1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chàng thanh niên Khmer rơi từ cây cao 11m xuống đất thoát chết kỳ diệu

Sau khi đi phụ hồ về nhà nghỉ trưa, chàng thanh niên người Khmer Danh Đen (16 tuổi, ngụ ấp Trường Thành B, xã Trường Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) trèo lên cây vú sữa cao hơn 11m để hái quả ăn cho đỡ đói. Trong lúc mải mê hái, nhánh vú sữa trên cao bất ngờ gãy khiến Danh Đen rơi từ ngọn cây xuống nền đất cứng.

Mọi người cứ ngỡ Danh Đen đã chết, nhưng sau khi được cấp cứu, chàng thanh niên Khmer này đã sống lại một cách kỳ diệu.

Danh Đen được điều trị tại BVĐK tỉnh Sóc Trăng.
Danh Đen được điều trị tại BVĐK tỉnh Sóc Trăng.

Chết đi, sống lại một cách khó tin!

Ngày 2.2, tiếp xúc với phóng viên ngay tại hiện trường vừa xảy ra tai nạn kinh hoàng trước đó vài ngày, bà Thạch Thị Chướp (SN 1943, bà của Danh Đen) vẫn chưa tin nổi cháu ngoại của mình đã thoát chết một cách kỳ diệu. Bà Chướp nhớ lại: “Khoảng 11h30 ngày 27.1, thằng Danh Đen đi phụ hồ về. Do nhà chưa có cơm ăn nên nó chạy qua nhà tui hỏi: “Ngoại ơi, có vú sữa chín hông cho con hái vài trái ăn cho đỡ đói!”.

Nghe vậy, tui bảo trái chín toàn ở tuốt trên ngọn cao không hà, độ khoảng 11-12m, con hái được không mà đòi ăn? Thế là chẳng nói chẳng rằng, thằng Danh Đen tới cây vú sữa, nhảy một thoáng đã lên tới ngọn cây. Lúc này, tui với cha ruột nó và một vài người khác cùng ngồi nghỉ trưa trước nhà, đồng thời xem nó hái vú sữa. Nó vừa hái vừa ăn được một lúc, thì bỗng nghe ầm một tiếng, kèm theo đó là một nhánh vú sữa to đùng từ trên cao rơi xuống đất và thằng Danh Đen cũng rơi theo. Trong lúc mọi người chưa kịp trở tay, nó đã nằm bất động dưới nền đất cứng…”.

Anh Danh Trường (SN 1975, cha ruột của Danh Đen) kể tiếp: “Cây vú sữa này rất cao bởi từ khi trồng tới nay cũng hơn 30 năm rồi. Xung quanh cây toàn là nền nhà lâu năm nên đất rất cứng, vì vậy khi thằng con trai tui bị té từ độ cao hơn 11m xuống đất thì coi như chết chắc 100%. Thiệt tình, lúc chạy tới thấy nó nằm im lìm, không nhúc nhích, không cử động gì được nữa…, hốt hoảng quá, tui chỉ còn biết kêu lên “cứu con tui với, cứu thằng Đen bà con ơi…”, rồi sau đó ngất xỉu vì ngỡ thằng Đen đã chết”.

Ngay lập tức, những người xung quanh nhanh chóng đưa Danh Đen ra Trạm y tế xã Trường Khánh cấp cứu. Sau khi làm một số khâu sơ cấp cứu cần thiết, trạm y tế khẩn trương gọi xe cấp cứu chuyển nạn nhân ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng xử lý. Theo bác sĩ Lý Hoàng Phong - Phó trưởng Khoa ngoại Tổng quát – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng: “Nạn nhân Danh Đen được đưa vào viện trong tình trạng bất tỉnh, người tái xanh, khó thở… Bệnh viện xác định đây là trường hợp chấn thương nặng và rất nguy hiểm đến tính mạng, nên khẩn trương huy động lực lượng chuyên môn cao, thực hiện gấp các bước cứu người. Nạn nhân lập tức được truyền dịch, cho thở oxy, tiêm thuốc… và xử lý nhiều giải pháp chuyên môn khác trên tinh thần “còn nước còn tát”. Điều diệu kỳ là sau hơn 3 giờ nỗ lực cứu chữa, Danh Đen từ từ mở được mắt và cử động được, một lát sau đã hồi nhớ lại, tiếp xúc nhẹ được với các bác sĩ”.

Các bác sĩ nhìn nhận, sức sống của chàng thanh niên người Khmer này đáng khâm phục, bởi thông thường khi rơi từ độ cao 11m xuống nền đất cứng như vậy là rất nguy hiểm, nhưng Danh Đen đã vượt qua nguy kịch, đúng là trường hợp hy hữu…

Còn chị Thạch Thị Ươl (SN 1963, mẹ của Danh Đen) mừng ra nước mắt: “Thật tình, khi từ nhà đưa nó ra bệnh viện, mọi người đều nghĩ 100% thằng Danh Đen khó giữ được tính mạng, do chấn thương quá nặng. Vợ chồng tui cũng chỉ còn biết cầu mong trời Phật phù hộ, nhủ lòng thương phận nghèo của gia đình tui mà “cứu mạng” cho thằng Đen. Thế rồi, như một điều kỳ diệu, thằng Đen đã tỉnh lại trong niềm vui vỡ òa của vợ chồng tui và bà con hàng xóm. Tui rất biết ơn các bác sĩ đã cứu sống con trai tui…”.

Cây vú sữa - nơi Danh Đen rơi xuống từ độ cao 11m, nhưng
thoát chết.
Cây vú sữa - nơi Danh Đen rơi xuống từ độ cao 11m, nhưng thoát chết.

Góp tiền cứu người nghèo lúc hoạn nạn…

Ông Trần Văn On - Trưởng ban Nhân dân ấp Trường Thành B (xã Trường Khánh) - cho biết, gia đình anh Danh Trường thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Vợ chồng anh có 3 người con (2 trai, 1 gái), Danh Đen là con út. Để có miếng ăn hàng ngày, cả nhà phải vất vả làm thuê làm mướn theo mùa như vác lúa, cắt lúa, làm cỏ… Do kinh tế chật vật, Danh Đen chỉ đi học tới lớp 3 là nghỉ để theo cha mẹ làm thuê. Gần đây, Danh Đen đi làm phụ hồ ở quanh xã với thu nhập 100.000 đồng/ngày. Công việc này cũng không thường xuyên, mỗi tuần chỉ làm được vài ngày. Dù cảnh nghèo nhưng gia đình Danh Đen sống hiền lành, đàng hoàng… nên khi hay tin em bị tai nạn, nhiều người dân địa phương đều sẵn lòng giúp đỡ.

Chị Danh Thị Sa Mịt - cô của Danh Đen - tâm sự: “Tội nghiệp, nhà vợ chồng Danh Trường quá nghèo nên khi xảy ra cớ sự thì không có tiền phòng thân. Thế là bà con lối xóm xúm nhau hỗ trợ, mỗi người từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng… tích cóp được cả triệu đồng để đưa thằng Đen đi cấp cứu”. “Không chỉ bà con ở địa phương mà ra tới Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng, khi nghe tình cảnh nghèo khó của vợ chồng Danh Trường, thằng Danh Đen phải nghỉ học sớm để đi làm phụ hồ giúp cha mẹ… , nhiều người cảm động đã góp tiền chữa bệnh cho nó. Ngay cả những bác sĩ ở bệnh viện cũng vừa nhiệt tình cứu chữa vừa sẵn lòng hỗ trợ tiền. Đúng là ở hiền gặp lành, ân tình này khiến gia đình vô cùng xúc động”, chị Sa Mịt bộc bạch.

Theo Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng, với chấn thương nặng như trường hợp của Danh Đen, chi phí điều trị phải tốn hàng chục triệu đồng, tuy nhiên do gia đình có bảo hiểm và là hộ nghèo nên sẽ được xem xét giảm viện phí. Sau khi Danh Đen tỉnh lại, bệnh viện đã kiểm tra tổng quát và phát hiện Danh Đen bị dập phân nửa phổi bên phải, dập gan bên phải, gãy xương sườn, chấn thương cột sống… Trước mắt, bệnh viện chưa tính việc phẫu thuật, mà chỉ áp dụng phương pháp truyền dịch, cho thở oxy, tiêm thuốc giảm đau… Hiện Danh Đen đã uống được sữa.

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Lý Hoàng Phong - Phó trưởng Khoa ngoại Tổng quát – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng - nói: “Tính mạng bệnh nhân Danh Đen xem như được bảo toàn, tuy nhiên vết thương nặng nhẹ ra sao thì cần tiếp tục theo dõi và điều trị. Nếu phục hồi tốt thì phải sau khoảng 2 tuần mới được xuất viện”.

Tuy nhiên, bác sĩ Phong cũng không loại trừ khả năng biến chứng có thể xảy ra sau này. Bởi Danh Đen bị rơi từ cây vú sữa rất cao xuống nền đất, theo đó, cột sống có nguy cơ bị đau về sau, còn gan bị dập thì sau này sẽ khó cho việc ăn uống, bị men…; riêng phổi bị dập khá nhiều, nếu phục hồi không tốt, sau này có nguy cơ bị kén khí, buộc phải phẫu thuật. Ngoài ra, việc đi đứng, ăn uống, lao động nặng… của Danh Đen ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

Chị Thạch Thị Ươl nhìn nhận, sức khỏe của Danh Đen về sau bị tác động là khó tránh khỏi. Do đó, bác sĩ tư vấn đã giúp gia đình những biện pháp đề phòng nhằm giúp Danh Đen sớm phục hồi. Tuy nhiên, mọi người đều tin rằng, Danh Đen đã một lần thoát chết “thần kỳ”, thì với sức sống mãnh liệt của mình, Danh Đen sẽ tiếp tục chiến thắng để tồn tại, tương lai phía trước của em còn rất dài…

Theo Huỳnh Trọng

Lao Động