Chấp nhận thư nặc danh tố tham nhũng: Bước tiến bộ
Phải tạo ra những cơ chế ít rủi ro hơn để huy động sức dân vào mặt trận chống tham nhũng.
Theo Thông tư 07/2014 (về quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo) vừa được Thanh tra Chính phủ ban hành, các đơn nặc danh tố tham nhũng có nội dung rõ ràng, kèm theo thông tin, tài liệu, bằng chứng thì được chấp nhận xử lý. PGS-TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng, nhận định rằng đây là một bước tiến bộ.
Đã nhìn ra thực tế rất thật
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh
PGS-TS Đặng Ngọc Dinh: Xét về tổng thể, việc chấp nhận xem xét thư nặc danh tố cáo tham nhũng là một bước tiến bộ, có tác dụng tích cực trong việc phòng, chống tham nhũng. Quy định này cho thấy các cơ quan phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã thấy được một sự thật là có những người biết quan chức có hành vi tham nhũng nhưng vì sợ, ngại nên người ta không dám nêu ra tên tuổi, địa chỉ khi viết thư tố cáo.
Tại sao nói là bước tiến bộ, thưa ông?
Đó là vì trước đây chúng ta xử lý quá máy móc, theo nguyên tắc: Đã đơn thư tố cáo là phải có tên tuổi, địa chỉ… Đáng lẽ trước đây cơ quan chức năng phải thấy rõ một thực tế rất thật là do người ta sợ bị trù dập nên mới không dám ký tên dưới thư tố cáo. Vì vậy khi có quy định này, tôi nhận định rằng những người có tâm huyết chống tham nhũng sẽ không còn phải quá lo lắng về việc mình “đấu tranh thì tránh đâu” như trước đây nữa và họ sẽ mạnh dạn trình bày chứng cứ tố giác của mình với các cơ quan chức năng.
Cũng xin nói rõ thêm, trong thực tế người dân tố cáo thì có đến 80% ký tên đàng hoàng. Người dân không sợ đâu, trừ những trường hợp đụng đến quan chức cấp to hoặc chính những ông quan cấp trên của mình đang tham nhũng.
Mặt khác, về lý mà nói nặc danh hay không nặc danh chúng ta đều xét xem nội dung tố cáo là như thế nào để đi tìm hiểu. Trước kia cứ nặc danh là vứt ra, như thế là không được.
Theo quan sát của ông, các nước trên thế giới xử lý như thế nào về vấn đề này?
Trên thế giới dù nặc danh hay không thì các nước vẫn xem xét, xử lý. Nhưng nếu là thư nặc danh thì sẽ xem xét một cách thận trọng hơn. Họ xem xét nội dung thư là chính, khi xem xét nội dung rồi người ta lại phải cân nhắc làm thế nào để có được bằng chứng.
Ảnh minh họa: HTD
Phải tạo ra ít rủi ro cho người tố cáo
Nhưng thực tế nếu chấp nhận thư nặc danh tố tham nhũng sẽ xảy ra không ít trường hợp lợi dụng vào đó để thực hiện ý đồ riêng, gây “nhiễu” cơ quan, làm khổ đơn vị tiếp nhận xử lý?
Tất nhiên khi chấp nhận thư nặc danh các nhà chức trách cũng không tránh khỏi việc sẽ đối mặt với một số thư nặc danh chỉ để nói cho sướng hoặc thỏa những mối thâm thù cá nhân hoặc phe này đánh phe kia. Lúc ấy cơ quan xử lý phải xem xét những tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi tham nhũng một cách kỹ càng trước khi vào cuộc chứ không phải bất cứ thư nặc danh nào cũng xử lý ngay. Ở đây khả năng thẩm định thông tin của đơn vị xử lý đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Một khi điều đó bị xem nhẹ thì sẽ tốn rất nhiều công sức vì phải vận hành cả một hệ thống vào cuộc để xác minh, đối chất làm rõ và xử lý hệ quả.
Với thực tế Việt Nam, ông nghĩ khả năng quy định trên sẽ kích hoạt sự tham gia của người dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn hay khả năng người ta lợi dụng điều này để quấy rối nhiều hơn?
Lo ngại về mặt trái của quy định này như đã nói trên đây là có nhưng không vì thế mà phủ nhận sự tiến bộ của nó. Nhất là đặt trong tình hình tham nhũng của Việt Nam đang diễn ra phổ biến nhưng lại phức tạp và tinh vi. Hiệu quả đến lúc này như nhiều vị lãnh đạo đã đề cập là không đạt yêu cầu đặt ra. Trong tình hình đó, chúng ta buộc phải tạo ra những cơ chế để huy động người dân vào mặt trận này. Muốn thế ta phải tạo ra ít rủi ro nhất cho những người tố giác. Theo quy định hiện hành, ta có những cơ chế để bảo vệ người tố giác tham nhũng nhưng thực tế cho thấy là cơ chế ấy vận hành chưa hiệu quả. Đã có không ít trường hợp bị trù dập, nhẹ thì dằn mặt, tìm cách đẩy đi chỗ khác, nặng thì thuê người khác tấn công gây thương tích…, thậm chí là đe dọa đến cả tính mạng của người tố cáo và cả gia đình của họ. Do vậy nên nhìn nhận quy định này theo mặt tích cực, vì nó sẽ làm cho hoạt động phòng, chống tham nhũng tiến về phía trước. Nhưng cũng phải thấy rằng điều này không phải là cái quyết định, cái quyết định là ở ý chí chúng ta có muốn thực sự làm đến cùng hay không chứ đâu phải xem xét thư nặc danh thì chống tham nhũng sẽ mạnh.
Quy trình thẩm tra thông tin phải chặt chẽ
Với thay đổi này, thời gian tới đơn, thư tố cáo hành vi tham nhũng sẽ tăng lên nhiều và những thư nặc danh ghét nhau cũng tăng lên. Điều này sẽ làm cho người làm công tác tổ chức sẽ rất vất vả, do đó phải biết phân loại vấn đề nào cần thanh tra, kiểm tra. Trong trường hợp nếu có nhiều thư cùng tố cáo một cơ quan, đơn vị nào đó thì có thể sự việc đó là có thật và phải tiến hành điều tra ngay. Tất nhiên quy trình phải chặt chẽ.
Để hiệu quả hơn, theo tôi, quy trình xem xét thư nặc danh cần đáp ứng những yêu cầu sau: Không xem người bị tố giác là người có tội và người bị tố giác vẫn được hưởng tất cả quyền lợi như khi chưa bị tố giác. Đồng thời phải tiến hành thanh tra ở nhiều mức độ, nếu ở mức nhẹ thì gọi người đó tới để trao đổi và có hướng sửa chữa khắc phục. Còn nếu căn cứ chứng minh đã rõ mà người đó vẫn chối cãi có hai bước song song: Vừa tổ chức đoàn thanh tra tiến hành thanh tra và thẩm tra lại xem có đúng như đơn, thư tố cáo không, vừa hạn chế những cái lùm xùm tai tiếng xảy ra để không làm ảnh hưởng đến cơ quan và ảnh hưởng đến uy tín cá nhân của người bị tố cáo. Một khi đã chắc chắn mọi cái thì tiến hành xử theo luật định ở các bước tiếp theo.
TS HỒ HỮU NHỰT, Ủy viên Ủy ban MTTQ VN TP.HCM |
Theo Tá Lâm
Pháp luật TPHCM