1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cháu nội Vua Mèo kể về cuộc sống của người ông được Bác Hồ kết nghĩa anh em

(Dân trí) - "Được mệnh danh là Vua của một vùng, trong nhà chứa rất nhiều vàng bạc, châu báu nhưng ông nội tôi - Vương Chí Sình lại sống một cuộc sống rất giản dị. Ông luôn dạy con cháu phải biết chịu khó lao động mới có cái ăn và không phải chịu cảnh đói khổ" - ông Vương Duy Bảo kể về người ông nội nổi tiếng một thời.

Vua Mèo Vương Chí Sình (Ành: Gia đình ông Vương Duy Bảo cung cấp).
Vua Mèo Vương Chí Sình (Ành: Gia đình ông Vương Duy Bảo cung cấp).

Khu dinh thự Vua Mèo (Vua H'Mông) nằm trên gò đất thuộc thung lũng Sà Phìn, cách trung tâm huyện lỵ Đồng Văn (Hà Giang) 15 km. Dinh thự và cả mảnh đất rộng lớn bao quanh thuộc sở hữu của Vương Chính Đức (1865-1947), thủ lĩnh cộng đồng người H'Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn trước cách mạng tháng 8/1945.

Vương Chính Đức cũng là người duy nhất được đồng bào người Mông nơi đây suy tôn là vua Mèo và chính thức cai quản 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn.

Ký ức của người cháu về cuộc sống giản dị của Vua Mèo

Ngày 21/8, PV Dân trí tìm về căn phòng nhỏ trong khu tập thể ở phố Trần Quang Diệu, Hà Nội, đây là nơi sinh sống của gia đình ông Vương Duy Bảo (62 tuổi, nguyên Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch; là cháu nội của Vua Mèo Vương Chí Sình).

Đầy tự hào khi kể về việc ông nội mình từng được Bác Hồ nhận kết nghĩa anh em, ông Bảo cho biết, mặc dù là vua của một vùng nhưng ông Vương Chí Sình lại sống một cuộc sống rất đỗi giản dị và luôn căn dặn con cháu phải chịu khó lao động mới có cái ăn và không phải chịu cảnh đói khổ....

Nhớ lại những kỷ niệm của gia đình cách đây hơn 40 năm, ông Vương Duy Bảo vẫn nhớ như in những lời khuyên, những điều căn dặn của Vua Mèo Vương Chí Sình với con cháu của mình sau này.


Ông Vương Duy Bảo, cháu nội Vua Mèo Vương Chí Sình kể về cuộc sống giản dị của ông nội (Ảnh: Trần Thanh).

Ông Vương Duy Bảo, cháu nội Vua Mèo Vương Chí Sình kể về cuộc sống giản dị của ông nội (Ảnh: Trần Thanh).

“Ngay từ khi còn nhỏ ông nội đã thường nói với các con cháu rằng, muốn có cái ăn thì phải tự mình làm ra, chỉ có lao động chăm chỉ mới có cái bắp ngô, cây rau và muốn có thịt để ăn thì phải nuôi con gà, con lợn. Tất cả phải làm từ chính đôi bàn tay của mình thì mới bền lâu được”, ông Vương Duy Bảo nói.

Theo ông Bảo, mặc dù ông Vương Chí Sình được phong làm vua của một vùng và giàu tới mức có cả kho vàng, kho bạc riêng được chôn sâu dưới lòng đất, nhưng cuộc sống của ông lại rất giản dị, từ cách ăn mặc đến việc ăn ở đi lại, như việc ông không uống rượu, ăn những thức ăn ít thịt và chủ yếu là thực vật. Đặc biệt Vua Mèo còn nằm giường được lót bằng những bện rơm rạ, mãi sau này ông Vương Chí Sình mới mua một chiếc giường sắt của Hồng Kông thời đó về nằm.

Ông Vương Duy Bảo cho biết, Vua Mèo Vương Chí Sình (1886 - 1962) là người con trai út của Vương Chính Đức, ông cũng chính là người tham gia cách mạng và sau này ông từng làm đại biểu Quốc Hội khóa I và II.

Nói về đức tính giản dị của ông nội, ông Bảo kể rằng, sau này ngay cả khi ông Vương Chí Sình là đại biểu Quốc hội (năm 1946), ông vẫn duy trì sự giản dị vốn có của mình.

"Năm 1946, ông nội tôi về Hà Nội công tác và ở tại căn nhà số 55 phố Hàng Đường mà gia đình đã mua từ trước đó. Lúc ấy, ông Sình vẫn ăn vận rất giản dị theo trang phục truyền thống của người Mông. Chỉ đến khi tham gia Quốc hội ông mới mua bộ quần áo tây để thi thoảng thay đổi đi dự họp. Về nhà ông lại vận bộ quần áo vải dệt chàm đen của người Mông chúng tôi”, ông Bảo kể lại.

Trước khi qua đời ở tuổi 76 vào cuối năm 1962 tại Bệnh viện Việt Xô, Vua Mèo Vương Chí Sình đã trăng trối với con cháu: “Khi ta mất, hãy đào tất cả của cải của ta đang chôn ở nhà để cống hiến cho Nhà nước”.

Khu mộ Vua Mèo Vương Chí Sình (hay Vương Chí Thành, tên do Bác Hồ đặt cho người anh em kết nghĩa của mình) (Ảnh: Đinh Đức Cần).
Khu mộ Vua Mèo Vương Chí Sình (hay Vương Chí Thành, tên do Bác Hồ đặt cho người anh em kết nghĩa của mình) (Ảnh: Đinh Đức Cần).

“Sau khi ông nội mất, tôi cùng gia đình đã đào kho báu của ông để lại đem hiến cho Nhà nước, khi đào kho báu lên, vàng, bạc nhiều vô kể. Để ghi nhận những đóng góp của ông nội tôi, Nhà nước đã trao tặng cho ông huân chương “Đại đoàn kết dân tộc”. Noi gương ông, chúng tôi, các con, cháu đời sau đã không ngừng học tập, lao động để vươn lên thoát khỏi đói nghèo, một lòng theo Đảng, không ngừng cống hiến cho đất nước”, ông Bảo nhấn mạnh.

Vua Mèo được Bác Hồ nhận kết nghĩa làm anh em

Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông Hoàng Việt Hưng từ Cao Bằng sang Sà Phìn giác ngộ ông Vương Chính Đức đi theo cách mạng để đánh Pháp, Nhật, chống lại quân Tưởng Giới Thạch.

"Khi phát xít Nhật và thực dân Pháp xâm lược nước ta, tấn công lên Hà Giang, ông nội tôi, Vương Chí Sình đã mua súng ống, lương thảo, kêu gọi người dân trong vùng cùng đứng lên để giữ đất, chống lại quân xâm lược và ông Vương Chí Sình được người dân nơi đây tôn làm Thủ lĩnh. Cụ Hồ sau đó gửi thư mời ông cụ tôi là Vương Chính Đức về Hà Nội. Nhưng do tuổi cao, ông Đức đã cử con trai Vương Chí Sình về gặp" - cháu nội Vua Mèo kể lại.

Một góc trong dinh thự của Vua Mèo Vương Chí Sình (Ảnh: Hoàng Ngọc)
Một góc trong dinh thự của Vua Mèo Vương Chí Sình (Ảnh: Hoàng Ngọc)

Về đến Hà Nội, ông Vương Chí Sình nhận kết nghĩa anh em với Chủ tịch Hồ Chí Minh, được đặt tên là Vương Chí Thành. Tại buổi kết nghĩa, ông Vương Chí Sình hứa quyết tâm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo vệ mảnh đất Đồng Văn, lãnh đạo người H’Mông theo Việt Minh. Khi nào đánh Tây, đuổi Nhật xong, họ Vương sẽ trả lại đất Đồng Văn cho Hồ Chủ tịch. Ông Sình sau đó tham gia đại biểu Quốc hội khoá I, làm Chủ tịch huyện Đồng Văn.

“Hồi đó, Bác Hồ cũng đã ghi nhận cái nghĩa khí của ông nội tôi, Bác còn tặng cho ông Sình một thanh gươm có khắc dòng chữ “Tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ” và một chiếc áo trấn thủ, chiếc áo này do Hội phụ nữ tỉnh Hải Dương may để tặng Bác. Từ đó, ông nội tôi đã một lòng theo Bác, theo cách mạng" - ông Bảo cho biết.

Từ đó Vua Mèo Vương Chí Sình đã tuyên truyền vận động người dân một lòng theo Đảng, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, giã từ cây anh túc, sống định canh định cư. Và từ đó cuộc sống của người Mông không còn trầm luân bên bờ mê lú của loài hoa thuốc phiện.

Một lòng theo Đảng nên tại khóa Quốc hội đầu tiên của nước ta năm 1946, ông Vương Chí Sình vinh dự được bầu là đại biểu Quốc hội. Năm 2006, ông Vương Chí Sình được truy tặng Huân chương đại đoàn kết dân tộc.

Năm 1993, Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận dinh thự họ Vương tại Sà Phìn là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia và được Bộ cấp vốn với số tiền hơn 10 tỷ đồng để trùng tu di tích năm 2003.

Tháng 6/2018, ông Vương Duy Bảo có đơn gửi Thứ trưởng Văn hóa Đặng Thị Bích Liên đề nghị làm rõ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đối với khu di tích dinh thự họ Vương.

Theo đó thì Sở Tài nguyên Môi trường Hà Giang đã cấp giấy sử dụng quyền sở hữu đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn.

Trước những ý kiến trên, ông Vương Duy Bảo khẳng định việc tỉnh Hà Giang tước đoạt quyền sử dụng đất gắn với tòa dinh thự họ Vương của gia đình ông là bất hợp lý và sai luật. “Sổ đỏ dinh thự này phải cấp cho chúng tôi bởi những người dòng họ Vương đã sinh sống ở đó hàng trăm năm nay”.

Ngày 16/8, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch báo cáo tổng quan quá trình xử lý, giải quyết kiến nghị của ông Vương Duy Bảo về các vấn đề liên quan đến tòa dinh thự họ Vương tại xã Sa Phìn, huyện Đồng Văn, trong đó có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tòa dinh thự này.

Trần Thanh