“Chấp nhận mặt bằng giá mới để sớm ổn định”
(Dân trí) - “Không thể hi vọng giá cả quay lại mặt bằng như trước đây nhưng phải sớm thiết lập được mặt bằng giá mới để người dân ổn định cuộc sống” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng CP Nguyễn Xuân Phúc trao đổi sau phiên họp thường kỳ tháng 4.
Chỉ số CPI tháng tư tăng 3,32% đưa mức tăng giá 4 tháng đầu năm lên 9,64%, tính bình quân, mức tăng lên tới 13,95% so với cùng kỳ 2010.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Không thể hi vọng giá cả quay lại mặt bằng như trước đây nhưng phải sớm thiết lập được mặt bằng giá mới để người dân ổn định cuộc sống”.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh phân trần, giá cả tháng qua tăng có đặc thù do nhiều yếu tố tác động. Trong đó việc tăng giá 3 nhóm mặt hàng: giao thông vận tải (tăng hơn 6%), ăn uống (4-4,5%), nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 4.4%) đã chiếm 80% tỷ trọng tăng giá. Ông Ninh ví đây là những chi phí đẩy làm tăng thêm mức độ lạm phát.
Việc điều chỉnh giá những mặt hàng không thể tiếp tục duy trì vì khống chế đã quá lâu như điện, xăng dầu cũng góp thêm lực đẩy giá. Ngoài ra, còn có ảnh hưởng do việc điều chỉnh tỷ giá, tăng lương của khối doanh nghiệp từ đầu năm, lại sắp có một đợt tăng tiếp từ 1/5 này, sẽ là yếu tố tác động dây chuyền.
Tình hình thế giới, tất cả các nước đều có lạm phát. Mỹ, CPI tháng 3 tăng 2,68% trong khi kế hoạch cả năng chỉ 1,9%. Khối EU, mức tăng giá đến nay đã lên tới 2,7% so với kế hoạch 2%.
Hầu hết các mặt hàng đều có xu hướng tăng trên thị trường thế giới, nhất là lương thực, thực phẩm, đường sữa, dầu ăn… có mặt hàng tăng tới 49%. Xăng dầu trong tháng 3 vẫn tiếp tục tăng dù không mạnh.
Trả lời câu hỏi về việc “thả” giá một số mặt hàng như điện, nước, xăng dầu theo lộ trình trong bối cảnh lạm phát sẽ là cú “sốc” cho người lao động, Bộ trưởng Tài chính thừa nhận, đang phải điều hành trong bối cảnh hết sức khó khăn. Việc tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu vừa do tác động bên ngoài vào, vừa do không thể tiếp tục kìm hãm giá trong nước theo cơ chế cũ.
Ông Ninh xác nhận, việc thực hiện để giá điện, xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, nếu không cẩn thận sẽ gây “sốc”, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế xã hội.
“Vừa qua, điện nếu điều chỉnh cho đủ mức đầu vào thì chắc chắn đảo lộn về kinh tế nên chúng ta chỉ điều chỉnh một bước. Đáng ra phải tăng 45% nhưng chúng ta chỉ cho tăng hơn 15%. Than bán cho điện đáng ra phải điều chỉnh tăng 50%, chúng ta khống chế mức tăng chỉ 5%. Các mặt hàng này đều ảnh hưởng đến người dân nên phải chọn bước đi, lộ trình phù hợp, không thể thả nổi hoàn toàn” – Bộ trưởng Tài chính khẳng định.
Ông Ninh cũng cho rằng, cần chấp nhận mặt bằng giá mới để hạch toán cho rõ ràng minh bạch.
Bộ trưởng Tài chính: Miễn giảm thuế thu nhập cá nhân tránh “lọt” người giàu Hiện số đối tượng nộp thuế mang tính thường xuyên (không phải hộ sản xuất kinh doanh) vào khoảng 650.000/86 triệu dân. Trong số này có khoảng 20% là người nước ngoài nộp 80%. Xem xét vấn đề miễn giảm thuế thu nhập cá nhân trong bối cảnh lạm phát, đời sống khó khăn thì cũng phải làm sao cho trúng đối tượng, đế tránh miễn giảm cho người giàu. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, báo cáo nhưng quyết định thế nào, mức miễn giảm cụ thể thuộc thẩm quyền Quốc hội. |
P.Thảo