Cầu sắp sập, xe vẫn “ào ào” đi qua
(Dân trí) - Khoảng 11 giờ ngày 19/7, một chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng chạy qua cầu Tứ Câu làm một dầm cầu (thuộc địa phận TP Đà Nẵng) bị sụt lún, cầu oằn xuống như võng, giao thông tê liệt trong thời gian dài.
Nhiều người dân sống gần cầu Tứ Câu (thuộc tuyến đường ĐT 603 nối huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng với một số xã của huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho biết, lúc đó họ nghe một tiếng “rầm” thật lớn, chạy ra thì thấy cây cầu đã bị gãy dầm sắt, toàn bộ dầm cầu “rung rinh” như sắp rụng xuống sông. Ngay lập tức, người dân chặn xe lại và điện báo ngay cho cơ quan chức năng đến phong tỏa hiện trường, không cho người và xe qua lại cầu, đồng thời tạm cấm luôn giao thông đường thủy bên dưới.
Tại điểm nứt, dầm cầu sắt bị gỉ, con đội trụ cầu cũng hoen gỉ, rách toạc và sụt lún sâu xuống khoảng 15cm làm cho mặt cầu cong vênh, dầm bê-tông từ trụ cầu thứ nhất đến trụ thứ hai (hướng từ huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng xuống huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) bị rạn nứt. Các dầm khác của cây cầu cũng bị gỉ sét nghiêm trọng. Cầu có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.
Đơn vị quản lý đã cắm biển cấm tất cả các loại xe qua cầu nhưng xe máy, xe đạp vẫn qua lại bình thường.
Đây là cây cầu chính nối QL1A (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) và một số xã của huyện Điện Bàn, trong đó có khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và TP Hội An; do đó lượng xe và người giao thông trên đường này rất cao. Ngoài ra tuy tải trọng cầu chỉ có 5 tấn nhưng mỗi ngày cây cầu này phải gánh hàng trăm lượt xe tải chở đất đá, vật liệu xây dựng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Mộng Nhung, Giám đốc Công ty CP công trình giao thông vận tải Quảng Nam, đơn vị quản lý cầu cho biết: Cây cầu này đã xuống cấp từ lâu, tỉnh Quảng Nam cũng đã có kế hoạch xây mới cầu. Khi xảy ra sự cố sụt lún, đơn vị cũng đã tổ chức đặt biển báo trên đường bộ và đường thủy để cảnh báo cho người dân. Ngay trong ngày 20/7, đơn vị đã cho vận chuyển vật liệu xây dựng, sắt thép... trước mắt tập trung sửa chữa để xe máy có thể lưu thông.
Hiện tại, tình trạng cầu đã xuống cấp rất nghiêm trọng có thể sập bất cứ lúc nào, nếu không cấm có thể gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, theo ông Nhung đây là con đường huyết mạch, mỗi ngày có hàng ngàn người dân buôn bán rau quả, thương lái từ các xã của huyện Điện Bàn chở ra các chợ Mới Ba Xã, chợ Cẩm Lệ, Miếu Bông... và ngàn ngàn công nhân đi làm ở khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc nên cấm lưu thông hẳn sẽ gây nhiều khó khăn cho người dân.
Đã hai ngày trôi qua, người dân vẫn lưu thông bình thường trên cầu, bất chấp biển cấm. Một người đi đường cho biết nếu không đi đường này thì biết đi đường nào? Từ cầu về nhà anh này chỉ khoảng vài cây số nhưng nếu không đi qua cầu, anh sẽ phải qua một đoạn đường vòng tới gần… 40 cây số.
Người dân vẫn đi qua cầu dù biết là nguy hiểm, họ mong cây cầu sớm được sửa chữa để giao thông được an toàn và thuận lợi.
Công Bính