Cà Mau:

Chàng trai cao trên 2m uống nước nhiều hơn ăn cơm

Nhật Linh Đan

(Dân trí) - Anh Út sinh ra và lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, hai năm qua anh bất ngờ cao lên khá nhanh, hiện đã cao hơn 2m và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nguyễn Văn Út sinh ra trong gia đình có 9 anh chị em, ở xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Lúc sinh ra, Út phát triển như bao đứa trẻ khác.

Nam thanh niên 22 tuổi chia sẻ, anh lớn lên với chiều cao bình thường. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, anh cao khá nhanh (từ 1,9m lên 2,02m), với cân nặng khoảng 75kg.

"Trong 2 năm đó, em thấy rằng cơ thể mình phát triển khác đi mỗi ngày. Có lúc bản thân đứng lên hay ngồi xuống cảm thấy giống như xương giãn ra vậy", anh Út chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Ngoài chiều cao khác biệt, anh Út còn có bàn chân khá lớn so với người bình thường. Nam thanh niên này đi giày cỡ 45.

"Em hay bị nhức đầu. Tình trạng này em không biết sao nữa, chỉ mong là cơ thể mình đừng cao thêm nữa", anh Út chia sẻ.

Chàng trai cao trên 2m uống nước nhiều hơn ăn cơm - 1

Anh Út đo chiều cao hơn 2 m (Ảnh: NVCC).

Bà Nguyễn Thị Bước (72 tuổi, mẹ anh Út) cho biết, 4 người con của bà (4 trai, 4 gái) đều có sức khỏe bình thường, cao trung bình khoảng 1,7m. Riêng Út 2 năm gần đây cao một cách khác thường.

Theo bà, trong đời sống hàng ngày, anh Út sinh sống bình thường, sức khỏe có phần yếu. Nam thanh niên này ăn ít nhưng uống nước khá nhiều. "Mỗi bữa nó chỉ ăn hơn một chén cơm nhưng uống 2-3 lít nước, có ngày uống 4-5 lít", bà Bước nói về tình cảnh của con trai.

Chàng trai cao trên 2m uống nước nhiều hơn ăn cơm - 2

Anh Út có chiều cao vượt trội so với mẹ (áo tím), chị gái (áo bông) và các cháu (Ảnh: NVCC).

Cũng do có chiều cao bất thường như thế nên anh Út gặp không ít khó khăn trong đi đứng, sinh hoạt thường ngày, ở nhà có chỗ cửa thấp nên anh hay bị đụng đầu vào cửa.

Và cũng do có chiều cao vượt trội nên nam thanh niên cũng e dè ra ngoài gặp mọi người. Thời gian gần đây, Út chủ yếu ở nhà với mẹ, phụ trông các cháu.

Bà Bước nói, gia đình có đưa Út ra trung tâm y tế huyện để khám sức khỏe. Y tế huyện làm giấy chuyển anh này lên tuyến tỉnh để có điều kiện khám bệnh tốt hơn.

"Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình không dám đưa Út ra tỉnh để thăm khám", bà Bước bùi ngùi chia sẻ và mong một ngày nào đó có thể đưa Út đi tuyến trên khám bệnh để biết chính xác tình trạng của con ra sao.