Câu chuyện sau cánh cửa trại giam với phạm nhân "không ăn trộm là khó chịu"
(Dân trí) - Để phạm nhân ổn định tư tưởng, yên tâm cải tạo cán bộ quản giáo phải kiên trì giáo dục, tìm hiểu tâm lý của từng người để có biện pháp uốn nắn phù hợp.
Trại giam Yên Hạ (Bộ Công an) được thành lập ngày 12/11/1964 trên địa bàn huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.
Trong suốt 59 năm qua, cán bộ, chiến sĩ Trại giam Yên Hạ đã cố gắng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao và vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công Hạng Nhì, Ba cùng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều năm liền đơn vị được công nhận là Đơn vị Quyết thắng và nhiều cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương. Hiện Trại giam Yên Hạ đang quản lý khoảng trên 3.000 phạm nhân, trong đó có nhiều phạm nhân mang án chung thân.
Trung tá Nguyễn Chí An, Đội trưởng Đội giáo dục Trại giam Yên Hạ chia sẻ, đa phần các phạm nhân mang án chung thân khi mới vào trại tâm lý bị sốc vì án dài.
Khi phạm nhân vào trại các cán bộ quản giáo phải giải thích để phạm nhân hiểu về mức án chung thân và ngày trở về.
"Thực sự mà nói đến bây giờ nhiều người ngoài xã hội vẫn chưa hiểu án chung thân sau khi giảm án sẽ như thế nào.
Căn cứ vào những quy định của pháp luật chúng tôi sẽ hướng dẫn một cách cụ thể cho phạm nhân. Khi phạm nhân hiểu được sẽ thay đổi dần nhận thức. Đối với các phạm nhân mang án chung thân đã chấp hành án được khoảng 7-10 năm thì họ nắm rõ các quy định của pháp luật ảnh hưởng đến bản thân như thế nào nên chấp hành án rất tốt", Trung tá An chia sẻ.
Theo Trung tá An, một số phạm nhân mang án chung thân khi mới vào trại tỏ ra "bất cần", chỉ cần va chạm nhỏ sẵn sàng có hành động bột phát.
Đối với những phạm nhân này, Ban giám thị, cán bộ quản giáo phải có quy trình giáo dục riêng, nắm bắt tâm lý, tư tưởng, tìm được các yếu tố tác động từ gia đình, bạn bè đến với phạm nhân để họ thay đổi nhận thức, yên tâm cải tạo
"Quan trọng nhất phải tìm được điều đột phá thay đổi nhận thức của phạm nhân. Thay đổi nhận thức của phạm nhân rất khó và điều này có thể từ gia đình, bạn bè bởi mỗi người một hoàn cảnh không ai giống ai", Trung tá An nói.
Trung tá An nhận định, khâu khó nhất để phạm nhân yên tâm cải tạo, chấp hành tốt các nội quy là thay đổi tư tưởng, nhận thức.
Trong 28 năm công tác tại Trại giam Yên Hạ, Trung tá Nguyễn Chí An đã giáo dục tư tưởng, thay đổi nhận thức cho rất nhiều phạm nhân để họ yên tâm cải tạo và khi trở về thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Trong đó, phạm nhân Nguyễn Thái Học (quê Yên Bái) vào trại vì tội trộm cắp tài sản. Học là một trong những phạm nhân mà các cán bộ quản giáo phải mất nhiều thời gian để giáo dục tư tưởng, thay đổi nhận thức.
Theo lời kể của Trung tá An, trước khi vào Trại giam Yên Hạ Học đã từng có 5 tiền án và phạm nhân này khi ở ngoài xã hội hầu như ngày nào cũng đi trộm cắp.
"Ngày nào phạm nhân không ăn cắp được gì thì cảm thấy rất khó chịu, gần như nó thành một bản năng.
Sau đó, chúng tôi phải cho phạm nhân vào tổ máy để cải tạo và quản lý ở mức độ không để một chút sơ hở nào. Dần dần phạm nhân chấp hành tốt, không vi phạm nội quy của trại giam. Sau 5 năm cải tạo phạm nhân ra tù và không vi phạm", Trung tá An kể.
Trung tá Đỗ Duy Nam có 25 năm công tác tại Trại giam Yên Hạ cho biết, hiện tại hầu hết các phạm nhân tại trại đều yên tâm cải tạo, bởi khi mới vào trại họ được cán bộ quản giáo gặp gỡ, giáo dục, tạo điều kiện cho lao động, cải tạo, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước.
Đối với các phạm nhân có tư tưởng cực đoan, các cán bộ quản giáo gặp gỡ, giáo dục riêng, tác động tư tưởng để phạm nhân nhận thức rõ lỗi lầm, hành vi vi phạm của mình để hoàn lương.