"Cây" lọc không khí bằng rêu, giảm tình trạng ô nhiễm đáng kinh ngạc

Thảo Trinh

(Dân trí) - Được phát triển và hoạt động dựa trên khả năng lọc không khí của rêu, thiết bị này có thể lọc và làm mát không khí đáng kinh ngạc, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm trong thành phố.

Mới đây, theo Cnet đưa tin, một thiết bị có khả năng lọc không khí với hiệu quả đáng kinh ngạc của công ty Green City Solutions (Đức) vừa được ra mắt nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại các thành phố lớn hiện nay.

Bộ lọc ngoài trời này hoạt động dựa trên nguyên lý phát triển của rêu - một trong những sinh vật có khả năng lọc khí tốt nhất của tự nhiên. Theo Liang Wu, đồng sáng lập công ty cho biết, rêu có tác dụng chuyển đổi chất ô nhiễm thành sinh khối. Thậm chí, chúng còn ăn chất ô nhiễm theo đúng nghĩa đen, từ đó giúp môi trường trở nên trong lành và sạch khói bụi.

Cây lọc không khí bằng rêu, giảm tình trạng ô nhiễm đáng kinh ngạc - 1
CityTree - thiết bị hoạt động dựa trên nguyên lý sinh trưởng của rêu có khả năng lọc và làm mát không khí đáng kinh ngạc (Ảnh: Green City Solutions).

Để thực hiện dự án này, Green City Solutions đã thiết kế một môi trường phù hợp để rêu có thể phát triển, sinh sôi tốt trong thành phố. Đó là thiết bị có tên CityTree, được giới thiệu là bộ lọc bụi mịn công nghệ sinh học đầu tiên dành cho không gian đô thị trên thế giới.

Thiết bị này có thể giảm tình trạng ô nhiễm bụi mịn trong khu vực xung quanh tới 53% nhờ khả năng lọc 3.500 m3 không khí mỗi giờ, tương ứng với lượng không khí hít thở của khoảng 7.000 người trong vòng một tiếng đồng hồ.

Thông qua sự bay hơi từ bề mặt rêu, CityTree còn có khả năng làm giảm nhiệt độ không khí tới 2,5 độ C. Để duy trì khả năng lọc và làm mát, thiết bị này cần 4 lít nước/giờ và 120 watt điện.

"Cây" lọc không khí bằng rêu, giảm tình trạng ô nhiễm đáng kinh ngạc

Bộ lọc mới trên cũng được trang bị các cảm biến nhằm phát hiện và phân loại ô nhiễm, mức độ ô nhiễm của vùng không gian xung quanh. Các dữ liệu thu được rất hữu ích cho việc xác định những nguồn gây ô nhiễm chính, từ đó đưa ra sửa đổi chính sách và tổ chức các chiến dịch cộng đồng hiệu quả.

Thiết bị lọc không khí bằng rêu hiện đã được thử nghiệm và lắp đặt ở một số thành phố lớn tại châu Âu như Berlin, Oslo, London, Paris và Cork.