Chất vấn Thủ tướng về lệnh đóng cửa rừng "trên rất thiêng nhưng dưới không nghiêm"
(Dân trí) - Nói về lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng, đại biểu Quốc hội nêu, dư luận cho rằng, “lệnh trên rất thiêng nhưng không nghiêm với cấp dưới”. Thủ tướng khẳng định, lệnh đóng cửa rừng là mệnh lệnh cứng rắn, cần thiết nhưng cần thời gian để đo đếm tính hiệu quả…
Vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng) gửi phiếu chất vấn tới Thủ tướng. Đại biểu đặt vấn đề, Thủ tướng đã ra lệnh đóng cửa rừng nhưng rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá. Dư luận cho rằng “lệnh trên rất thiêng nhưng không nghiêm với cấp dưới”.
“Thủ tướng bình luận như thế nào về dư luận này? Thủ tướng có giải pháp gì để lệnh đóng cửa rừng được thực hiện nghiêm túc?” – nữ đại biểu đặt câu hỏi.
Trả lời chất vấn, Thủ tướng cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ ra lệnh đóng cửa rừng là một mệnh lệnh cứng rắn, cần thiết trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, việc thực hiện cần có thời gian và có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành cùng toàn thể nhân dân trong đấu tranh với các vi phạm về khai thác, bảo vệ và phát triển rừng. Việc phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm vừa qua cũng là minh chứng cho sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, ngành, đặc biệt là của lực lượng Công an nhân dân trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vì thế, thời gian gần đây, nhận thức về trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đối với công tác quản lý bảo vệ rừng bước đầu đã chuyển biến rõ nét, xã hội quan tâm sâu sắc hơn.
Tuy nhiên, đóng cửa rừng tự nhiên là một chủ trương lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài vì thế hệ tương lai và sự phát triển bền vững, trước yêu cầu thích ứng biến đổi khí hậu, có ý nghĩa kinh tế - xã hội - môi trường; nhưng đây là vấn đề phức tạp đòi hỏi quyết tâm cao, hành động nhất quán của các cấp, các ngành; cùng với giải quyết hài hòa yêu cầu quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội cần thiết. Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong việc xử lý nghiêm các vụ phá rừng trái phép; tập trung hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp, trong đó cần tiếp tục cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của từng nhóm chủ thể có liên quan đến công tác quản lý rừng.
Các địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 2/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW; Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ.
Đồng thời, đẩy mạnh việc phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của chính quyền địa phương các cấp và chủ rừng theo quy định tại Quyết định số 7/2012/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm túc các quy định trong lĩnh vực bảo vệ rừng; tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, nhất là nhân dân địa phương tại các khu vực rừng.
Cùng với đó là tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện và đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các sai phạm trong thực hiện các dự án chuyển đổi rừng; đốt, phá rừng; các hành vi vận chuyển, tiêu thụ, tàng trữ, chế biến lâm sản trái phép... nhất là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, xúi giục người dân phá rừng, người có thẩm quyền thiếu trách nhiệm, tiếp tay cho hành vi vi phạm.
P.T