1. Dòng sự kiện:
  2. Quốc hội họp bất thường lần thứ 9
  3. Metro số 1 TPHCM

Chấm dứt hoạt động của SITC Việt Nam

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ ra quyết định chấm dứt hoạt động Trung tâm SITC Việt Nam. Phía SITC Singapore cũng đã đạt được thoả thuận với Kenta - một công ty có cơ sở tại VN - để tiếp nhận và đào tạo miễn phí cho các học viên của SITC.

Tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chiều 9/3, Luật sư Tan Hong Seng, đại diện của Công ty Life Knowledge Consultancy Pte. Ltd (LKC) và Công ty SITC Holdings Pte.Ltd, cho biết tổng số tiền đầu tư cho SITC Việt Nam thông qua Michael Yu là hơn 1 triệu USD. Song họ cũng là nạn nhân của vị giám đốc này bởi các nhà đầu tư đều không có kinh nghiệm điều hành cơ sở giáo dục. Mọi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phó thác hết cho Michael Yu.

 

Theo luật sư Tan thì khả năng khôi phục lại hoạt động Trung SITC Việt Nam là không thể. Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng các cổ đông của Công ty LKC không tìm được nhà đầu tư đồng ý mua lại dự án Trung tâm SITC. Hơn nữa, cho dù có nhà đầu tư đồng ý mua thì Công ty LKC cũng không thể bán khi ông Michael Yu, người nắm giữ 51% cổ phần của công ty, không đồng ý.

 

Tuy nhiên các cổ đông của LKC rất quan tâm và nỗ lực trong việc hỗ trợ các học viên. Chính vì vậy họ đã thỏa thuận được với công ty Kenta (100% vốn Đài Loan, có cơ sở giáo dục đào tạo tại Việt Nam) sẽ tiếp nhận và đào tạo miễn phí cho các học viên của SITC Việt Nam.

 

Trước mắt, Kenta sẽ tiếp nhận học viên tại TPHCM, sau đó là Hà Nội. Chi phí cho việc đào tạo này là nguồn đóng góp tự nguyện của các cổ đông SITC Holdings và LKC.

 

Bộ KH&ĐT đã thông báo với Công ty LKC rằng ngày 15/3, sẽ ra quyết định rút giấy phép, chấm dứt hoạt động và sau đó sẽ thanh lý các cơ sở SITC ở Việt Nam. Bộ cũng đề nghị cổ đông SITC Holings và LKC xem xét khả năng thành lập quỹ hỗ trợ để có thể mở rộng đối tượng tham gia hỗ trợ học viên, giáo viên và nhân viên của SITC.

 

Cục trưởng Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng cho biết, sau 30 ngày có quyết định chấm dứt hoạt động, chủ đầu tư phải có trách nhiệm tiến hành các thủ tục thanh lý tài sản, thanh toán các khoản nợ.

 

Tuy nhiên, rất có thể chủ đầu tư không thực hiện việc này và lúc đó Bộ KH&ĐT sẽ phải đứng ra thành lập Ban thanh lý để làm thủ tục. Việc này rất phức tạp vì không có sự tham gia của chủ đầu tư sẽ không biết rõ được tài sản thực và chính xác các khỏan nợ của SITC Việt Nam. Hơn nữa thời gian tiến hành thanh lý có thể sẽ phải kéo dài.

 

Ông Thắng cho biết, hiện nay có 3 công ty vốn nước ngoài đang ngỏ ý mua lại SITC. Đó là Công ty Kamadhenu Ventures Pte Ltd - chủ đầu tư Trường quốc tế Ngôi sao tại TPHCM; Công ty AEC có trụ sở tại Singapore và Công ty HEG Singapore Pte Ltd, chuyên về các chương trình đào tạo giáo dục từ ngoại ngữ, kinh doanh, công nghệ thông tin.

 

Đặc biệt trong bản đề nghị mua lại SITC, HEG bày tỏ rõ sẽ tiếp nhận lại những học viên đã đóng tiền mà chưa được học của SITC. Bộ kế hoạch đầu tư đang xem xét thẩm định khả năng của các đơn vị này.

  

Theo Trịnh Vũ
Vnexpress