Câu chuyện cổ tích về người đàn ông độc thân
(Dân trí) - Ở nơi hoang vu miền sơn cước trên tận cùng đỉnh núi Cấm (An Giang) có 12 đứa trẻ đang lớn lên từng ngày trong tình yêu thương, đùm bọc của một người đàn ông độc thân. Người đàn ông ấy không có công sinh thành, nhưng với trái tim nhân hậu của mình, anh đã đem lại niềm hạnh phúc cho 12 mảnh đời bất hạnh.
Để đến được nhà anh Nguyễn Tấn Bông trên đỉnh núi Cấm, người xe ôm phải chạy len lỏi giữa những lối mòn rất nhỏ, chỉ vừa đủ cho xe hai bánh lách qua. Đường dốc, đá hộc nằm ngổn ngang trên lối mòn; người lái xe chỉ lỏng tay một chút là có thể lao ngay xuống vực thẳm. Đến cách nhà anh chừng hơn một cây số thì chúng tôi đành phải xuống đi bộ vì đường quá dốc và trơn trượt.
Con đường nhọc nhằn và nguy hiểm ấy, ngày nào anh Nguyễn Tấn Bông cũng đi qua ít nhất 2 bận, để đi mua đồ ăn thức ăn uống cho 12 đứa con nhỏ.
Ngôi nhà mái tôn rộng, đơn sơ nhưng đầm ấm của anh nằm giữa tiếng gió rít, tiếng mưa ngàn, heo heo chút se lạnh. Ba đứa trẻ đang chơi ở sân, nhìn thấy người lạ vội chạy ra chào khách. Đứa khác nói vọng từ trong nhà: “Cha ơi nhà mình có khách”. Những đứa trẻ ngoan ngoãn và đáng yêu đó đều là trẻ mồ côi, được anh Bông nhận về nuôi dưỡng.
Anh Bông trạc tuổi 40, dáng người cao gầy, từ trong nhà bước ra, trên tay ẵm một đứa trẻ. Anh bắt đầu kể về câu chuyện đời mình, mà càng nghe càng thấy như chuyện cổ tích.
Năm 2001, anh và mẹ (bà Nguyễn Thị Ba) đi nuôi em gái sinh con ở Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ. Tại đây họ chứng kiến một hoàn cảnh rất đáng thương: Một người phụ nữ sắp sinh con, tay ôm bụng ngồi khóc trên ghế bệnh viện; không một người thân, không một đồng xu dính túi. Anh và mẹ anh đã lo thuốc thang, viện phí cho sản phụ này. Đứa trẻ ra đời, người sản phụ trao đứa con mới lọt lòng cho mẹ con anh Bông, nhờ mang về nuôi dưỡng. Cậu bé ấy có tên khai sinh là Nguyễn Sơn Ngọc.
Liên tiếp sau Sơn Ngọc là Sơn Thanh, Sơn Hải,… rồi cuối cùng là cậu bé Sơn Nhã. Đứa trẻ nào cũng mang một hoàn cảnh éo le: Cha mẹ nghèo không có khả năng nuôi con, con ngoài giá thú, bị hắt hủi,… Tất cả đều được mẹ con anh nhận về nuôi nấng, dạy bảo, xem như những đứa cháu ruột của mình.
Anh kể: “Lúc đầu tui chỉ định nhận nuôi một, hai đứa cho có cha có con, có bà có cháu. Nhưng vài ba tháng ghé qua bệnh viện lại gặp một nghịch cảnh không thể làm ngơ. Thằng Sơn Ngọc ngày càng có một đàn em đông đúc”.
Cả 12 đứa trẻ đều nhất mực gọi anh Bông là cha, gọi bà Ba, mẹ anh Bông, bằng bà nội. Chúng đều mang họ Nguyễn của anh. Để nuôi được đàn con đông đúc này, anh Bông phải khai hoang mở đất trồng rừng, gom góp củ măng, trái chuối. Khó khăn kể ra thì nhiều lắm, vì hầu hết trẻ khi đến tay anh đều còn đỏ hỏn, thèm hơi sữa mẹ. Những khi trái gió trở trời, mấy đứa cùng ốm, “bệnh viện thì xa, trạm xá không có, tui phải đi bộ xuống núi, sau đó đạp xe muời mấy cây số mới mua được thuốc cho con” - anh tâm sự.
Anh bảo, cứ vài ba ngày anh lại xuống núi mua thuốc, mua sữa và mua tã lót cho các con. Anh cương quyết: “Dù khó khăn cỡ nào tui cũng cho chúng học hành đến nơi đến chốn. Sáng nay tui vừa gửi 3 đứa xuống huyện học mẫu giáo rồi”.
Đoạn đường từ núi Cấm về nhà, trong đầu tôi luôn nghĩ tới bầy trẻ, đứa chơi bi trước sân nhà, đứa đang ngoan ngoãn trong vòng tay cha, đứa khóc mếu máo trong nôi đòi sữa. Quang cảnh đầm ấm và rộn ràng ấy của cha con anh Bông đã xua tan cái lạnh lẽo của núi rừng.
Phạm Tâm