1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Bình:

Chấm dứt cảnh thuyền 12 chỗ “nhồi” gần… 100 người

(Dân trí) - Suốt nhiều đời mong đợi, chiếc cầu mơ ước nối đôi bờ sông Gianh của người dân xã Phong Hóa đã trở thành hiện thực; chấm dứt cảnh chông chênh qua cầu phao hay vượt sông bằng đò ngang nguy hiểm.

Niềm vui trên chiếc cầu nối đôi bờ sông Gianh của người dân xã Phong Hóa

Những ngày này, về với xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) chúng tôi được cảm nhận niềm vui, phấn khởi của người dân khi cây cầu dân sinh mới vừa được xây dựng khang trang, kiên cố và đưa vào sử dụng, giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn. Chấm dứt hẳn tình trạng chông chênh trên cầu phao hay vượt đò qua sông như nhiều năm trước.

Chấm dứt cảnh thuyền 12 chỗ “nhồi” gần… 100 người - 1

Cây cầu mới nối đôi bờ sông Gianh.

Cây cầu vừa được xây dựng có tổng nguồn vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng, kết nối hai vùng Nam, Bắc của xã Phong Hóa. Đây là cây cầu thứ 9 bắc qua sông Gianh trên địa bàn huyện Tuyên Hóa.

Địa bàn xã phong hóa có trên khoảng 6 ngàn nhân khẩu, trong đó 3 thôn Mã Thượng, Cao Trạch và Sảo Phong với gần 700 hộ dân. Trước đây khi chưa có cầu, người dân 3 thôn này phải vượt sông bằng đò ngang đầy nguy hiểm. Đây cũng là nơi mà Báo Dân trí từng phản ánh tình trạng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đường sông qua bài viết “Rùng mình cảnh thuyền 12 người “nhồi” gần... 100 khách”.

Chấm dứt cảnh thuyền 12 chỗ “nhồi” gần… 100 người - 2

Tình cảnh cả trăm người nhồi nhét vượt sông khi chưa có cầu mà Báo Dân trí phản ánh

Sau nhiều bài viết của Dân trí, người dân xã Phong Hóa đã được tăng cường thêm đò để phục vụ qua lại. Ngoài ra Cục đường thuỷ nội địa (trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải) cũng đã cho phép xây dựng công trình cầu phao dân sinh Sảo Phong để người dân đi lại.

Mặc dù có cầu phao nhưng chỉ giải quyết được tình trạng không phải qua sông bằng đò. Cầu cũng chỉ dành cho các phương tiện xe máy, xe đạp hay đi bộ, vào mùa mưa lũ, qua sông trên cầu phao cũng là hết sức nguy hiểm, lũ lớn phải tháo cầu khiến việc đi lại, trao đổi hàng hóa rất khó khăn.

Chấm dứt cảnh thuyền 12 chỗ “nhồi” gần… 100 người - 3

Cây cầu Sảo Phong kiên cố đã chấm dứt hẳn tình trạng chông chênh trên cầu phao hay vượt đò qua sông như nhiều năm trước.

Niềm mong mỏi lớn nhất của hàng ngàn hộ dân tại xã Phong Hóa suốt nhiều đời qua đó chính là có một chiếc cầu bê tông kiên cố. Và đến nay, niềm mong mỏi đó đã chính thức trở thành hiện thực.

Trong lần trở lại Phong Hóa này, chúng tôi đã có dịp gặp vợ chồng anh Hoàng Văn Đạo (SN 1965) và chị Hoàng Thị Loan (SN 1967), 2 người lái đò năm xưa bên bờ sông Gianh, cũng là những người lái đò cuối cùng trước khi làm cầu.

Niềm vui thể hiện rõ trên khuôn mặt, trong từng câu chuyện của vợ chồng người lái đò. Nhờ có cây cầu mới bằng bê tông mà việc vận chuyển vật liệu xây dựng dễ dàng hơn, vợ chồng anh Đạo cũng đang xây dựng cho mình một căn nhà 2 tầng kiên cố để tránh lũ.

Chấm dứt cảnh thuyền 12 chỗ “nhồi” gần… 100 người - 4

Phóng viên Dân trí trò chuyện với vợ chồng lái đò năm xưa bên bờ sông Gianh, cũng là những người lái đò cuối cùng trước khi làm cầu.

“Nhớ ngày xưa lái đò chở người qua lại sông mà cực, người dân vất vả đi lại, vợ chồng tôi thì cứ mỗi chuyến đò là một lần lo lắng. Giờ có cây cầu mới này thì dân chúng tôi vui quá rồi, mấy đứa học sinh đi về cũng an toàn hơn nhiều”, chị Loan tươi cười.

Không chỉ người dân, cây cầu mới cũng giúp con đường đến trường của hàng trăm em học sinh THCS tại 3 thôn Mã Thượng, Cao Trạch và Sảo Phong trở nên gần hơn. Các em không còn phải lênh đênh qua sông bằng đò để tìm con chữ, không còn phải nghỉ học vì cắt cầu phao ngày mưa gió như trước đây.

“Trước đây em và các bạn đều đi học qua cầu phao, ngày mưa lũ lại phải nghỉ hoặc đi đường vòng xa lắm. Giờ có cầu rồi bọn em đi học sướng hơn nhiều rồi chú ạ, không phải sợ mưa lũ nữa”, em Cao Ngọc Nam, học sinh Trường THCS Phong Hóa chia sẻ.

Chấm dứt cảnh thuyền 12 chỗ “nhồi” gần… 100 người - 5

Cây cầu mới cũng giúp con đường đến trường của hàng trăm em học sinh THCS tại 3 thôn Mã Thượng, Cao Trạch và Sảo Phong trở nên gần hơn

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Hồ Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch xã Phong Hóa cũng cho biết, cây cầu mặc dù chưa khánh thành, tuy nhiên để tạo điều kiện cho người dân đi lại, đáp ứng mong mỏi của bà con, hiện nay các đơn vị chức năng đã tiến hành bàn giao và đưa vào sử dụng cầu Sảo Phong.

“Cầu Sảo Phong là công trình hết sức quan trọng tại địa phương, góp phần kết nối, rút ngắn khoảng cách đôi bờ sông Gianh, tạo điều kiện người dân đi lại, giao thương thuận tiện, an toàn, góp phần nâng cao đời sống người dân cũng như bộ mặt nông thôn. Từ đó tạo bước đệm để phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương”, bà Hà nói.

Đặng Tài - Tiến Thành