1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dự thảo luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi):

“Chặn” sự thao túng, lũng đoạn hoạt động ngân hàng

(Dân trí) - Có việc ”thả” lãi suất cơ bản hay không? Qui định hạn chế sở hữu cổ phần trong tổ chức tín dụng là bước ”thụt lùi” hay đó chính là giảm thiểu, ngăn chặn sự lũng đoạn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng?

Đó là những ý kiến đáng chú ý trong phiên họp toàn thể tại hội trường, thảo luận về luật các tổ chức tín dụng chiều 22/5.
 
“Chặn” sự thao túng, lũng đoạn hoạt động ngân hàng - 1
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu. (Ảnh: Việt Hưng)
 
Không thể “thả” lãi suất cơ bản
 
Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, điều 91 của dự thảo luật quy định tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất có thể hiểu luật cho phép khách hàng và tổ chức tín dụng có quyền thỏa thuận về cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay,  tự do hoá lãi suất và bỏ trần lãi suất.
 
Theo đại biểu Nga, Bộ luật dân sự có quy định về lãi suất trong hợp đồng vay, quy định lãi suất cho vay là do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định. ”Phải chăng bằng quy định này thì qui định tại Bộ luật dân sự sẽ đương nhiên không thực hiện nữa?. Đề nghị cần giải trình rõ thêm”, bà Nga đề nghị.
 
Chia sẻ quan điểm, đại biểu Phạm Thị Loan (TP Hà Nội) cho rằng, chúng ta đang nói rất nhiều về vấn đề lãi suất cơ bản, nhưng qui định trong dự thảo luật coi như phí và lãi suất được thả nổi như vậy sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt đối với doanh nghiệp.
 
"Vừa qua có nhiều Ngân hàng thương mại nâng phí huy động và phí cho vay, dẫn đến trong hệ thống ngân hàng bị rối loạn tỷ lệ huy động, không phải tăng cường tỷ lệ huy động mà là từ ngân hàng nọ chuyển sang ngân hàng kia, rút từ ngân hàng nọ sang gửi ngân hàng kia... Tôi đề nghị xem xét lại Điều 91”, đại biểu Loan thể hiện quan điểm.
 
Để “giải tỏa” lo lắng của các đại biểu, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên khẳng định, quan điểm của Thường vụ QH là không bỏ lãi suất cơ bản, nhưng nhận thức cho nó đúng hơn, thực chất hơn khái niệm này từ thực tiễn điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế và kinh tế chứ hoàn toàn không ”thả” một cách thoải mái.
 
Hạn chế khả năng lũng đoạn hoạt động ngân hàng
 
Liên quan đến qui định về sở hữu cổ phần trong tổ chức tín dụng, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, quy định cá nhân Việt Nam được sở hữu tối đa 5%, pháp nhân Việt Nam 15% và thể nhân pháp nhân nước ngoài 30% là hoàn toàn không hợp lý.
 
”Nhiều năm rồi chúng ta phấn đấu đến sự bình đẳng một sân chơi của các doanh nghiệp thì bây giờ chúng ta lại phân biệt giữa doanh nghiệp cá nhân tổ chức Việt Nam và thể nhân pháp nhân nước ngoài. Tôi cho đây là một thể chế mà thụt lùi”, ông Quỳnh mạnh mẽ phát biểu.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế  của QH Hà Văn Hiền cho biết, để đảm bảo sự chặt chẽ, thận trọng trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là ngăn chặn sự lũng đoạn của nhóm cá nhân, tổ chức thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng  gây rủi ro cho an toàn của hệ thống ngân hàng.
 
Dự thảo Luật quy định tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho người quản lý, người điều hành (thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng) hoặc pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát của tổ chức tín dụng cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng nhằm hạn chế các hoạt động cấp tín dụng trong nội bộ một tổ chức tín dụng.
 
Ngoài ra, còn quy định về hạn chế tỷ lệ góp vốn: một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
 
Đây là những quy định mới nhằm hạn chế khả năng lũng đoạn của các tổ chức có thể kiểm soát được hoạt động của các ngân hàng thương mại thông qua việc nắm giữ số lượng lớn cổ phần tại ngân hàng.
 
Nguyên Đức