1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kon Tum:

Chặt bỏ hơn 100ha rừng thông để trồng mắc ca: Tỉnh "khất" nhiều câu hỏi

(Dân trí) - Vừa qua, báo Dân trí đã đăng tải ““Khai tử” rừng thông để lấy đất cho mắc ca”. Ngay sau đó, vào ngày 31/8 Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum tổ chức họp báo liên quan đến việc phá 122 ha rừng thông cho Công ty TNHH Đăng Vinh - Chi nhánh Kon Tum trồng cây mắc ca tại huyện Kon Plông (Kon Tum) mà báo chí phản ánh.

Trả lời tại buổi họp báo, ông Nguyễn Trung Hải - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho biết: “Khu vực thực hiện dự án trên là đất rừng sản xuất nên không ảnh hưởng đến quy hoạch rừng phòng hộ. Diện tích thông trồng hiệu quả kinh tế không cao, đã đến thời kỳ khai thác, đây cũng là khu vực không thuộc quy hoạch phát triển khu du lịch sinh thái của tỉnh Kon Tum. Mặt khác, diện tích này nằm khá xa khu dân cư, cách trung tâm huyện 6km nên không ảnh hưởng đến du lịch. Bộ NN&PTNT đã có quyết định quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây bắc và Tây Nguyên là 5.940 ha, trong đó tỉnh Kon Tum là 290 ha ở các huyện Kon Plông, Đăk Glei, Tu Mơ rông.


Ông Nguyễn Trung Hải phát biểu tại buổi họp báo

Ông Nguyễn Trung Hải phát biểu tại buổi họp báo

Ông Hải cho biết thêm: “Việc trồng cây mắc ca không ảnh hưởng nhiều đến môi trường, vì bản thân cây mắc ca cũng là cây lâm nghiệp. Sau 7 đến 8 năm cây phát triển cũng tạo được cảnh quan và giữ được khí hậu không thua gì cây thông…”

Cũng tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đã chất vấn tại sao lại cấp dự án trồng mắc ca cho công ty trên. Trong khi trước đó vào tháng 4/2015, UBND tỉnh đã ra văn bản số 754 cảnh báo cây mắc ca là loại cây trồng mới, hiện đang được trồng khảo nghiệm trên cả nước. Về câu hỏi trên, ông Hải trả lời chung chung rằng: “Việc trồng mắc ca hay không thì UBND tỉnh và Sở NN&PTNT chỉ là cơ quan khuyến cáo, không chỉ đạo doanh nghiệp trồng cây này, cây kia được…”

Gần 200ha bị “dọn sạch” để nhường đất trồng mắc ca
Gần 200ha bị “dọn sạch” để nhường đất trồng mắc ca

Ông Vũ Văn Bắc- Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Kon Plong dẫn chứng, tại huyện Kon Plông có hộ dân Nguyễn Thị Mỹ trồng khoảng 30 cây mắc ca, phát triển tốt và cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, phóng viên dẫn chứng lại bằng báo cáo của Sở NN&PTNT về việc hộ dân Nguyễn Thị Mỹ nêu trên thì cây phát triển kém, năng suất thấp.

Cũng tại buổi họp, rất nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí đặt nghi vấn về hiệu quả của dự án mắc ca, đề nghị được làm rõ nếu phá một diện tích rừng thông lớn như vậy sẽ ảnh hưởng đến môi trường như thế nào. Nếu sau này dự án thất bại, ai sẽ phải chịu trách nhiệm ?. Ngay tại thời điểm xin đầu tư của dự án, đã có 2 doanh nghiệp xin được trồng mắc ca trên diện tích rừng thông, tuy nhiên chỉ có 1 doanh nghiệp được chấp thuận, liệu có chuyện “xí phần” đất ở đây hay không?

Những thắc mắc trên đã không được đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum trả lời thỏa đáng. Chủ trì hội nghị ông Nguyễn Trung Hải đã phải yêu cầu tổng hợp lại để có báo cáo bằng văn bản gửi tới các cơ quan báo chí.

Trước đó, báo Dân trí đã có bài đề cập đến việc UBND tỉnh Kon Tum có quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng 198 ha (122 ha có rừng thông) cho Công ty TNHH Đăng Vinh thuê đất nhằm triển khai dự án trồng cây mắc ca với thời hạn là 50 năm vào tháng 1/2017. 122 ha rừng thông bị phá nằm tại khoảnh 8, 9, 12, 13 thuộc tiểu khu 481, xã Đắk Long, huyện Kon Plông. Việc chuyển đổi trên có thể ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, cảnh quan du lịch nơi đây.

Phạm Hoàng