1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam:

“Chăm sóc trẻ vui, khỏe, giỏi giang hơn chúng ta là hồng phúc nước nhà”

(Dân trí) - “Trong 26 triệu trẻ em, còn 1,5 triệu cháu có hoàn cảnh đặc biệt, trên 2,5 cháu có nguy cơ rơi bị bỏ rơi, không nơi nương tự, bị bạo hành, bị tai nạn thương tích. Chúng ta lắng nghe các cháu nói, để giảng giải cho các cháu điều hay lẽ phải và tự điều chỉnh mình”.

“Chăm sóc trẻ vui, khỏe, giỏi giang hơn chúng ta là hồng phúc nước nhà”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ động dừng bài phát biểu và mời cháu Vũ Thị Phương Anh, đại diện học sinh Hải Dương, lên chia sẻ nguyện vọng cá nhân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ Phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2015, chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 30/5 tại Hải Dương.

Tháng hành động vì trẻ em năm 2015 có chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự trân trọng và đối xử công bằng với trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước.

Đánh giá tầm quan trọng của trẻ em, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Ai cũng biết, trẻ em hôm nay chính là thế giới ngày mai. Trẻ em như măng non, như búp trên cành. Phải làm sao để măng non mọc thành rừng tre Việt Nam. Người ta thường nói con hơn cha là nhà có phúc. Công tác chăm sóc, dạy dỗ trẻ em sao cho các cháu trẻ vui, khỏe và giỏi giang hơn chúng ta, đó là hồng phúc nước nhà”.

Chia sẻ quan điểm “Lắng nghe trẻ em nói” của Tháng hành động vì trẻ em năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý các cơ quan chức năng, cá nhân từ những điều giản dị và nhỏ nhất.

Phó
Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ

“Tôi thực sự xúc động khi biết nhiều trẻ em thật cao đẹp như mong muốn thế giới và đất nước giàu mạnh, lớn lên là giáo sư nhà khoa học, nhà du hành. Nhưng cũng có những ước mơ giản dị như ước có đôi dép mới, mua quyển truyện, bố có tiền mua xe máy chờ khách hoặc sửa mái nhà…

Thậm chí, nhiều tâm sự của trẻ nhỏ khiến người lớn phải suy nghĩ: Đó là mong bố đừng say rượu, đừng đánh chửi mẹ con, ước gì bố hay mẹ hãy trở về gia đình. Thậm chí có những ước mơ, các cháu không bao giờ nói được nữa. Đó là của những cháu bị tai nạn, bị thương tật”.

Trích dẫn câu nói dân gian “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu tới già”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn các cá nhân, cơ quan chức năng và toàn xã hội hãy lắng nghe trẻ em nói để qua đó giảng giải cho các cháu về điều hay lẽ phải bằng lòng yêu thương, trách nhiệm và sự tôn trọng cần thiết nữa.

Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều khi nghe trẻ em nói bằng lời nói ngây thơ nhưng lại có thể là những lời răn dạy, sợi dây kéo chúng ta lại những gì tốt đẹp, giữ chúng ta khỏi những hành động lời nói không hay.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em cách đây 25 năm. Theo đó, bốn nhóm quyền cơ bản của trẻ em trong Công ước (gồm: Quyền sống còn, quyền phát triển, quyền được bảo vệ và quyền tham gia của trẻ em) đã và đang được quan tâm thực hiện.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thẳng thắn thừa nhận: “Trong xã hội chúng ta hiện nay, nhận thức về các quyền tham gia của trẻ em còn hạn chế so với các nhóm quyền khác. Việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong gia đình, trong nhà trường trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Trẻ em chưa thực sự được tham gia đầy đủ vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách, kế hoạch về trẻ em”.

Chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói” nhằm phát động toàn xã hội tạo điều kiện để trẻ em được nói lên tiếng nói của mình về các vấn đề có liên quan đến trẻ em, đặc biệt là tạo điều kiện để trẻ được tham gia đầy đủ vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách.

“Bộ LĐ-TB&XH hy vọng các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình lắng nghe, xem xét và phản hồi các ý kiến của trẻ em trên cơ sở tôn trọng tiếng nói của trẻ em. Đây cũng chính là hành động thiết thực để thực hiện quy định tại Điều 37 của Hiến pháp năm 2013 “Trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được tham gia vào các vấn đề về trẻ em” - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh.

Tháng hành động vì trẻ em năm 2015 còn là dịp để các cơ quan chức năng đánh giá nhìn nhận lại nhiều chính sách, chương trình dành cho trẻ em đã và đang triển khai như: Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, tiêm chủng mở rộng, phòng và chống tai nạn thương tích trẻ em, chăm sóc trẻ em nhiễm HIV/AIDS, phẫu thuật tim cho trẻ em nghèo v.v...

Tháng hành động vì trẻ em năm 2014, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà, cấp học bổng và phẫu thuật miễn phí cho 4.674 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng trị giá 14,83 tỉ đồng. Tại 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà, cấp học bổng và phẫu thuật miễn phí cho hơn 1,9 triệu trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng số tiền hơn 160 tỉ đồng...



Hoàng Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm