Chàng trai 8X kiếm trăm triệu đồng với mô hình nông nghiệp tuần hoàn mới lạ
(Dân trí) - Chàng trai trẻ Quảng Ngãi không ngừng sáng tạo để tìm ra mô hình nông nghiệp độc đáo với cách thức trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ khiến nhiều người thán phục.
Anh Phạm Hùng Cường (sinh năm 1989, sống ở xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) từng tốt nghiệp ngành xây dựng và có nhiều năm làm công tác địa chính tại địa phương. Năm 2015, xã Tịnh Hiệp hợp nhất các hợp tác xã trên địa bàn thành một hợp tác xã mới, anh Cường được chuyển sang quản lý hợp tác xã.
Công việc mới tạo cho anh cơ hội được đi nhiều nơi, học hỏi nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả tại các địa phương trên cả nước. Ý định khởi nghiệp với lĩnh vực nông nghiệp nhen nhóm trong chàng trai trẻ.
Mô hình "tuần hoàn" mới lạ
Năm 2015, khi bắt tay làm nông nghiệp, anh Cường cũng thực hiện theo phương thức truyền thống như các hộ nông dân khác tại địa phương. Tuy nhiên, sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về những mô hình nông nghiệp hữu cơ, anh quyết định thay đổi.
Trên diện tích 5000m2 trồng măng tây, anh dùng dung dịch ớt - tỏi - gừng và men vi sinh để hạn chế sâu bệnh.
"Thuốc hóa học giá rẻ và diệt sâu rất nhanh, phun một lần là xong. Còn sử dụng dung dịch hữu cơ phải mất 7 ngày liên tiếp mới khiến sâu bệnh yếu rồi từ từ chết. Phương pháp này đòi hỏi phải kiên trì", anh Cường cho biết.
Ngoài ra, anh Cường cũng thay thế phân hóa học bằng phân hữu cơ đồng thời nghĩ ra mô hình tuần hoàn. Mô hình này được thực hiện bằng cách nuôi thỏ lấy phân để trồng măng tây, sau đó lấy gốc măng tây để làm thức ăn cho thỏ.
Theo anh Cường, măng tây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc. Thời gian từ khi ươm mầm đến khi cây phát triển chỉ khoảng 3-6 tháng, nhưng có thể thu hoạch cả năm.
"Búp măng tây khi thu hoạch chỉ lấy được phần non, phần gốc già sẽ phải bỏ đi, rất uổng phí.
Trong khi đó, thỏ là loại động vật ăn lá cây, các loại rau củ. Tôi tận dụng phần bỏ đi của măng tây cho thỏ ăn, còn phân thỏ thì xử lý vi sinh, ủ khoảng 1 tháng để bón cho măng. Hai thứ này hỗ trợ cho nhau và mang về thu nhập", anh Cường giải thích về ý tưởng của mình.
Năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, anh Cường mang "Mô hình nuôi thỏ và trồng măng tây khép kín theo hướng hữu cơ" đi thi và giành giải ba. Đây cũng là dự án duy nhất trong lĩnh vực nông nghiệp đoạt giải.
Anh nông dân rong ruổi đi...xin rác
"Lượng phân thỏ không thể đủ để bón cho toàn bộ măng tây. Khi tôi tăng diện tích trồng măng tây sẽ cần nguồn phân hữu cơ lớn hơn", anh Cường cho biết.
Trong quá trình đi giao thỏ cho các nhà hàng, anh nhận thấy lượng rác hữu cơ từ rau, củ bị bỏ đi rất nhiều, nên ngỏ ý mua lại từ các nhà hàng. Ban đầu, ai cũng ngạc nhiên, thậm chí không hiểu anh đi xin rác về làm gì.
"Tôi nghĩ ra cách, đổi rác - lấy rau để khéo léo nhờ các nhà hàng phân loại rác", anh Cường chia sẻ. Ngoài ra, người nông dân này cũng các cửa hàng bán nước ép, sinh tố và áp dụng cách thức tương tự để xin phần bã trái cây, rau củ mang về.
Sau khi đem về, rác được trộn với men vi sinh rồi ủ thành phân hữu cơ. Anh Cường dùng chuối, mắt trái dứa, sữa chua, mật rỉ đường (chất thay thế đường)... để sản xuất men vi sinh giúp nhanh chóng phân hủy rác. "Loại bã rau củ, trái cây phân hủy rất nhanh và có nhiều chất dinh dưỡng khác nhau nên rất tốt cho sự phát triển của măng tây", anh cho biết.
Tháng 10/2020, cơn bão số 9 ập vào tỉnh Quảng Ngãi, anh Cường "trắng tay". Cả khu vườn măng tây đang tươi tốt, chuẩn bị thu hoạch bị quật ngã, thiệt hại gần 400 triệu đồng. Tuy nhiên, anh Cường không từ bỏ, vì còn chuồng thỏ không bị ảnh hưởng nên bù được chi phí trồng cây.
"Tôi lấy tiền lời bán thịt thỏ làm chi phí trồng cây. Những khách hàng quen vẫn tin tưởng gửi tiền trước để đặt hàng. Số tiền đó giúp tôi tận dụng làm vốn gây dựng lại", anh Cường chia sẻ.
Để có mô hình nông nghiệp hiệu quả, anh mong mọi người tham gia thành lập hợp tác xã, mỗi người phụ trách một lĩnh vực như sản xuất, marketing, kế toán...
Hiện anh Cường đã mở rộng quy mô lên 3ha trồng măng tây hữu cơ. Trung bình mỗi năm, trừ các chi phí, 1ha măng tây có thể đem về thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Anh kết hợp các thành viên trong hợp tác xã để duy trì đàn thỏ nái 1000 con, cho xuất bán khoảng 4 tấn thỏ/tháng, đem về thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng cho mỗi thành viên.