1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Ngãi:

"Chết đứng" vụ hoa Tết

(Dân trí) - Lũ rút cũng là lúc nước mắt người dân làng hoa Quảng Ngãi rơi khi chứng kiến thành quả lao động của mình héo dần rồi chết. Làng hoa đang đối mặt với một cái Tết không… hoa.


Người dân làng hoa ở Quảng Ngãi đang đối mặt với một cái Tết không hoa.

Người dân làng hoa ở Quảng Ngãi đang đối mặt với một cái Tết không hoa.

Nước lũ vừa rút, chúng tôi tìm về vựa hoa Tết Nghĩa Hiệp - Nghĩa Mỹ (huyện Tư Nghĩa). Bầu trời vẫn còn xám xịt, không khí ảm đạm, buồn bã bao trùm cả vựa hoa.

Trên con đường dẫn vào hai “thủ phủ” hoa Tết Quảng Ngãi đôi chỗ vẫn còn đọng nhiều vũng nước lớn khiến xe máy không thể qua lại, nhiều vườn hoa của người dân vẫn còn ngập trong nước. Những chậu hoa Tết chuẩn bị đơm nụ bắt đầu rủ lá.

Hàng vạn chậu hoa đã ngâm mình trong những đợt lũ liên tiếp ngay trước mùa Tết
Hàng vạn chậu hoa đã ngâm mình trong những đợt lũ liên tiếp ngay trước mùa Tết

Mặc dù đã làm nhiều cách, nhưng người dân không thể cứu được hoa
Mặc dù đã làm nhiều cách, nhưng người dân không thể cứu được hoa

Bị ngâm trong nước nhiều ngày nên hoa đã bị thiệt hại hoàn toàn
Bị ngâm trong nước nhiều ngày nên hoa đã bị thiệt hại hoàn toàn

Nhiều nơi hoa chết đứng ngay trên ruộng
Nhiều nơi hoa chết đứng ngay trên ruộng

Công việc đầu tiên và duy nhất mà người dân ở đây có thể làm lúc này là dầm mình dưới dòng nước đục ngầu tạt nước “tắm” cho những cây hoa lấm lem bùn đất của mình với hi vọng cứu được chúng. Nhưng hì hục cả ngày trời trong nước bẩn, họ vẫn phải chứng kiến những chậu hoa của mình thay nhau héo dần, nhiều chậu khác đã chết. Nhìn thành quả lao động quần quật trong nhiều tháng trời của mình phút chốc trôi theo dòng nước lũ, nhiều người đã không thể kìm lòng.

Theo UBND huyện Tư Nghĩa, đợt lũ vừa rồi đã làm thiệt hại khoảng 300.000 chậu hoa Tết của người dân, tức là khoảng 90% sản lượng, đa phần trong số đó đã được thương lái đặt cọc trước. Ước tính tổng số tiền khoảng hơn 30 tỷ đồng, đây là con số vô cùng lớn đối với hai địa phương thuần nông này.

Đã hơn một ngày trôi qua, nhưng nước trong vườn hoa cúc, mào gà hơn 1.000 chậu của nhà ông Tống Thới Xanh, ở đội 4, thôn Hải Môn (Nghĩa Hiệp) vẫn chưa được bơm hết ra ngoài. Từ hôm qua, hai máy bơm “4 ngựa” được ông Xanh sử dụng hết công suất để bơm nước ra ngoài, trong khi đó hai vợ chồng ông hì hục tát nước “tắm” cho hoa. “Hoa đã bắt đầu héo rồi, chắc nay mai cũng chết hết thôi. Vụ hoa năm nay coi như mất trắng, hơn 30 triệu tiền vốn cũng tiêu tan”, ông Xanh chua xót.

Việc nước lũ về quá nhanh cộng với việc thời điểm xảy ra lũ khác với thông lệ nhiều năm khiến người dân không thể mang hoa “chạy lũ”. Nhiều người đành phó mặc vườn hoa nhà mình cho mưa lũ vì không có cách nào khác.

Anh Kiều Quang Hổ, một người trồng hoa Tết có tiếng ở đội 3, thôn Mỹ Hòa, xã Nghĩa Mỹ năm nay cũng không thể thoát khỏi tình cảnh chung của người trồng hoa ở đây khi “bay” số tiền vốn đầu tư 70 triệu đồng cho hơn 1.000 chậu hoa. “Mọi năm lụt tháng 9, tháng 10 nhưng năm nay giữa tháng 11 vẫn còn lụt nên chúng tôi không trở tay kịp”, anh Hổ cho biết.

Hoa Tết là sinh kế chủ yếu và lâu đời của người dân nơi đây nên việc bị thiệt hại nặng do mưa lũ đã đẩy người dân vào nguy cơ năm nay không có Tết.

Ông Lê Trung Thành – Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng cho nghề trồng hoa của địa phương, phải rất lâu mới có thể phục hồi được. “Huyện đang kiến nghị tỉnh xem xét phương án hỗ trợ bà con. Tuy nhiên, việc cây hoa không nằm trong danh mục cây trồng được hỗ trợ thiệt hại do thiên tai đang là vấn đề khiến chúng tôi lo nhất”, ông Thành nói.

Bảo An