1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cháu 61 tuổi nuôi cậu 107 tuổi

Có một ngôi nhà nằm biệt lập giữa lưng chừng một quả đồi ở xóm Xe Đá thuộc thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân-Phú Yên). Trong ngôi nhà ấy có một người cháu đã 61 tuổi vất vả nuôi ông cậu 107 tuổi.

Hồi mẹ người cháu còn sống, hai mẹ con ở bên xóm Gò Cốc, thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2 (Đồng Xuân) cách nơi ở bây giờ khoảng 5 cây số và ngăn cách bởi con sông Kỳ Lộ với bãi cát trắng trải dài. Lúc ấy, năm mười ngày hoặc nửa tháng, hai mẹ con lại nhờ người bơi sõng câu (một loại xuồng nhỏ) dắt díu qua bên này sông thăm cậu. Những năm sau khi mẹ bệnh nặng, sáng người cháu đi chợ nấu cơm, chiều lại vất vả mang thức ăn qua bên kia sông cho cậu.

 

Không gian vắng lặng

 

Ông cụ lấy sắn xắt lát phơi khô ra băm nhỏ vãi cho gà ăn, còn người cháu bưng cái rổ tre đi xung quanh nhà góp lá rau ngót, mồng tơi rồi vô bếp lục đục nấu bữa cơm trưa. Gần 10 năm qua, người cháu lớn tuổi cần mẫn nuôi ông cậu ruột già yếu bằng một tình yêu thương và nghị lực phi thường. Bà nguyện với lòng mình khi nào ông cậu nhắm mắt xuôi tay thì mới về lại ngôi nhà cũ của mình.

 

Căn nhà nằm trên một ngọn đồi bốn bề vắng lặng, trước mặt là cánh đồng lúa rộng gần 2ha. Khi vào vụ gieo sạ phải nhờ vào nước trời, một năm sản xuất một vụ, chủ ruộng từ xa đến canh tác. Lúc gieo sạ và khi thu hoạch thì ban ngày mới có bóng người ở ngoài ruộng, những tháng còn lại thì cánh đồng vắng lạnh.

 

Phía bên phải theo hướng ngôi nhà là thác Bằng Lăng của dòng sông Kỳ Lộ chen chân vào vách đá đổ nước ầm ào. Xung quanh nơi ở của hai con người là gò sắn, đồi mía. Ông cụ tên là Nguyễn Tính, năm nay đã 107 tuổi còn người cháu ruột của ông là Nguyễn Thị Chinh, cũng đến 61 tuổi.

 

Đang mùa thu hoạch sắn nên ngày nào bà Chinh cũng đi nhổ sắn rồi gánh về nhà để cụ Tính nạo vỏ. Tuổi già, chân tay khẳng khiu run rẩy, mỗi bước đi khập khiễng, mắt đã mờ đục, tai nặng nhưng cụ Tính vẫn làm được việc nhẹ, hôm nào khỏe thì cụ làm còn những lúc mệt thì nằm nghỉ.

 

Ở nơi hẻo lánh không có đường để xe ra vào nên sắn thu hoạch chỉ xắt lát phơi khô. “Từ đầu vụ đến nay tôi phơi khô 4 sân sắn rồi, chắc được khoảng 5 tạ. Sắn phơi khô xong đổ bồ hoặc vào bao, cứ đến phiên chợ thì tôi vác ra sông nhờ lũ nhỏ bơi sõng câu đem đến chợ bán”, bà Chinh nói.

 

Cụ Tính kể, thời ấy ở xóm này cư dân giao lưu buôn bán bằng sõng bè cập vào bến sông Xe Đá dưới chân thác Bằng Lăng. Bến sông này luôn tấp nập người và sõng bè ra vào. Sau ngày đất nước giải phóng, một tuyến đường mới mở cách xa bến sông, người dân chuyển vào sống hai bên đường gần chợ, trường học, trạm y tế nên giờ xóm này chỉ còn mình cụ bám trụ.

 

Cụ Tính cũng không nhớ mình đã sống qua bao lớp nhà mục nát cất đi cất lại, nhưng đều là nhà tranh vách đất xiêu vẹo. Gần đây xã hỗ trợ 10 triệu đồng từ chương trình xóa nhà tạm, bà Chinh thêm ít tiền vào xây ngôi nhà cấp 4 rộng khoảng 20m2, chỉ tô mạch hồ không có quét vôi. Cuộc sống hằng ngày trông chờ vào mùa thu hoạch sắn, mía và tiền trợ cấp người già của ông cậu.

 

Nén hương cho người đã khuất

 

Cụ chọn sinh sống ở nơi vắng vẻ này là vì mảnh đất này gắn chặt với cuộc đời cụ. “Thời Pháp thuộc ở đây đông đúc lắm, rồi đến thời chống Mỹ cũng vậy, dân ở đây vừa đi chăn bò, vừa tiếp tế lương thực cho cách mạng. Nói là dỡ cơm để đi chăn bò luôn trưa nhưng thực tế là giấu cơm, gạo, thức ăn trong bụi tre, tối cách mạng đến lấy. Lúc đó, bom rơi đạn lạc, nhiều người đã chết và chôn ở đây. Gần tết, đông đảo con cháu về đây tảo mộ ông bà”, cụ Tính chậm rãi nói.

 

Cụ còn dẫn chỉ cho tôi xem hàng chục ngôi mộ của những người đã từng che chở nuôi dưỡng cách mạng. Chiều, cụ ngả cái nong tre ra giữa sân ngồi bó gối, tiếp tục kể những câu chuyện từ phía xa lắm của cuộc đời.

 

Thời cụ còn trai trẻ, vào mùa mưa lũ, nước sông Kỳ Lộ cuộn trào lênh láng, chỉ còn ló mấy đọt tre, cụ cùng mấy người trong xóm sống ven sông bơi lặn giỏi đã nhiều lần đưa cách mạng qua sông trong đêm tối.

 

“Lớp già như tôi không ai còn nữa. Những ngôi mộ kia là thời cùng lứa với tôi. Họ nằm ở đây nên tôi không đi đâu hết. Tối đến, tôi thắp hương cầu mong linh hồn họ siêu thoát. Ai cũng đi hết, bỏ họ bơ vơ, tội!”. Thế là cụ quyết định sống ở một nơi vắng vẻ này, cụ chỉ có ngọn đèn dầu và bình trà là bạn tri kỷ đêm đêm thức cùng.

 

Ở đó, hồi còn trẻ, cụ đã khai hoang gần 1ha đất trồng sắn, mía. Cụ sống nép mình và cần cù lao động, những thửa gò lởm chởm đá nhưng đến mùa xuống giống cây trồng, một màu xanh bạt ngàn trải rộng.

 

Bà Chinh kể, hồi còn sống mẹ bà đã dặn: Khi má mất, con nhớ nuôi cậu. Có hôm bận việc, bà Chinh mang cá, dưa, mắm muối ra đầu ngõ chờ có ai sang đó làm ruộng gởi qua cho cậu, nhờ vậy cụ Tính có thức ăn hằng ngày. Một năm sau, khi mẹ bà Chinh mất, bà qua ở nơi này, lặng lẽ làm nông, rau cháo nuôi cậu. Chuyện đã gần 10 năm. Bà Chinh bảo: “Mẹ mất thì còn cậu, để cậu sống một mình tôi thấy tội. Tôi cố gắng làm tròn chữ hiếu, khi nào cậu mất tôi về lại bên kia sông, nhà cũ tôi còn đó”.

 

Theo Hoài Nam

 Phú Yên Online

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm