1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sóc trăng:

Cay xè nước mắt hành tím Vĩnh Châu!

(Dân trí) - Hành tím tăng thêm thu nhập, cho người dân ấm no nhưng mặt trái của nó không chỉ ở việc hành mất giá, mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ của người trồng. Ấp Đại Bái, xã Lạc Hòa, huyện Vĩnh Châu có khoảng 300 nhân khẩu thì có 100 người bị mù.

Ám ảnh mùi hành

Ám ảnh mùi hành

Thị xã Vĩnh Châu, nơi được xem là “vương quốc” hành tím bởi diện tích và sản lượng luôn đứng đầu cả nước. Nhưng đằng sau niềm tự hào ấy là những câu chuyện xót xa của những người nông dân một nắng hai sương.

Tiếp chúng tôi tại nhà văn hoá cộng đồng, chị Kim Thị Thêm - trưởng ấp khẳng định, ở ấp Đại Bái, xã Lạc Hoà có tới hơn 100 người bị mù, trong đó phần đa những người bị mù vì tiếp xúc với mùi cay của hành là chuyện có thật. Sau đó, chị Trưởng ấp dẫn chúng tôi gặp gỡ một số hộ có người thân bị mù.

Trên đường đi chị Thêm nói, vùng này còn nghèo lắm, đa phần “nạn nhân” là những người đi làm mướn. Khi bị mù, họ vô tình trở thành gánh nặng cho người thân và gia đình.

Hai con gái của ông Lâm Xương đều bị mù tự chăm sóc cho nhau.
Hai con gái của ông Lâm Xương đều bị mù tự chăm sóc cho nhau.

Căn nhà ở tít cuối cánh đồng trồng hành là gia đình ông Lâm Xương (63 tuổi), ngụ tại ấp Đại Bái có hai con gái bị mù mắt đó là Lâm Thị Keo (22 tuổi) và Lâm Thị Cải (19 tuổi). Trong căn nhà xiêu vẹo, ông Xương nói: “Gia đình tui có 6 người con, một trai và năm gái. Những đứa lớn đều đi làm mướn hành hoặc đi xa. Riêng hai đứa gái út ở nhà làm hành, mấy năm nay bị mù cả 2 mắt. Năm Keo mới 17 tuổi, đi hái hành về thấy con mắt đỏ, rồi sưng lên, tôi không cho đi hái hành nữa. Ở nhà được một thời gian mắt đau nặng hơn, chúng tôi đưa đi chữa trị ở bệnh viện tỉnh. Nhưng đã quá muộn”, ông Xương nghẹn ngào.

Cô con gái út cũng chịu hoàn cảnh tương tự, nhưng Cải vẫn đỡ hơn chị gái mình vì mắt chưa mất thị lực hoàn toàn nhưng việc tiếp cận, nhìn nhận các sự vật vô cùng khó khăn. Cải chỉ phụ giúp công việc hằng ngày như cắm cơm, giặt quần áo…

Người dân nơi đây do không có, hoặc ít đất canh tác nên khi thu hoạch xong diện tích hành của nhà thường bươn bả làm mướn, kiếm thêm. Nhiều gia đình con đông nên đã huy động tất cả cùng ra đồng thu lượm hành tím, kiếm tiền. Nhưng họ vẫn chưa ý thức được về mối nguy hại có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ khi tiếp xúc thường xuyên với hơi hành mà không có bảo hộ lao động. Trường hợp của gia đình ông Xương là một điển hình.

Khóm “bóng đêm”

Chị trưởng ấp tiếp tục dẫn chúng tôi đến gặp gỡ những hộ dân sống tập trung tại một khóm với 9 hộ gia đình rất đặc biệt. Cả khóm tập trung tới 10 người mù, trong đó có 2 trường hợp bị mù cả hai mắt.

Một khóm 9 hộ dân thì có tới 10 người bị mù.
Một khóm 9 hộ dân thì có tới 10 người bị mù.

Ông Kim Thanh Dũng (61 tuổi), có con gái thứ hai, Kim Thị Phượng (34 tuổi) bị mù cả hai mắt cho biết: “Phượng sinh ra rất lành lặn và khoẻ mạnh. Trong gia đình, Phượng là trụ cột. Nhưng đến năm 16 tuổi, sau một thời gian đi làm mướn cho người trồng hành về tôi thấy hai con mắt con bé sưng vù lên. Chúng tôi không đưa con đi chữa trị. Thời gian sau đó, Phượng bị mù cả hai mắt”, ông Dũng kể.

Chị Huỳnh Thị Su Lý cùng chồng bên trong căn nhà tồi tàn
Chị Huỳnh Thị Su Lý cùng chồng bên trong căn nhà tồi tàn

Chị Huỳnh Thị Su Lý (26 tuổi) ở ấp Đại Bái cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự chị Phượng. Kết thúc vụ thu hoạch hành 2012, chị Lý thấy con mắt trái đau nhức. Chị không chịu đi chữa trị ở các trung tâm y tế. Chị kể: “Tôi đi làm mướn được trả 100 ngàn đồng/ngày. Khi nào con mắt bị đau, tôi thấm nước lạnh, lau rửa, không ngờ đến giữa năm 2013 do không thể chịu nổi cơn đau, gia đình đã đưa tôi đến bệnh viện tỉnh Sóc Trăng để chữa trị thì đã quá muộn”.

Trong khóm này còn nhiều người bị mù mắt do tiếp xúc thường xuyên với cây hành như Bà Thạch Thị Liêm (62 tuổi); ông Ong Húc (57 tuổi); bà Lưu Thị Xà Phước (58 tuổi) và vợ chồng ông Huỳnh Văn Thành (62 tuổi, bị mù cả 2 mắt).

Người dân ỡ Vĩnh Châu đang chế biến hành tím
Người dân ỡ Vĩnh Châu đang chế biến hành tím

Trao đổi với PV, lãnh đạo xã Lạc Hoà cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ của ngành y tế thị xã Vĩnh Châu, hiện nơi đây có khoảng 1.500 người mù lòa không phải bẩm sinh, trong đó ở ấp Đại Bái, xã Lạc Hòa có hơn 100 người bị mù/ 300 nhân khẩu.

Đã có nhiều tổ chức y tế nghiên cứu tình hình người mù tại Vĩnh Châu nhưng vẫn chưa thể làm rõ nguyên nhân. Một cán bộ ở xã Lạc Hòa nói: “Số người mù trong xã ngày càng nhiều thêm, vì họ vẫn theo thói quen dùng chất Mipcin làm phấn ủ củ hành giống. Dù chính quyền đã cấm sử dụng chất độc này làm chất bảo quản củ hành từ lâu, nhưng người dân vẫn bất chấp vì cuộc mưu sinh, vì họ sợ không ủ chất này thì không có hành để làm giống cho vụ sau và hậu quả là những người dân nghèo làm thuê phải gánh”.

Phạm Tâm – Vũ Long