1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đồng Nai:

Chặt nhãn làm than đốt lò

“Chưa bao giờ người trồng nhãn nơi đây lại lâm vào cảnh lao đao, khó khăn đến mức như vậy. Một ký nhãn giờ đây bán không bằng nửa ký than. Nhà nào mà không chặt bỏ cây nhãn thì cũng như chơi canh bạc mà rủi nhiều hơn là may vậy”.

Chỉ cho chúng tôi xem khu vườn nhãn tiêu điều, xơ xác vừa mới đốn hạ để bán cho lò đốt than, anh Nguyễn Văn Mười (ấp 4 - xã Phú Lộc - huyện Tân Phú) xót xa.

Đập vào mắt chúng tôi hai bên đường dẫn vào xã Phú Lộc (huyện Tân Phú - Đồng Nai), nơi được mệnh danh là “vương quốc nhãn Đồng Nai” là cảnh tiêu điều, xác xơ của những vườn nhãn mà chỉ cách đây độ dăm tháng trước đều đang tốt tươi, nối tiếp nhau thành một dải trải dài. Thế nhưng, đó chỉ là ký ức đối với người trồng nhãn nơi đây.

Hiện nay diện tích trồng nhãn tại đây đã sụt giảm rất lớn và hình ảnh những khu vườn nhãn giờ đây chỉ là cảnh hoang tàn, vắng lặng và không ai còn mặn mà với cây nhãn - một loại cây trồng đặc sản và thế mạnh kinh tế ở vùng đất này.

Mùa nhãn “đắng” chưa từng có

Chúng tôi theo chân anh Đỗ Thanh Dũng, Phó trưởng ấp 5, xã Phú Lộc đi thăm một số nhà vườn. Anh Dũng cho biết giá nhãn hiện nay thương lái mua tại vườn chỉ từ 1.400-1.800đ/kg.

Trung bình mỗi hộ tại đây trồng chừng 500 gốc, thu hoạch chừng 3 tấn trái mỗi mùa. Mà với giá như vậy thì mỗi hộ chỉ thu được chừng trên dưới 6 triệu đồng.

“Trong khi đó, chi phí bỏ ra cho vườn nhãn mỗi mùa cũng đã trên chục triệu đồng. Thu không đủ chi phí bỏ ra, huống hồ gì là lãi. Mà nhiều năm liền như vậy thì chúng tôi kham sao nổi. Phải bỏ cây nhãn và kiếm cây khác để còn sống chứ”, anh Phạm Văn Thông một chủ vườn vừa đốn bỏ sạch vườn nhãn bức xúc.

“Cây nhãn không còn cho lãi nữa mà trái lại còn khiến chúng tôi phải lao đao thực sự. Ngay như gia đình tôi, vay vốn ngân hàng để trồng nhãn nhưng ngay vụ đầu, nhãn đã rớt giá, phải thế chấp giấy chủ quyền nhà và số tiền nợ ngân hàng đến nay cả vốn lẫn lãi đã lên tới hàng chục triệu đồng. Đến nay vẫn chưa có khả năng chi trả được”, anh Dũng chua xót nói.

Nhiều năm qua, cây nhãn đã thực sự làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây. Nhưng đó chỉ là chuyện của năm mười năm về trước. Còn vài ba năm trở lại đây, khi trái cây rớt giá liên tục và lâm vào tình trạng “được mùa mất giá” thì người dân hết trông chờ vào cây nhãn và cây nhãn cũng đang khiến nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh lao đao.

Chúng tôi vào thăm vườn của gia đình ông Tư Nghiêm ở ấp 2 khi cả nhà đang hì hục đốn bỏ vườn nhãn gần 1.000 gốc đang cho thu hoạch. Nhiều hộ khác khi chúng tôi đến cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Có hộ cứ nán lại để nhãn lên giá biết đâu lại gỡ gạc được đôi chút nhưng mãi giá nhãn càng lúc càng tụt, mà để thì lỗ sẽ càng nặng hơn vì công sức và chi phí bỏ ra để tưới nước, phủ trái và thuê người làm phải tốn thêm nên cũng đành ngậm ngùi phá bỏ vườn nhãn để trồng cây khác. Nhãn được mùa thì mất giá, mà thất mùa cũng mất giá. Đơn cử như năm nay, thời tiết bất ổn nên sâu bệnh phát triển nhiều.

Giá nhãn rẻ hơn giá... than củi

Gần 2 năm nay, cây nhãn lại mắc thêm chứng bị xoắn đọt, mà cây nhãn bị xoắn đọt thì không thể trổ bông và không ra trái được. Phun bao nhiêu thuốc, áp dụng nhiều cách diệt trừ cũng không hết. Sản lượng trái sụt giảm nghiêm trọng, mà giá nhãn cũng không hề lên mà trái lại càng mất giá hơn năm ngoái nên buộc nông dân phải đốn bỏ hàng loạt.

Tình hình chặt bỏ vườn nhãn cũng diễn ra nhiều nơi ở các xã Phú Lộc, Phú Thịnh, Trà Cổ, thị trấn Tân Phú... và tình hình cũng lan sang nhiều xã ở huyện Định Quán như xã Thanh Sơn. Trái nhãn nơi đây ngọt thơm, nhưng nghề trồng nhãn và người trồng nhãn nơi đây lại không gặp ngọt ngào. Như thường lệ hàng năm, khoảng thời gian này người dân nơi đây lại bắt đầu bước vào vụ thu hoạch nhãn đầu vụ.

Thế nhưng trái ngược với những năm trước, khi những đoàn xe đổ về các vườn nhãn để thu mua trái thì giờ đây cũng có những đoàn xe đổ về đây nhưng không phải mua trái mà để mua gốc nhãn về đốt than.

Anh Nguyễn Văn Đá, một chủ lò than ở xã Phú Lộc, cho biết cách đây chưa đến 1 năm, anh đã làm cho người dân nơi đây phải bán tán suốt mấy tháng trời vì mở lò đốt than ngay tại vườn của mình và nguyên liệu cho lò đốt là... vườn nhãn hơn 7 năm tuổi đang cho trái ngày một ít đi của gia đình. Phong  trào chặt nhãn rộ lên khắp các xã, lò than của anh lại được “dịp” đỏ lửa suốt ngày đêm.

“Cây nhãn đốt than có chất lượng rất tốt và đắt hàng. Mà năng suất cũng như chất lượng cây nhãn đang bị suy thoái nặng nên người dân đốn bỏ ngày càng nhiều. Giá than bây giờ còn cao hơn nhiều lần giá nhãn. Mỗi ký nhãn giờ chỉ bán được không quá 2.000 đồng, trong khi mỗi ký than bán cũng phải trên 3.000 đồng”, anh Đá cho biết.

Hiện toàn huyện Tân Phú có hàng chục lò than và nguồn nguyên liệu chính cho các lò than này là gốc cây nhãn. Anh Phạm Văn Minh ở tổ 4, ấp 5 chỉ cho chúng tôi xem vườn nhãn gần 1.000 gốc vừa mới đốn hạ cho biết “Giá gốc nhãn mà các chủ lò mua tại vườn hiện nay từ 200.000-250.000đồng/xe cải tiến. Mà gốc nhãn lại bán dễ và không bị ép giá như bán nhãn trái. Tìm cây khác để trồng chứ chẳng còn ai mong chờ gì ở cây nhãn nữa.

Theo Lê Hiệp
VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm