1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chánh án Tối cao nói về việc phục hồi danh dự cho người bị oan

Thế Kha

(Dân trí) - Chánh án TAND Tối cao cho rằng tính nghiêm khắc trong xử lý các cá nhân gây oan sai thể hiện trong việc phục hồi danh dự cho người bị oan. Các buổi xin lỗi công khai đều được truyền thông rộng rãi.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình vừa ký văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM để trả lời kiến nghị của cử tri xung quanh đề xuất buộc những cán bộ, nhân viên gây oan sai phải trực tiếp xin lỗi, nhận lỗi với dân, “tránh tình trạng buổi lễ xin lỗi chỉ là hình thức, không tạo niềm tin cho người dân vào công lý”.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định các vấn đề về kỷ luật, trách nhiệm bồi hoàn đối với các cán bộ gây oan sai và vấn đề bồi thường thiệt hại, phục hồi danh dự cho người bị oan được pháp luật quy định rất chặt chẽ; được các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm.

Chánh án Tối cao nói về việc phục hồi danh dự cho người bị oan - 1

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình (Ảnh: Quochoi.vn).

Theo quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật trong thời gian qua cho thấy những người tiến hành tố tụng gây ra án oán sai mà do lỗi cố ý đều bị xem xét, xử lý bằng biện pháp hình sự về các tội phạm tương ứng, như các tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án”, “Dùng nhục hình” và “Ra quyết định trái pháp luật”.

Quá trình giải quyết các vụ án này luôn được tiến hành công khai. Bản án, quyết định của tòa án được đăng tải trên trang điện tử của TAND Tối cao.

“Người thi hành công vụ gây oan sai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc do năng lực yếu kém thì phải bị miễn nhiệm, cách chức hoặc không được bổ nhiệm lại chức danh tư pháp”- văn bản của Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ.

Bên cạnh đó, người thi hành công vụ có lỗi cố ý phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị oan. Người có lỗi vô ý phải hoàn trả từ 30-50 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng tính nghiêm khắc trong xử lý các tổ chức, cá nhân gây oan sai còn thể hiện trong việc phục hồi danh dự cho người bị oan. Việc phục hồi danh dự được thực hiện bằng cả 2 hình thức trực tiếp và đăng báo xin lỗi, cải chính công khai.

Buổi trực tiếp xin lỗi công khai có sự tham dự của nhiều thành phần: Người bị thiệt hại, người bảo vệ quyền lợi, cha mẹ và con của người bị thiệt hại; đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; đại diện lãnh đạo cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan; các cơ quan thông tấn báo chí,…

Nội dung văn bản cải chính công khai, lời xin lỗi thể hiện sự nhận thức rõ về những sai phạm và hậu quả của sai phạm do người thi hành công vụ thuộc thẩm quyền quản lý của mình gây ra. Thay mặt Nhà nước, đại diện lãnh đạo các cơ quan làm oan xin lỗi người bị thiệt hại, gia đình và người thân của người bị thiệt hại, cơ quan, tổ chức và nhân dân; đồng thời cam kết xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật người thi hành công vụ đã có hành vi gây thiệt hại.

Chánh án Tối cao nói về việc phục hồi danh dự cho người bị oan - 2

Một buổi xin lỗi công khai đối với người dân bị oan sai mới đây.

“Các buổi xin lỗi công khai đều được truyền thông rộng rãi, thể hiện rõ sự nghiêm túc của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc nhận thức rõ trách nhiệm và mong muốn khắc phục những sai sót đã xảy ra và tránh những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai”- Chánh án Nguyễn Hòa Bình trả lời cử tri TPHCM.

Như Dân trí phản ánh trước đó, ông Nguyễn Huy Tiến - Phó viện trưởng VKSND Tối cao cũng đã có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM để trả lời xung quanh nội dung này.

“Thực tế để xác định oan sai phải mất rất nhiều thời gian, những người trực tiếp gây oan sai có thể đã chuyển công tác khác, đã nghỉ hưu, thậm chí không còn. Việc yêu cầu họ đến tham gia buổi xin lỗi là không khả thi, không cần thiết phải quy định vào luật”- VKSND Tối cao cho hay.