Chắt chiu “vàng trắng”
(Dân trí) - Chỉ vài cơn mưa lớn, nhiều tuyến đường Hà Nội, TPHCM đã ngập sâu trong nước. Đó là hệ lụy của quá trình “đô thị hóa quá nóng”. Trong khi đó tại ĐBSCL, những trận mưa dai dẳng chỉ đủ “thấm đất”. Nước ngọt được xem là “vàng trắng” trong thế kỷ 21 và đối với vùng ĐBSCL, sau giai đoạn hạn, mặn khốc liệt vừa qua, nước ngọt còn đáng quý hơn bất cứ nơi nào.
Hết lũ ngọt đến lũ mặn!
Mưa đầu mùa đã làm nông dân ĐBSCL ở hạ lưu sông Mekong nhẹ nhõm trước cơn hạn kéo dài trong gần 6 tháng qua. Tuy nhiên, nguồn nước này chỉ đủ tải phần nhỏ cho nội đồng, chưa đủ lực tạo dòng chảy đẩy lùi nước mặn ra biển Tây và biển Đông. Hơn bao giờ hết, châu thổ miền Tây cần có nhìn dài hạn về vấn đề chia sẻ nguồn nước sông Mekong để hài hòa sản xuất nông nghiệp!
Hơn 15 năm trước, ĐBSCL luôn đối diện với những trận lũ kinh hoàng. Hàng ngàn người dân phải sơ tán, thậm chí bỏ xứ đi nơi khác mưu sinh khi lũ về. Cũng thời điểm đó, hệ thống đê bao, các đập ngăn lũ như Trà Sư, Tha La (An Giang) được hình thành để “chắn lũ”, bảo đảm cho nông dân thu hoạch lúa hè - thu.
Tuy nhiên, có những thời điểm phía Campuchia yêu cầu phía Việt Nam phải xả lũ để giảm áp lực lũ ngập tràn ở phía Campuchia. Và để “giảm tải” nước lũ, An Giang phải xả lũ sớm ở đập Trà Sư – Tha La. Ở thời điểm đó, tại ĐBSCL, khi An Giang xả lũ từ hai con đập này cũng gây phản ứng từ phía Kiên Giang khi nước lũ nhấn chìm lúa hè - thu chưa thu hoạch.
Trong 5 năm trở lại đây, ĐBSCL gần như không có lũ mà chỉ có mùa nước nổi ở một số nơi. Nguồn tích nước cạn kiệt, đẩy ĐBSCL vào thế phải đối diện với hạn đến sớm, kéo theo nước mặn xâm nhập sớm, bao phủ và lấn sâu vào nội đồng.
Những năm trước, hạn – mặn chỉ xảy ra trong 2-3 tháng (từ tháng 3 đến cuối tháng 5). Nhưng giờ hạn đến sớm hơn 3 tháng (hạn – mặn đầu tháng giêng) và kéo dài. Mùa mưa dứt sớm, cùng với các đập thủy điện trên dòng Mekong chính là tác nhân chính làm ĐBSCL phải gánh chịu đợt hạn – mặn vẫn còn đang diễn ra. Sau thời gian khốn đốn phải tìm đủ phương cách để thích ứng, “chung sống với lũ ngọt”, giờ châu thổ miền Tây phải tìm cách “chung sống với lũ mặn”!
Tăng lúa vụ 3, khó chống hạn – mặn!
Các nhà khoa học ở ĐBSCL cho rằng: đã đến lúc chúng ta cần nói rõ với khu vực và cả thế giới biết: Mỗi năm ĐBSCL sản xuất ra 1 triệu tấn cá tra (chủ yếu nằm ven sông Hậu, sông Tiền), 3 triệu tấn trái cây, 25 triệu tấn lúa. Các nông sản này không chỉ cung cấp cho khu vực châu Á mà nhiều nước trên thế giới. Đây không là áp lực mà là để thế giới biết, cư xử có trách nhiệm với nguồn nước trên dòng Mekong là một phần trách nhiệm với nơi được xem là “vựa lúa, vựa trái cây, thủy sản”.
Nhiều nhà khoa học tỏ ra lo lắng khi mới đây, Bộ NN-PTNT chủ trương sản xuất vụ thu - đông (lúa vụ 3) năm 2016 với hơn 900.000 ha. Những năm trước diện tích lúa thu đông chỉ khoảng 200.000 ha, tăng dần lên 600.000 ha, nay bị đẩy lên hơn 900.000 ha. Trong khi đó, phần lớn diện tích này nằm trong vùng “túi chứa nước” khi mùa mưa lũ về. Nếu sản xuất ở vùng này “lợi bất cập hại”: sản xuất đồng nghĩa với việc từ chối nhận trữ nước. Đến mùa khô, hạn – mặn sẽ nghiêm trọng hơn! Mà nhãn tiền là đợt hạn mặn vừa qua.
Các nhà khoa học cho rằng, trong dài hạn, ngay nội tại ĐBSCL cũng phải xem lại cách chia sẻ nguồn nước. Các nhà khoa học nhìn nhận: ĐBSCL được thiên nhiên “thiết kế” rất tài tình với ba “túi điều hòa nước” có thể ví như “ba trái tim” điều hòa “mạch máu Mekong”. Phía Campuchia có Biển Hồ (Tonle Sap), phía Việt Nam có hai vùng trũng tự nhiên là Đồng Tháp Mười rộng 700.000 ha; Tứ giác Long Xuyên rộng khoảng 590.000 ha. “Ba túi nước” này điều hòa nước cho ĐBSCL: mùa lũ thì cất giữ bớt nước lũ làm cho lũ hiền hòa hơn, từ từ nhả ra trong mùa khô, bổ sung cho dòng sông Tiền, sông Hậu giúp đẩy mặn vùng ven biển trong mùa khô.
Chính vì vậy, mà lãnh đạo tỉnh Bến Tre (một trong những tỉnh gần như bị nhiễm mặn hoàn toàn vừa qua) rất mong có lũ lớn, tích nước để đẩy mặn trong mùa khô. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học đang phân vân: đến thời điểm này có cần phải làm lúa vụ 3 trong đê bao (thay vì xả lũ trữ nước); có cần đem cây lúa trồng vào vùng nhiễm mặn rồi nay lại gọi bị mặn?
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang), một trong những người khá gắn bó với sản xuất nông nghiệp và hệ thống thủy lợi ĐBSCL, nói: “Cách làm thủy lợi của người Pháp khi khai thác khu vực ĐBSCL đáng suy nghĩ. Người Pháp chỉ can thiệp về thủy lợi ở một số nơi khu vực Tứ giác Long Xuyên và để lũ tràn ở khu vực Đồng Tháp Mười”.
Phạm Tâm - Tường Vy