1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Câu chuyện về chiếc bồ tải gạo lên Điện Biên

(Dân trí) - Trước khi nhắm mắt xuôi tay, ông Nguyễn Đình căn dặn con trai giữ gìn chiếc bồ ông đã gánh gạo đi đánh Pháp ở Điện Biên. Chiếc bồ cùng “đôi chân vạn dặm” của người dân công hỏa tuyến đã góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” 64 năm về trước.

Câu chuyện về chiếc bồ tải gạo lên Điện Biên

“Gia đình tôi muốn hiến tặng Bảo tàng Quân khu 4 chiếc bồ cha tôi đi gánh gạo lên Điện Biên để bảo quản, trưng bày, giới thiệu với khách tham quan, đặc biệt là thế hệ trẻ”. Nghe thông tin từ ông Nguyễn Cơ Sở (SN 1946, xóm 1, xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Lưu, Nghệ An), Đại úy Nguyễn Hữu Hoành và một nhân viên bảo tàng tức tốc lên đường.

Ông Nguyễn Cơ Sở và chiếc bồ tải gạo ra Điện Biên của cha mình
Ông Nguyễn Cơ Sở và chiếc bồ tải gạo ra Điện Biên của cha mình

“Kỉ vật Điện Biên giờ không nhiều. Các chứng nhân Điện Biên tuổi cao, sức yếu và ngày càng ít đi. Nếu không kịp sưu tầm, lưu giữ thì e sau này thể hệ trẻ chỉ biết đến Điện Biên, đến công lao của các thế hệ đi trước qua ti vi, sách báo… Có hiện vật cụ thể, sống động để trưng bày, giới thiệu, giáo dục thì quý lắm”, Đại úy Hoành nói.

Men theo lối mòn nép bên đường sắt Bắc – Nam, chúng tôi tìm đến nhà ông Sở. Ông đã đặt chiếc bồ của người cha quá cố lên bàn, đợi khách đến để bàn giao. Chiếc bồ được đan bằng giang, miệng bồ thắt bằng sợi mây rừng, lên nước bóng loáng. Phần đáy bồ đã thủng đôi chỗ nhưng vẫn còn khá chắc chắn.

“Chiếc bồ (người Quỳnh Lưu gọi là giai) này do chính tay cha tôi – ông Nguyễn Đình (SN 1920) đan để gánh gạo lên Điện Biên năm xưa. Trước khi mất, ông căn dặn phải giữ chiếc bồ để con cháu đời sau biết được rằng các thế hệ cha ông bằng những vật dụng đơn sơ và lòng quyết tâm đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Các con tôi đã lớn, đều đi làm ăn xa. Vợ chồng tôi đã già, sợ rằng mươi năm nữa không thể bảo quản, giữ gìn kỉ vật của cha mà làm cho nó hư hỏng, thất lạc nên tôi xin tặng Bảo tàng”, ông Sở mở đầu câu chuyện.

Chiếc bồ được đan bằng cật giang, lên nước bóng loáng. Dù vài chỗ đã hư hỏng nhưng chiếc bồ vẫn rất chắc chắn
Chiếc bồ được đan bằng cật giang, lên nước bóng loáng. Dù vài chỗ đã hư hỏng nhưng chiếc bồ vẫn rất chắc chắn
Dụng cụ vận chuyển này đã phát huy hiệu quả, đảm bảo gạo không bị rơi vãi, ẩm mốc trên chặng đường cả nghìn cây số từ Quỳnh Lưu (Nghệ An) qua Lào rồi vòng lên Điện Biên
Dụng cụ vận chuyển này đã phát huy hiệu quả, đảm bảo gạo không bị rơi vãi, ẩm mốc trên chặng đường cả nghìn cây số từ Quỳnh Lưu (Nghệ An) qua Lào rồi vòng lên Điện Biên

Cuối năm 1953, cuộc kháng chiến chống Pháp ở Tây Bắc bước vào giai đoạn quyết định. Tin chiến thắng từ khắp mặt trận liên tiếp dội về. Đồng nghĩa là nhu cầu lương thực, thuốc men, đạn dược cũng lớn hơn.

Người em trai Nguyễn Diên vinh dự có mặt trong đội hình Đại đoàn 308, đánh Pháp ở Điện Biên. Ông Nguyễn Đình lúc đó đã 33 tuổi, cùng 19 nông dân khỏe mạnh của xã Quỳnh Hoa được chọn gánh gạo, muối tiếp tế cho bộ đội “ăn no, đánh thắng”.

Trong cái đói ăn thiếu mặc quay quắt, với một lòng hướng về kháng chiến, hướng về Điện Biên, người dân Quỳnh Hoa đã đóng góp 600kg gạo, 100kg muối cho chiến trường. 20 dân công trong xã có nhiệm vụ đưa lương thực, vượt một chặng đường dài từ Quỳnh Lưu sang Lào rồi tiếp tục hàng trăm cây số đường rừng lên Điện Biên. Số gạo, muối này phải được đảm bảo đưa ra chiến trường một cách nguyên vẹn. Đoàn dân công sẽ tự túc một phần lương thực hoặc được bà con nhân dân trên đường ra Điện Biên tiếp tế hàng ngày.

Sau hơn 60 năm giữ gìn, bảo quản, ông Nguyễn Cơ Sở quyết định tặng chiếc bồ tải gạo của bố mình cho Bảo tàng Quân khu 4 để trưng bày, giới thiệu về một chặng đường gian khổ, hào hùng cũng như những đóng góp của lực lượng dân công đối với thắng lợi lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ
Sau hơn 60 năm giữ gìn, bảo quản, ông Nguyễn Cơ Sở quyết định tặng chiếc bồ tải gạo của bố mình cho Bảo tàng Quân khu 4 để trưng bày, giới thiệu về một chặng đường gian khổ, hào hùng cũng như những đóng góp của lực lượng dân công đối với thắng lợi lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ

Một ngày mùa Đông năm 1953, đoàn dân công xã Quỳnh Hoa lên đường. Với chiếc đòn gánh trên vai, đôi quang gánh, họ bắt đầu “hành trình vạn dặm” của những người nông dân chân đất lên với Điện Biên – chiến trường ác liệt nhất lúc bấy giờ.

Đoàn gánh bộ đến khu vực rừng núi giáp nước bạn Lào, địa hình núi rừng dốc cao đèo sâu buộc phải thay đổi cách thức vận chuyển. Những chiếc bồ đan bằng cật giang (lớp vỏ cứng ngoài cùng của thân cây giang – một loại cây cùng họ với tre) cao khoảng 50cm, miệng rộng 25cm ra đời. Với chiếc dây ngắn buộc trên miệng, chiếc bồ trở thành dụng cụ để vận chuyển gạo. Còn muối được đựng trong những chiếc bi-đông bằng ống tre già.

Chiếc “gióng” mới, ngắn, cơ động nên việc vận chuyển trong địa hình rừng núi thuận tiện, gọn gàng hơn. Đến những đoạn suối sâu, dốc cao, gạo từ bồ được trút ra cái gùi sau lưng để vận chuyển, đảm bảo để gạo, muối không bị rơi vãi, không bị ngấm nước, ẩm mốc. Chiếc đòn gánh trở thành gậy chống, giúp họ vượt qua đoạn đường gian khổ và không kém phần hiểm nguy với 30 cân gạo và 5 cân muối trên vai.

Ở Bảo tàng Quân khu 4, chiếc bồ sẽ được bảo quản tốt hơn, được trưng bày, giới thiệu cho các thế hệ sau, cha tôi nơi chín suối chắc sẽ an lòng”.
"Ở Bảo tàng Quân khu 4, chiếc bồ sẽ được bảo quản tốt hơn, được trưng bày, giới thiệu cho các thế hệ sau, cha tôi nơi chín suối chắc sẽ an lòng”.

Cứ như thế, “đôi chân vạn dặm” của những người nông dân xứ Nghệ sau nhiều tháng trời vượt rừng cao, vực sâu, thác hiểm đã đưa những hạt gạo nghĩa tình, những hạt muối mặn mòi của người dân xứ Quỳnh lên Điện Biên, góp phần cùng bộ đội “ăn no, đánh thắng”. Hoàn thành nhiệm vụ tải lương, ông Nguyễn Đình ở lại Điện Biên phục vụ kháng chiến cho đến ngày chiến dịch toàn thắng.

Trong niềm vui của người dân một nước tự do, độc lập, ông cùng đoàn người xuôi về đồng bằng, kết thúc 6 tháng phục vụ chiến dịch, không quên mang theo chiếc bồ theo ông đi tải gạo. Năm 1966, ông Nguyễn Đình qua đời, vẫn đau đáu lời dặn dò “nợ nước phải trả”.

Tiếp bước cha, ông Nguyễn Cơ Sở tham gia Đoàn 559, trở thành người lính vận chuyển lương thực, khí tài ra chiến trường đánh Mỹ cứu nước. Đất nước thống nhất, chưa kịp nghỉ ngơi, ông lại được điều động chở pháo ra tăng cường cho mặt trận biên giới phía Bắc. Chỉ khác rằng, ông không còn đi bộ như cha ông mình mấy mươi năm về trước mà được đào tạo bài bản thành người lính lái xe.

Thay mặt Bảo tàng Quân khu 4, Đại úy Nguyễn Hữu Hoành trao bức thư cảm ơn của Bộ Tư lệnh Quân khu 4, ghi nhận sự đóng góp của ông Nguyễn Cơ Sở
Thay mặt Bảo tàng Quân khu 4, Đại úy Nguyễn Hữu Hoành trao bức thư cảm ơn của Bộ Tư lệnh Quân khu 4, ghi nhận sự đóng góp của ông Nguyễn Cơ Sở

Theo di nguyện của bố, chiếc bồ năm xưa cụ Nguyễn Đình tải gạo lên Điện Biên vẫn được gia đình ông Sở gìn giữ cho đến hôm nay. Nay ông quyết định giao nó lại cho Bảo tàng Quân khu 4, bởi “giữ lại chỉ mỗi gia đình, dòng họ tôi biết. Trao lại cho bảo tàng thì cả tỉnh, cả nước biết đến một thời gian khổ, hào hùng của dân tộc. Chiếc bồ sẽ được bảo quản tốt hơn, được trưng bày, giới thiệu cho các thế hệ sau, cha tôi nơi chín suối chắc sẽ an lòng”.

Trong chiến dịch Đông – Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, để bộ đội ở ngoài mặt trận “ăn no, đánh thắng”, Nghệ An đã huy động cho Kho Dự trữ quốc gia 4.631 tấn thóc, trong đó một nửa sản lượng là do nhân dân hai huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu đóng góp. 400 lò rèn ở Diễn Châu, Nghi Lộc đã đỏ lửa suốt ngày đêm, cung cấp cho mặt trận Điện Biên Phủ 10.000 lưỡi xẻng, 5.000 lưỡi cuốc… để phục vụ bộ đội đào hào, xây dựng công sự chiến đấu...

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm