1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Tĩnh:

Chê cảng cá kém hiệu quả, ngư dân "trốn" nộp phí?

(Dân trí) - Theo báo cáo của BQL cảng cá Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), số tiền ngư dân nợ phí bến bãi hơn 235 triệu đồng. Sau 3 năm số nợ này vẫn chưa thể thu hồi.

3 năm không thể thu phí bến bãi neo đậu

Hiện nay cảng cá Xuân Hội có khoảng 62 tàu đang hoạt động vào neo đậu. Trong đó tàu lớn khoảng 20 chiếc, tàu nhỏ 42 chiếc.

Theo quy định những tàu neo đậu tại đây phải đóng phí dịch vụ sử dụng theo Quyết định 16/2017/QĐ-/UBND ngày 21/4/2017 của UBND Hà Tĩnh. 

Nội dung của Quyết định ghi rõ, mức phí dịch vụ cho một lần cập cảng (không quá 48 giờ) đối với tàu thuyền đánh cá được quy định mức từ 8.000 đồng đến 80.000 đồng tùy theo công suất của tàu.

Đối với tàu vận tải cập cảng từ 15.000 đồng đến 130.000 đồng/lần (tùy theo tải trọng).

Tuy nhiên, gần 3 năm nay, BQL cảng cá không thể thu phí của các ngư dân có tàu thuyền neo đậu. 

 Chê cảng cá kém hiệu quả, ngư dân trốn nộp phí? - 1

Bảng niêm yết giá dịch vụ sử dụng cảng cá vào khu neo đậu tránh trú bão theo Quyết định 16/2017/QĐ-UBND của UBND Hà Tĩnh

Ông Đinh Sỹ Long, Cảng trưởng Cảng cá Xuân Hội cho biết: "Các chủ tàu đã đăng ký nộp giá dịch vụ sử dụng cảng cá theo năm kể từ ngày 1/6/2017, mỗi năm nộp 2 đợt vào thời gian đầu tháng của mỗi đợt. Nhưng đến nay qua nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở nhưng một số chủ thuyền vẫn chưa thực hiện theo quy định".

Theo báo cáo của BQL các cảng cá, danh sách chủ tàu cá nợ dịch vụ sử dụng cảng cá tại Xuân Hội đến cuối tháng 5/2020 là 15 hộ với số tiền hơn 235 triệu đồng. Trong đó hộ nợ ít nhất khoảng 3 triệu đồng, nhiều hộ còn nợ từ 25 triệu - 30 triệu đồng.

Giải thích cho việc chậm nộp phí, ông  Mai Văn Nhàn (chủ tàu) bức xúc: "Không phải chúng tôi không nộp, nhưng hiện nay cầu cảng bị bồi lắng, tàu lớn, tàu bé không thể vào cảng để neo đậu, buôn bán. Trong khi đó, chúng tôi phải thêm chi phí thuê tàu tăng - bo chở hàng hóa. Số tiền này ai tính cho chúng tôi?".

 Chê cảng cá kém hiệu quả, ngư dân trốn nộp phí? - 2

Cảng cá bị bồi lắng, tàu thuyền không thể cập cảng khiến nhiều ngư dân "trốn" không nộp phí neo đậu

Ngư dân Lê Văn Nhâm cũng cho rằng: "Chúng tôi sẽ nộp phí đầy đủ nếu cầu cảng hoạt động hiệu quá. Chứ bây giờ mỗi khi tàu chúng tôi cần cập cảng thì không thể vào để neo đậu. Đá lạnh, hàng hóa có khi phải sang Nghệ An để cập bến".

Ngoài ra, theo ông Nhâm việc cảng cá tăng phí neo đậu trong khi khu vực này đang bị bồi lấp, khiến nhiều ngư dân khó khăn.

Được biết, ông Nhâm hiện có 2 tàu cá đăng ký với công suất 320 Cv. Trước đây, mức phí ông Nhâm đóng là 320.000 đồng/tháng, khoảng 3 năm lại đây khi có Quyết định mới mỗi tháng ông đóng mức phí khoảng 1,8 triệu đồng.

10 năm chưa được cấp kinh phí nạo vét

Cảng cá Xuân Hội được đầu tư xây dựng năm 2010. Đến năm 2014, cảng được hoàn thiện và công bố đưa vào sử dụng. Tuy nhiên từ năm 2010, cảng cá đã đón tàu ra vào neo đậu, buôn bán.

Năm 2010, khi đưa vào sử dụng mực nước đo được tại đây khoảng -4,1m, đảm bảo tàu thuyền có công suất trên 600 Cv lưu thông.

 Chê cảng cá kém hiệu quả, ngư dân trốn nộp phí? - 3

Năm 2010, khi đưa vào sử dụng mực nước đo được tại đây khoảng -4,1m, sau nhiều năm sử dụng mực nước tại đây đang ở mức +00

Đến nay, sau 10 năm sử dụng, cảng cá Xuân Hội chưa được đầu tư kinh phí nạo vét, duy tu thường xuyên. Hiện nay, mực nước ở đây đang ở mức ++00, ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác cảng.

"Những năm gần đây, tàu lớn chỉ cập bến khi có triều cường, gây khó khăn cho bà con ngư dân mỗi khi neo đậu. Nhiều ngư dân lấy lý do này để tránh việc nộp phí neo đậu bến bãi. Trong khi đó BQL cảng cá không có chức năng cưỡng chế nên 3 năm qua, số nợ này vẫn không thể thu hồi", ông Long cho hay.

 Chê cảng cá kém hiệu quả, ngư dân trốn nộp phí? - 4

Sau 3 năm số tiền hơn 235 triệu đồng nợ phí neo đậu vẫn chưa thể thu hồi.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh thông tin: "Để đảm bảo các quy định của pháp luật được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tính công bằng của người dân khi sử dụng cảng, BQL đã báo cáo và đề nghị các cơ quan chức năng liên ngành phối hợp để giải quyết vấn đề này". 

Ngoài ra, BQL cảng đã đề xuất lên UBND tỉnh 2 phương án giải quyết là xin cấp kinh phí để duy tu, nạo vét hoặc tiến hành xã hội hóa nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. 

"Hiện nay, cấp trên chưa bố trí được kinh phí phục vụ cho nạo vét, trong khi đó việc xã hội hóa nạo vét lại vướng Nghị định 159 của Chính phủ. Hiện nay, vẫn chưa có thông tư hướng dẫn nên phương án này vẫn chưa thể thực hiện", ông Sơn cho biết thêm.

Phượng Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm