giá thuốc được kê khai. Đồng thời, giá bán buôn và giá bán lẻ thuốc cũng phải được niêm yết... Đây là những yếu tố tích cực, góp phần kéo giá thuốc xuống đúng vị trí của nó.

mạnh đến yếu tố cung - cầu trong quy luật thị trường. Làm cung tốt lên, tức là sản xuất trong nước tốt lên bằng cách quan tâm đến công nghiệp dược, đầu tư công nghiệp kháng sinh... thì không những đáp ứng được nhu cầu của xã hội, mà còn có nhiều ý nghĩa khác.

 

Ông có chắc sản xuất trong nước đáp ứng đủ nhu cầu sẽ góp phần làm giảm giá thuốc?

 

Chắc chắn là như vậy. Nếu lượng thuốc của VN sản xuất ra đủ, có chất lượng sẽ giảm được giá thuốc. Muốn làm được vấn đề này cần có chính sách phát triển ngành thuốc trong nước. Cụ thể là phải điều chỉnh khâu nghiên cứu, tìm nguyên liệu cây, con (phát triển đông y); nghiên cứu sinh học, y sinh học... để tạo ra các chế phẩm thuốc mới. Đồng thời, phải có ngành công nghệ dược hiện đại để sản xuất ra những loại thuốc có thể cạnh tranh được với sản phẩm của nước ngoài.

 

Giá thuốc thời gian qua tăng cao còn do người bán thuốc, vậy việc quản lý tới đây sẽ như thế nào?

 

Trong dự án Luật dược có đề cập đến vấn đề này, trong đó Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm quy định cụ thể về các điều kiện, thẩm quyền của người bán thuốc. Hiện nay, vai trò của người bán thuốc là rất quan trọng, nhưng không vì thế mà chúng ta chủ quan áp đặt giá thuốc tăng là do khâu này. Cần phải nhìn tổng thế các vấn đề có liên quan đến thuốc. Giá thuốc tăng cao ngoài người bán thuốc (dược sĩ) còn có nguyên nhân từ bác sĩ kê đơn, người sản xuất thuốc, thậm chí cả người bệnh... Vì thế, như tôi đã nói, quản lý giá thuốc mà chỉ giao riêng cho ngành y tế là không đủ.

 

Nhiều bác sĩ hiện nay chủ yếu kê thuốc tây để ''ăn'' hoa hồng của nhà thuốc, làm cho giá thuốc tây tăng mạnh và dễ xẩy ra thông đồng, trục lợi bất chính. Theo ông, làm gì để khắc phục hiện tượng này?

 

Tôi biết hiện tượng bác sĩ chủ yếu kê toa thuốc tây. Vừa rồi, nhiều hãng thuốc nước ngoài đầu tư vào VN, trong đó có một số trường hợp không đúng luật khi tuyên truyền về thuốc một cách bừa bãi. Mạng lưới trình dược viên của các hãng này len lỏi khắp các bệnh viện và không chỉ tuyên truyền về thuốc mà còn cung cấp nhiều dụng cụ, bàn, bảng, sổ... cho bác sĩ. Nhiều bác sĩ chỉ biết đến thuốc ngoại là vì thế. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải tuyên truyền, kiểm soát để làm sao bác sĩ không bị chi phối bởi các hiện tượng như vậy; một bác sĩ yêu cầu phải biết thuốc nội, đông y... Còn nếu chỉ biết thuốc ngoại, đừng nên làm công việc của người thầy thuốc.

 

Theo Văn Tiến
Vietnamnet