Chàng trai người Mông kiếm hàng trăm triệu mỗi năm trên “đỉnh núi đói”

(Dân trí) - Phuxailaileng theo tiếng Thái có nghĩa là “đỉnh núi đói”. Cái tên đủ để hiểu về cuộc sống của người dân nơi đỉnh núi cao nhất dãy Trường Sơn ở miền Tây Nghệ An này. Thế nhưng, từ đỉnh núi đói này, chàng trai người Mông Xồng Bá Dênh đã gây dựng được cơ nghiệp, cho thu nhập gần 200 triệu/năm.


Ông chủ Xồng Bá Dênh bên đàn trâu bò trị giá hơn nửa tỷ đồng của mình.

Ông chủ Xồng Bá Dênh bên đàn trâu bò trị giá hơn nửa tỷ đồng của mình.

Trong hồi ức của những người già ở xã vùng biên Na Ngoi (Kỳ Sơn, Nghệ An), mấy chục năm trở về trước, nói về cái đói, cái nghèo, có lẽ không nơi nào ở xứ Nghệ có thể qua nổi nơi đây. Chả thế mà đỉnh núi cao nhất dãy Trường Sơn được đặt cái tên Phuxailaileng, theo nghĩa tiếng Thái là “đỉnh núi đói”. Như thế cũng đủ hiểu rằng, cái đói, cái nghèo ở đây gay gắt đến cỡ nào.

Thế nhưng, hơn 15 năm nay, vùng biên giới Việt – Lào đã có nhiều khởi sắc. Con đường nhựa phẳng lỳ vào trung tâm xã đang được gấp rút hoàn thành, thay cho con đường độc đạo vốn chỉ quen với bước chân của những chàng trai, cô gái người Mông gùi trên vai nặng trĩu những sản vật của núi rừng nhưng đôi mắt luôn nhìn xuống. Cái nghèo vẫn còn nhưng cái đói dường như đã bị đẩy lùi vào dĩ vãng. Đỉnh Phuxailaileng vẫn quanh năm mây phủ nhưng không còn xám xịt màu đói, nghèo. Dưới chân núi, đàn trâu bò nhởn nhơ gặm cỏ, những nương gừng xanh mướt…

“Núi đói không còn đói nữa!” – Bí thư Đoàn thanh niên xã Na Ngoi Xồng Bá Dênh (SN 1985, trú bản Buộc Mú 1) nói với tôi. Dênh cũng chính là ông chủ của đàn trâu bò 17 con béo múp míp kia. Tôi nhẩm tính, trung bình mỗi con trâu bé 20-25 triệu, trâu trưởng thành 45-50 triệu, gia tài của ông chủ trẻ người Mông này cũng hơn nửa tỷ bạc!

Sau gần 5 năm triển khai mô hình, đàn trâu bò của Xồng Bá Dênh tăng lên 17 con, giúp ông chủ trẻ này có thu nhập xấp xỉ 200 triệu đồng/năm.
Sau gần 5 năm triển khai mô hình, đàn trâu bò của Xồng Bá Dênh tăng lên 17 con, giúp ông chủ trẻ này có thu nhập xấp xỉ 200 triệu đồng/năm.

“Mình là Bí thư Đoàn, phải tiên phong làm trước chứ”, Xồng Bá Dênh nói. Năm 2012, Xồng Bá Dênh quyết định chọn mô hình nuôi trâu bò thử nghiệm. Với hơn 100 triệu tiền vốn vay từ nguồn quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp và vay ngân hàng chính sách xã hội, Dênh tìm mua trâu cái địa phương về nuôi.

“Ở đây thời tiết không thuận lợi, một ngày có tới 4 mùa, nhiệt độ có thời điểm xuống rất thấp nên chỉ có giống trâu bò địa phương mới có thể chịu được. Nhiều đời nay bà con chỉ nuôi trâu thả rừng thôi, vào mùa lạnh, không đủ cỏ để ăn, không được ủ ấm, không được phòng trừ dịch bệnh nên có khi trâu chết trong rừng cũng không biết được.

Mình không nuôi như thế. Mình khoanh rừng thành khu vực nuôi thả tập trung, thuê người trồng cỏ, cắt cỏ để chủ động thức ăn cho trâu bò. Ngày thường thì phải thuê cả người ngủ đêm ngoài lán để trông trâu bò, còn hai ngày cuối tuần thì mình tự đi trông để tiết kiệm một phần chi phí bỏ ra”, ông chủ trẻ Xồng Bá Dênh tâm sự.

Ngoài cho trâu bò ăn muối để phòng trừ dịch bệnh, cách này giúp Xồng Bá Dênh quản lý đàn gia súc của mình.
Ngoài cho trâu bò ăn muối để phòng trừ dịch bệnh, cách này giúp Xồng Bá Dênh quản lý đàn gia súc của mình.

Đợt lạnh năm 2014, đỉnh Phuxailaileng suýt đóng băng. Lần đó, Xồng Bá Dênh đi công tác, dặn vợ ở nhà trông nom đàn trâu. Kinh nghiệm chưa có, lại mải miết vỡ đất trồng gừng cho kịp thời vụ, vợ Dênh không để ý đến đàn trâu nhà mình. “Đợt đó 2 con trâu lớn bị chết, thiệt hại hơn 50 triệu đồng. Nuôi trâu đàn, oải nhất là dịch bệnh. Mỗi khi bị dịch bệnh là đuối sức, lo lắm. Mình phải tuân thủ lịch tiêm phòng, học cán bộ thú y cách phát hiện dấu hiệu bệnh, mua thuốc, tự điều trị cho từng con. Giờ thì mình có thể bắt bệnh cho trâu chuẩn rồi, cho trâu bò ăn thêm muối để có sức đề kháng nữa”, Xồng Bá Dênh khoe.

Để có đủ cỏ cho đàn trâu, không dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên, Xồng Bá Dênh trồng 3ha cỏ voi, thuê từ 10-15 lao động địa phương chăm sóc, cắt cỏ theo ngày. Ngoài ra, tận dụng diện tích rừng hiện có, vợ chồng Dênh trồng 2ha gừng để phục vụ thị trường trong tỉnh. Gừng Mông nổi tiếng với vị cay, thơm, củ nhỏ nhưng đều, đẹp nên thu hoạch đến đâu, lái buôn vào tận nơi mua đến đó. Cùng với mô hình nuôi trâu bò, trồng gừng, hiện Xồng Bá Dênh đang giúp đỡ Chi đoàn thanh niên bản Buộc Mú 1 phát triển mô hình trồng gừng để gây quỹ hoạt động.

Ngoài trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho trâu bò, Xồng Bá Dênh trồng 2ha gừng hàng hóa phục vụ thị trường trong tỉnh.
Ngoài trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho trâu bò, Xồng Bá Dênh trồng 2ha gừng hàng hóa phục vụ thị trường trong tỉnh.

Sau 6 năm bắt tay vào xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình, không những trả hết nợ ngân hàng mà với mức thu nhập bình quân xấp xỉ 200 triệu đồng/năm, Bí thư Đoàn Xồng Bá Dênh trở thành một điển hình làm giàu ở xã vùng biên này. Kết quả thực tế có sức mạnh lớn hơn vạn lời nói, nhiều người dân trong bản, trong xã đã mạnh dạn học tập mô hình phát triển kinh tế của Dênh, dù quy mô chưa thể bằng nhưng nhiều tín hiệu vui đã đến với bà con. Năm 2014, Xồng Bá Dênh vinh dự là đại biểu báo cáo điển hình tại Hội nghị dân vận khéo toàn tỉnh

“Người Mông ở Na Ngoi giờ đã khác xưa rồi, muốn tự mình làm chủ cuộc sống của mình chứ không muốn phụ thuộc vào ông trời nữa. Na Ngoi có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế chăn nuôi, trồng gừng, trồng dong riềng nhưng cái khó nhất vẫn là vốn và kinh nghiệm. Giờ vốn đã có ngân hàng chính sách hay quỹ của các tổ chức xã hội, kinh nghiệm thì làm rồi sẽ có, cái quan trọng nhất là phải học, phải mạnh dạn, chấp nhận cả thất bại thì mới mong có thành công”, ông chủ trẻ Xồng Bá Dênh đúc rút kinh nghiệm.

Với cách làm ăn mới, Xồng Bá Dênh đã làm giàu ngay dưới đỉnh núi đói quê mình.
Với cách làm ăn mới, Xồng Bá Dênh đã làm giàu ngay dưới "đỉnh núi đói" quê mình.

Anh Chu Quang Huy – Phó Bí thư Huyện đoàn Kỳ Sơn nói: “Bên cạnh cho thu nhập cao cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, mô hình chăn nuôi trâu bò và trồng gừng của anh Xồng Bá Dênh còn là mô hình tiêu biểu của một đảng viên, cán bộ Đoàn tiên phong trong việc làm giàu trên chính quê hương, bản làng của mình. Từ kết quả và ý nghĩa của mô hình đã làm thay đổi lớn lao về nhận thức của bà con nhân dân cũng như thanh niên địa phương về tư duy, nếp suy nghĩ, nếp sống tồn tại bấy lâu nay; cổ vũ, động viên tuổi trẻ toàn huyện trong phong trào thi đua lập thân, lập nghiệp”.

Hoàng Lam