1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chàng trai tật nguyền và những bức tượng đá

(Dân trí) - Những bức tượng đá anh làm ra chưa đủ để đạt đến mức tinh vi, điêu luyện của nghệ thuật điêu khắc nhưng quá thừa để thể hiện ý chí vươn lên đáng khâm phục của một con người mang số phận bất hạnh.

Hơn 20 năm qua, chàng trai trẻ tật nguyền Lê Trường Giang ở thôn Lệ Kỳ 1 (xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đã kiên trì vật lộn với nỗi đau thân xác để sống với ước mơ trở thành một điêu khắc gia nổi tiếng.
 
Chàng trai tật nguyền và những bức tượng đá - 1

Lê Trường Giang bên những tác phẩm điêu khắc bằng đá của mình - Ảnh: Thanh Tuấn

 

Trong ngôi nhà nhỏ của mình, Giang dành hẳn một khoảng trống sát tường để trưng bày hơn 50 tác phẩm điêu khắc bằng đá do chính anh thực hiện. Mỗi bức tượng đá đều phảng phất tâm hồn của một con người bất hạnh nhưng giàu ý chí vươn lên.

 

Trái bom định mệnh

 

Sinh ra và lớn lên bên dòng Đại Giang hiền hòa, từ nhỏ Giang vốn khỏe mạnh, lanh lợi như bao đứa trẻ vùng quê khác. Ngoài giờ đến lớp, cậu bé Giang thường phụ giúp cha mẹ chăn bò. Dưới chân đồi Vườn Cậu, Giang cùng đám bạn bày ra những trò chơi nghịch ngợm. Trong lần chơi trò đặc cộng, Giang núp vào lùm cây, thấy quả bom bi đã gỉ sét, tròn vo như quả ổi, cậu tò mò lôi ra và lấy đá ném chơi. Chưa kịp chạy thì quả bom phát nổ, Giang ngã lăn nằm sóng soài bên vũng máu.

 

Những mảnh bom chưa cướp đi mạng sống của Giang nhưng để lại trên thân thể cậu những di chứng nặng nề. Các bác sĩ kết luận Giang bị dính xương chậu, phải sống suốt đời với căn bệnh thái hóa xương. Suốt thời gian dài điều trị, bệnh tình Giang đã dần ổn định. Khi Giang đang học lớp 9 thì bệnh đột nhiên tái phát, ngày càng nặng. Toàn thân cậu đau nhức, các khớp xương tay chân tê cứng từ đầu đến cổ, hai chân teo tóp dần. Mọi sinh hoạt của Giang đều rất khó khăn vì cậu chỉ có thể đứng hoặc nằm, không đi lại được.

 

“Trở thành người tàn tật, ai mà chẳng buồn chán đau khổ. Nhưng số mình sinh ra đã vậy rồi, phải biết chấp nhận thôi. Chỉ tiếc từ nay tui không còn cơ hội đến với nghề điêu khắc và phụ giúp cha mẹ già yếu” - Giang rơm rớm nước mắt nhớ lại.

 

Không chấp nhận cuộc sống tật nguyền, Giang bắt đầu tập đi các bước đầu tiên trên đôi chân dặt dẹo. “ Vì nằm lâu ngày, lúc mới tập cử động đau lắm chịu không nổi. Đi được vài bước là phải nghỉ” - ông Lê Hưng, ba Giang, kể.

 

Sáng nào cũng vậy, khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ, Giang đã thức dậy lê lết tập đi. Anh tự men theo tường nhà, vịn vào bàn ghế hay bất kể thứ gì có thể giúp Giang tựa vững. Lúc bị ngã, các khớp xương tay chân của Giang như vỡ vụn. Đau đớn nhưng anh quyết không bỏ cuộc.

 

Từ một hai bước chân, dần dần Giang đã đi lại một cách nhẹ nhàng trong ngôi nhà nhỏ của mình. Sau đó, anh lại mò mẫm theo bờ tường hàng rào để tiến những bước dài hơn. Cứ thế, sau 4 năm trời ròng rã luyện tập, đến giờ Giang đã tự mình bước đi dù hơi khó nhọc. Ba mẹ Giang vui lắm, người làng ai cũng thán phục anh.

 

Khi đã có thể đi lại được, Giang lại muốn đỡ đần ba mẹ công việc quen thuộc: chăn bò. Đường tới chân đồi xa ngái, sợ theo không kịp đàn bò, Giang nghĩ ra một cách để khỏi phải nhọc công tốn sức. Đó là dùng chiếc xe đạp cũ kỹ của ba, ngồi sau gác-ba-ga, một tay cầm lái, tay kia Giang dùng gậy đẩy xe chạy. Chính trong những lần cùng đám bạn lùa bò từ ngọn đồi này qua ngọn đồi khác, Giang đã có cơ hội đến với nghề điêu khắc.
 
Chàng trai tật nguyền và những bức tượng đá - 2
Gốc cây khế như cái “công xưởng” nhỏ để Giang đục đẽo chạm khắc nên tượng đá - Ảnh: Thanh Tuấn

 

Niềm vui từ những bức tượng đá

 

Hàng ngày, loanh quanh mãi dưới chân đồi cùng lũ trẻ chăn bò, Giang thường lấy những tảng đá to nhỏ nằm lăn lóc đâu đó ghè đẽo chơi. Anh tưởng tượng ra các hình ảnh mà mình đã nhìn thấy trên sách vở, tạp chí rồi dùng dao cắt gọt, chạm trổ trên đá.

 

Giang cho hay: “lúc đầu chưa biết cách khắc, tượng chưa được đẹp. Dần quen tay thì đẹp hơn”. Lũ bạn chăn bò thấy Giang đi lại khó khăn thường xuống suối đào đá khiêng về nhà giúp anh. Có hôm Giang phải tự mình chất đá trên xe đạp gùi về. Nhìn đứa con tật nguyền quá đam mê điêu khắc, ông Hưng dùng cưa cắt đôi cột nhà cũ ra làm hai, chôn chặt xuống gốc cây khế sau vườn làm nơi cho Giang tạc tượng.

 

Thế là hôm thì nhờ ba, hôm nhờ bạn đặt đá lên đỉnh cột, Giang thoải mái sáng tác ra những tác phẩm đã “găm” sẵn trong đầu. Đồ nghề của Giang đơn giản chỉ là những cây sắt vụn được anh mài sắc và đập bẹt một đầu nhưng được anh cất giữ cẩn thận như báu vật.

 

Giang nói: “Không phải loại đá nào cũng có thể khắc tượng tốt. Nhiều lần tui phải tự mình lặn lội vào rừng sâu, dầm mình xuống suối để lấy các tảng đá phấn có chất lượng đưa về. Tìm được tảng đá ưng ý là dường như trong người quên hết mệt nhọc”. Đêm nằm, Giang thao thức không ngủ chỉ để suy nghĩ hình dáng, đường nét của một bức tượng sắp sửa “ra lò”.

 

Từ năm 2006 đến nay, Giang đã khắc được hàng chục bức tượng với những chủ đề khác nhau như tượng về thiếu nhi, phụ nữ, Bác Hồ, Đức mẹ Maria, ông già ngồi hút thuốc lào, chàng trai chăn trâu… Giang bảo tượng làm ra chưa đẹp lắm vì dụng cụ điêu khắc còn thô sơ. Hiện anh đang trưng bày tại nhà hơn 50 tác phẩm mà mình tâm huyết, còn lại đem dành tặng bạn bè. Dù nhiều người ngỏ ý muốn mua nhưng Giang nhất quyết không bán.

 

Khi được hỏi về ước mơ của mình sau này, Giang tâm sự: “Bây chừ cha mẹ tui tuổi già sức yếu không còn sống được bao lâu. Tui muốn có cái nghề ổn định để tự nuôi sống bản thân. Còn gì vui bằng khi được tiếp tục theo đuổi ước mơ và sống bằng nghề điêu khắc”.

 

Đó không chỉ là mong ước cháy bỏng của Giang mà còn là ý muốn cuối đời của cha mẹ anh.

 

Thanh Tuấn