Vụ đấu giá công ty Xây dựng số 3 Hà Nội:
“Chân gỗ” bỏ cuộc, nhà đầu tư kêu cứu
(Dân trí) - Đưa ra một <a href=" http://www.dantri.com.vn/Sukien/2006/2/101632.vip"> quyết định lạ thường</a> - rút lui ngay sau khi giành quyền mua toàn bộ cổ phần Công ty Xây dựng số 3 Hà Nội - Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) chịu mất hơn 1,2 tỷ đồng tiền đặt cọc và cũng gây thiệt hại luôn cho nhà nước gần 4,5 tỉ đồng. Và còn ngạc nhiên hơn nếu biết rằng, quyết định này của PVFC khiến chủ nhân đích thực muốn mua số cổ phần trên phải gửi văn bản “kêu cứu” lên Bộ Công an.
Từ một quyết định kỳ quặc
Sự việc bắt đầu từ quyết định của UBND TP Hà Nội chỉ định Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) là tổ chức tài chính trung gian triển khai thực hiện đấu giá bán cổ phần phát hành lần đầu của Công ty Xây dựng số 3 Hà Nội (thuộc TCTy Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội ). Ngày 18/1/2006, phiên đấu giá đã diễn ra tại trụ sở của công ty BVSC và toàn bộ 940.600 cổ phần được bán hết cho một nhà đầu tư trả giá cao nhất là Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC), thuộc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, với mức giá 19.800đ/cổ phần. Tổng số tiền thu qua đấu giá là 18.623.880.000đ.
Những tưởng sự việc dừng lại sau phiên đấu giá được cho là thành công tốt đẹp với mức giá bán gần gấp đôi mệnh giá ban đầu thì ngày 20/1, hai ngày sau phiên đấu giá, Công ty BVSC bỗng nhận được công văn của PVFC do Giám đốc Nguyễn Tiến Dũng ký xin huỷ bỏ toàn bộ kết quả đấu giá và chịu mất 1,2 tỉ đồng tiền đặt cọc với lý do hết sức lạ đời “ghi nhầm mức giá đấu thầu”.
Như vậy, theo qui chế bán đấu giá cổ phần, toàn bộ số cổ phần này sẽ được bán cho những nhà đầu tư có mức giá liền kề. Trong khi đó, nhà đầu tư liền kề là 67 cá nhân và mức giá họ đưa ra thấp hơn nhiều so với mức giá của PVFC đã trả. Theo tính toán của BVSC, khi bán cho các nhà đầu tư liền kề thì tổng số tiền thu được (tính cả 1,2 tỉ tiền đặt cọc thu của PVFC) chỉ còn là 14.160.770.000đ (thiệt hại hơn 4,4 tỉ đồng).
Còn nhớ một sự việc tương tự đã xảy ra tại TPHCM, căn nhà mang ra đấu giá được một nhà đầu tư đẩy lên đến 32 tỉ đồng. Số tiền này cao hơn giá trị thực của ngôi nhà khiến tất cả những người khác không còn ý định "đấu" nữa. Sau đó, vị khách trúng thầu đổi ý không mua, chấp nhận mất 190 triệu đồng tiền đặt cọc. Theo luật, người trúng thầu bỏ cuộc thì người ra giá cao kế tiếp sẽ được mua, và nhà đầu tư liền kề đã "bất ngờ" trúng đấu giá mua căn nhà với giá 19 tỉ đồng - bởi những người còn lại đã "bỏ chạy" khi nghe hô giá quá cao.
Sự việc trở nên căng thẳng khi các nhà đầu tư khác bức xúc trước sự việc này, nhiều nhà đầu tư đã khẳng định sẵn sàng “trồng” ngay lập tức 24 tỉ đồng để được sở hữu căn nhà này.
Theo nhận định của một chuyên gia, đây là thủ đoạn “thông thầu”, lách luật để kiếm lời bất chính. |
Sau khi sự việc “lạ đời” này xảy ra, với trách nhiệm của mình, ngày 7/2, Công ty BVSC đã có công văn báo cáo UBND TP Hà Nội với nhận định: “Đây là trường hợp tương đối cá biệt, để tránh thất thoát tài sản của nhà nước và triệt tiêu khả năng thông thầu, công ty đề nghị tổ chức triển khai chào bán đấu giá lại”.
Mặc dù đây là việc làm bất thường, gây thiệt hại cho nhà nước hàng tỉ đồng, và đã được công ty BVSC cảnh báo, nhưng ngày 10/2, Sở Tài chính Tp Hà Nội vẫn có công văn số 385 STC/TCDN-P2 do Phó Giám đốc Sở Phạm Công Bình ký “thúc giục” UBND Tp Hà Nội thực hiện việc bán số cổ phần này cho các nhà đầu tư liền kề, và cho rằng việc Công ty BVSC đề nghị chào bán đấu giá lại là không phù hợp với chế độ qui định.
Tiếp đó, ngày 13/2, chính Công ty xây dựng số 3 cũng có công văn đề nghị… bán cổ phần cho các nhà đầu tư liền kề. Công văn không chỉ có chữ ký của Giám đốc công ty mà để thêm “sức nặng”, một phó tổng giám đốc TCTy Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội cũng ký vào đề nghị này.
Nhằm ngăn chặn việc thất thoát tài sản của nhà nước, ngày 17/2, Bộ Tài chính đã có công văn hoả tốc do Thứ trưởng Trần Văn Tá ký đề nghị UBND TP Hà Nội thận trọng chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ sự việc, tạm thời chưa quyết định bán số cổ phần này cho các nhà đầu tư liền kề.
Đến những khuất tất
Đi tìm câu trả lời cho quyết định lạ đời của Giám đốc Công ty PVFC, PV Dân trí lần theo những dấu vết và phát hiện ra người chủ thực sự của 940.600 cổ phần đã mua là Công ty Cổ phần quan hệ quốc tế - Đầu tư sản xuất (CIRI). PVFC chỉ là đơn vị tài chính được CIRI uỷ thác thực hiện việc đấu giá cổ phần. Điều này được khẳng định qua hàng loạt những công văn trao đổi qua lại giữa hai công ty, đặc biệt là giấy uỷ nhiệm chi lập ngày 18/1/06. Qua đó, công ty CIRI thông qua ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hà Nội đã chuyển vào tải khoản của công ty Tài chính dầu khí số tiền 1.2222.780.000đ với nội dung thanh toán: Chuyển 10% tiền đặt cọc mua cổ phần của Công ty Xây dựng số 3 Hà Nội.
Ngay sau khi trúng thầu (18/1), ngày 19/1, Công ty CIRI đã có công văn số 24/CV_CIRI gửi Công ty PVFC đề nghị triển khai thực hiện việc mua cổ phần của Công ty xây dựng số 3 Hà Nội. Phớt lờ trước đề nghị chính đáng của Công ty CIRI, ngày 20/1, Giám đốc công ty PVFC đã ký công văn số 354/PVFC_08 xin hủy kết quả đấu giá mà không có bất cứ sự bàn bạc, thống nhất nào với Công ty CIRI.
Bất ngờ và bất bình trước quyết định của Giám đốc PVFC Nguyễn Tiến Dũng, ngày 16/2, Giám đốc Công ty CIRI Phạm Thành Công (chủ nhân thực sự của 940.000 cổ phần) đã có công văn số 15/CV-CIRI gửi Bộ Công an, Bộ Tài chính, UBND Tp Hà Nội tố cáo việc bị Giám đốc PVFC Nguyễn Tiến Dũng lừa gạt nhằm vụ lợi cá nhân.
Trong công văn của mình, ông Phạm Thành Công khẳng định: “Toàn bộ quá trình bàn bạc, trao đổi, công văn, chuyển tiền đặt cọc, uỷ quyền đặt giá, phiếu giá… Công ty CIRI đã thực hiện đầy đủ và sẵn sàng thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư trúng thầu”.
Đặc biệt, trong công văn gửi Bộ Công an, Giám đốc Công ty CIRI khẳng định, sau khi sự việc xảy ra, Công ty xây dựng số 3 Hà Nội đã đề nghị CIRI hủy bỏ toàn bộ kết quả đấu giá và ngoài khoản tiền đặt cọc 10% sẽ được PVFC bồi thường một khoản tiền (?).
Như vậy, chủ nhân thực sự của 940.000 cổ phần là Công ty CIRI đã khẳng định sẵn sàng thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư, nghĩa là sẵn sàng thanh toán đủ 18.623.880.000đ để sở hữu số cổ phần này. Vậy vì sao Giám đốc PVFC nhanh chóng lẩn tránh tư cách đại diện cho nhà đầu tư, chịu mất không 1,2 tỉ tiền đặt cọc và cũng mất luôn 0,5% phí làm trung gian (ngót 1 trăm triệu đồng)? Đằng sau quyết định “lạ đời” của PVFC có thể gây thiệt hại cho nhà nước gần 4,5 tỉ là gì? ... Những câu hỏi trên rất cần các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ.
Đức Hòa