1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chàng trai tật nguyền “sống nhờ” 1.000 bài thơ

(Dân trí) - Bị tật nguyền từ nhỏ, bất hạnh bủa vây nhưng không vì thế mà anh buông xuôi số phận. Có lẽ niềm an ủi, động viên khiến chàng trai trẻ vượt qua mặc cảm để sống vui đến hôm nay là những vần thơ do chính mình viết ra.

Những vần thơ “con cóc” của “thi sĩ làng” có vần, có hồn và chứa đựng đầy ắp nghị lực sống mạnh liệt, khát khao. Đó là anh Nguyễn Hữu Thịnh, ở làng Mậu Duyệt, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, người hơn 20 năm nay chỉ nằm một chỗ nhưng đã sáng tác cả nghìn bài thơ.

 

“Đứt gánh” tuổi thơ

 

Chúng tôi đến thăm Thịnh khi anh đang làm bạn với chiếc máy tính trong căn phòng riêng, chăm chú lướt một trang web về thơ. Sinh năm 1981, Thịnh hồi nhỏ cũng như những đứa trẻ bình thường khác, khỏe mạnh, thông minh và nghịch ngợm. Bất hạnh ập đến khi Thịnh vừa tròn 8 tuổi.
 
Thịnh khó nhọc viết những vần thơ

Thịnh khó nhọc viết những vần thơ

 

Thịnh nhớ lại: Trong một buổi đến trường, khi đang vui chơi cùng các bạn thì bỗng dưng thấy chân tay bủn rủn, đầu óc choáng váng rồi ngất lịm đi lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy đã thấy mình nằm ở bệnh viện, chân tay không cử động được nữa.

 

Căn bệnh kỳ lạ khiến các bác sĩ bó tay. Thương con nhưng bố mẹ Thịnh đành nuốt nước mắt đưa đứa con bất hạnh trở về nhà. Nghe ai bảo ở đâu có thuốc hay thầy giỏi gia đình đều tìm đến, nhưng mọi hi vọng đều vô vọng. Nhìn đứa con trai tật nguyền, ông Nguyễn Xuân Luật, cha của Thịnh không ngờ rằng, những năm tháng chiến đấu ngoài chiến trường ông đã bị nhiễm phải chất độc màu da cam, và giờ đây chất độc đó đang hủy hoại đứa con trai của ông.

 

Kể từ khi bị bệnh, hình hài Thịnh ngày càng biến dạng, đôi chân và tay èo uột, teo tóp rồi không còn khả năng đi lại được nữa. Đang tuổi ăn tuổi học, ngày ngày tung tăng tới trường cùng chúng bạn, giờ cả cơ thể Thịnh như bị trói. Mỗi buổi sáng ghé mắt trông qua khung cửa, thấy các bạn cùng trang lứa đi học, vui đùa, Thịnh như muốn bứt mình ra để vùng dậy chạy.

 

Nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần khiến cậu bé sống trong khổ đau và tuyệt vọng.
 
Khát khao sống dù cơ thể bị trói buộc trong căn phòng nhỏ
Khát khao sống dù cơ thể bị "trói buộc" trong căn phòng nhỏ

 

Nhà thơ “bất đắc dĩ”

 

Cuộc đời Thịnh nếu không có những vẫn thơ thì chắc sẽ chuyển sang một ngã rẽ khác. Bởi chưa đủ lớn nhưng Thịnh đã đủ hiểu về bất hạnh của bản thân. Với anh lúc đó mọi thứ xung quanh đều là một màu đen tối. Thịnh tâm sự: “Thú thật ngày đó em chỉ nghĩ đến cái chết để bố mẹ bớt khổ, chuỗi ngày dài không có lấy một tiếng cười”.

 

Có lẽ người đã làm thay đổi cuộc sống Thịnh phải kể đến người ông nội. Quãng thời gian Thịnh ăn nằm một chỗ, sinh hoạt khó khăn, mọi việc đều do chính bàn tay ông nội gánh vác.  Ông luôn động viên những khi Thịnh buồn, ông kể cho Thịnh nghe về tấm gương vượt lên số phận của thầy Nguyễn Ngọc Ký. Những câu chuyện cổ tích có thật giữa đời thường như tiếp thêm nghị lực, niềm tin cho Thịnh vào vào cuộc sống. Ông còn giúp Thịnh học chữ. Dù bại liệt tứ chi nhưng bù lại Thịnh lại có cái đầu thông minh và nhanh nhẹn. Hằng ngày người ông đánh vần từng chữ để cho đứa cháu bập bẹ đọc theo.

 

Thông thạo mặt chữ rồi, việc viết là cả một vấn đề bởi đôi tay đã dị dạng không còn khả năng cầm bút. Thịnh vẫn gắng viết, ban đầu là những hàng loằng ngoằng như giun bò, gà bới, không hàng lối, nhưng Thịnh không nản. Mỗi lần cầm bút, tay Thịnh lại run run rồi bút rơi lúc nào không hay, lưng gù, quỳ hai đầu gối xuống nền nhà, cứ thế mà cặm cụi viết. Cánh tay cầm bút rũ rượi, các ngón tay tím bầm và tụ máu. Mỗi lần như thế Thịnh lại khóc, rồi lại cắn răng lấy thêm ý chí và nghị lực. Anh không dễ dàng bỏ cuộc giữa chừng.

 

Một tháng, hai tháng,… cuối cùng những dòng chữ dù không nắn nót nhưng cũng đủ để ai đó có thể đọc và hiểu, đã được cậu bé kém may mắn viết thành công.

 

Khi đã đọc thông viết thạo, Thịnh bắt đầu tìm đến với những vần thơ để nói hộ lòng mình, để giãi bày tâm sự, những nỗi lòng không biết tỏ cùng ai.

 

Mang ra một tập thơ dày với những bài thơ do mình sáng tác, Thịnh khoe: “Người ta thường bảo những bài thơ của em là thơ “điên”, nhưng không có nó chắc em chẳng sống đến ngày hôm nay đâu anh ạ”.

 

Hơn 20 năm, “nhà thơ làng” đã tự mình sáng tác hơn 1.000 bài thơ. Thơ Thịnh dù chưa hay, không có quy tắc, nhiều khi không vần, không niêm luật nhưng đó là nỗi lòng Thịnh. Thơ anh viết ra bằng trái tim khát khao được sống và cống hiến, với bầu nhiệt huyết đầy ắp của tuổi trẻ.

 

Xin đời là giấc mộng

Cho ta được gần nhau

Xin đời là giấc mộng

Cho ta bớt khổ sầu

Trong mơ ta là thực

Được bay lên giữa đời…

 

(trích đoạn bài Xin đời là giấc mộng, sáng tác 4/2009)

 

Thịnh tới Văn Miếu Quốc Tử Giám dự Ngày thơ Việt Nam

Thịnh tới Văn Miếu Quốc Tử Giám dự Ngày thơ Việt Nam
 
“Nhà thơ làng” lại gặp thi sĩ Hàn Mặc Tử ở nỗi lòng, sự đồng điệu về tâm hồn, suy nghĩ và hoàn cảnh. Với Thịnh chỉ có thơ mới diễn tả được cảm xúc không nói thành lời bởi vị thế, thân phận. Những vần thơ phảng phất nỗi đau, nhưng đầy nghị lực sống. Ban đầu Thịnh viết thơ với quan niệm như viết nhật ký. Thơ chính là mạch cảm xúc, có những lúc đang nửa đêm Thịnh bật dậy để viết. Bài thơ đầu tiên được Thịnh viết trong sự hân hoan đón hội làng. Thịnh đã nhờ mẹ mang bài thơ đến hội, khi bài thơ được phát trên loa, mọi người ai cũng khâm phục cậu bé có nghị lực.

 

Chất độc dioxin có thể hủy hoại cơ thể Thịnh nhưng không thể hủy hoại khát vọng sống của chàng trai trẻ. Thịnh nhận ra thơ là con đường hạnh phúc của riêng mình, giúp anh sống vui và có ích.

 

Những cánh thơ của Thịnh dần dần được nhiều người biết đến qua sóng phát thanh trên Đài tiếng nói Việt Nam và các trang thơ trên mạng. Giờ đây Thịnh nhận được nhiều niềm chia sẻ từ mọi miền đất nước, giúp anh có thêm niềm tin vào tương lai.

 

Tháng 9 năm 2009, Thịnh đã xuất bản tập thơ “Thương lắm mai sau”. Tháng 9 năm 2010, trang web thuhoiquan.net đã ra đời dưới sự quản lý của Thịnh và một số người bạn yêu thơ. Trang web đã thu hút sự tham gia của 500 thành viên trong và ngoài nước. Ngày 15/1/2011, Thịnh đã vinh dự trở thành một trong những đại diện thơ trẻ tham gia ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu Quốc Tử giám; trở thành đại diện vùng miền của Hải Dương tham gia trang web thơ Lucbat.com.

 

Giờ đây Thịnh lại có thêm chiếc máy tính kết nối internet để có thể giao lưu với các bạn, các nhà thơ trên khắp toàn cầu.

 

Trời đã bắt đầu chuyển vào thu

Heo may lành lạnh, tiếng chim gù

Chiều ôi vọng nhớ người năm cũ

Đốt cháy tâm tư một cánh cò

 

(trích bài Chiều cuối hạ)

 

Hà Văn Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm