1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Châu Á đề cử Việt Nam làm thành viên HĐBA LHQ

Nhóm các nước châu Á tại LHQ vừa nhất trí thông qua quyết định đề cử Việt Nam là ứng cử duy nhất của châu lục vào ghế Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009. Đại sứ Việt Nam tại LHQ Lê Lương Minh nhận định, gần như chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành thành viên của HĐBA.

Sự ủng hộ này là một bước quyết định để Việt Nam có thể bảo đảm được bầu làm thành viên Hội đồng bảo an (HĐBA), thay Ca-ta trong nhiệm kỳ tới. Để được bầu làm thành viên HĐBA, ứng cử viên phải giành được ít nhất 2/3 số phiếu của Đại hội đồng (tức là từ 125 đến 128 phiếu).

HĐBA gồm 15 thành viên, trong đó có 5 ủy viên thường trực có quyền phủ quyết và 10 thành viên không thường trực nhiệm kỳ hai năm, không được quyền tái cử ngay sau đó và được phân bố theo khu vực. Theo thông lệ, hầu hết các quyết định quan trọng liên quan đến các vấn đề khủng hoảng quốc tế đều được thông qua tại HĐBA.

Việc tham gia cơ quan này không những góp phần nâng cao vị thế của nước thành viên trên trường quốc tế, mà tạo điều kiên cho việc đề xuất, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến khu vực và thế giới. Cũng chính vì vậy, khi tham gia HĐBA, các nước thành viên sẽ phải hoạt động ngoại giao tích cực hơn, tham vấn nhiều hơn để có thể đưa ra những quyết sách kịp thời.

Theo quy định, các tuyên bố của HĐBA cần sự thông qua nhất trí của các nước thành viên, trong khi các nghị quyết của HĐBA phải được sự tán thành của ít nhất 9 thành viên và không có phiếu phủ quyết. Theo Hiến chương LHQ, tất cả các nước thành viên đều có nghĩa vụ chấp nhận và thi hành các nghị quyết của HĐBA. Chức Chủ tịch HĐBA được thực hiện theo chế độ luân phiên, theo thứ tự ABC, nhiệm kỳ 1 tháng.

Trong lịch sử Liên Hợp Quốc, có hơn 74 nước chưa từng tham gia HĐBA. Những nước tham gia HĐBA nhiều nhất là: Nhật Bản, Bra-xin (9 nhiệm kỳ), Ấn Độ, Pa-ki-xtan, Cô-lôm-bi-a, I-ta-li-a (6 nhiệm kỳ).

Đại sứ Lê Lương Minh: Hai năm tới sẽ là những mốc lớn của ngoại giao đa phương Việt Nam

 

Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa quyết định trên của Nhóm châu Á?

 

HĐBA là cơ quan quan trọng nhất của LHQ trong việc thực thi chức năng duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Trong khi các cơ quan khác của LHQ có thể đưa ra các khuyến nghị đối với các nước thành viên, HĐBA là cơ quan duy nhất có quyền đưa ra các quyết định mà các nước thành viên LHQ có nghĩa vụ phải thi hành theo quy định của Hiến chương LHQ…

 

Do tầm quan trọng của HĐBA, bầu cử vào cơ quan này khi có hơn một ứng cử viên cho một ghế bao giờ cũng khó khăn, nhiều khi gay cấn. Thực tế có lúc phải sau 155 vòng bỏ phiếu kéo dài hơn 3 tháng, Đại hội đồng (ĐHĐ) mới bầu được một thành viên không thường trực mới. Cuộc bỏ phiếu năm nay để bầu một thành viên mới đại diện cho khu vực Mỹ Latin và Ca-ri-bê đã qua 41 vòng, kéo dài hai tuần vẫn chưa có kết quả.

 

Các ghế không thường trực HĐBA dành cho châu Á đến năm 2029 đã được đăng ký ứng cử hết. Việc được Nhóm châu Á quyết định đề cử là ứng cử viên duy nhất lần này sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho Việt Nam trong việc tranh thủ sự ủng hộ của các nước ngoài khu vực trong thời gian từ nay đến lúc ĐHĐ tiến hành bỏ phiếu vào tháng 10/2007.

 

Vậy theo Đại sứ, đã có thể nói Việt Nam chắc chắn trở thành thành viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009?

 

Chỉ có thể nói gần như chắc chắn. Theo quy định, dù là ứng cử viên duy nhất ta vẫn phải đạt tối thiểu 2/3 số phiếu bầu của các nước thành viên LHQ có mặt và tham gia bỏ phiếu, nghĩa là phải đạt khoảng từ 125 đến 128 phiếu. Gần như chắc chắn vì khi ta đã được Nhóm châu Á đề cử là ứng cử viên duy nhất của Nhóm, các nước ngoài khu vực ít có lý do để không ủng hộ.

 

10 năm qua kể từ tháng 2/1997, khi chính thức đăng ký tranh cử vào HĐBA, trong khuôn khổ chính sách đối ngoại vì hoà bình, đa phương và đa dạng hoá quan hệ quốc tế, Việt Nam đã tiến những bước dài, tham gia tích cực và ngày càng sâu rộng hơn vào công việc của LHQ, đặc biệt trong lĩnh vực duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, là một thành viên có trách nhiệm của tổ chức toàn cầu lớn nhất này.

 

Đây là cơ sở quan trọng đầu tiên để các nước trong và ngoài khu vực ủng hộ ta. Cho đến nay, ta đã nhận được cam kết ủng hộ của nhiều nước.

 

Tháng 11 tới, Việt Nam sẽ trở thành thành viên và bắt đầu tham gia công việc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sẽ tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 14. Tháng 11/2007, theo quy định mới, nếu trúng cử, Việt Nam có thể bắt đầu tham gia công việc của HĐBA LHQ mặc dù từ tháng 1/2008 ta mới chính thức trở thành thành viên không thường trực HĐBA. Hai năm tới sẽ là những mốc lớn của ngoại giao đa phương Việt Nam.

 

Xin cảm ơn Đại sứ!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo Tiền Phong/TTXVN