1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Bình:

Câu chuyện bắn hạ chiếc máy bay thứ 3.000 trên toàn miền Bắc

(Dân trí) - Khoảng 7h tối, máy bay Mỹ bắt đầu hạ độ cao xuống ném bom. Chỉ với 3 khẩu súng 12 ly 7, ông Đinh Văn Minh (SN 1944, xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) đã chỉ huy đơn vị bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.000 trên toàn miền Bắc.

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt chống đế quốc Mỹ xâm lược, ông Đinh Văn Minh không bao giờ quên ngày ông trực tiếp chỉ huy phân đội 12 ly 7 bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 3.000 trên toàn miền Bắc; được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi, trao tặng cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Trong những năm 1965 - 1968, cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc của đế quốc Mỹ vào giai đoạn ác liệt nhất và Quảng Bình là một trong những điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Ngày ấy, với ý đồ làm cản trở, phá hủy đường hành quân và đường vận chuyển vũ khí, đạn dược của bộ đội ta để vào chi viện cho miền Nam, dọc theo tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, đường 15, đường 20 Quyết Thắng,… gần như ngày nào cũng hứng chịu hàng trăm làn mưa bom bão đạn.

 

Nơi đây từng là trận địa bắn phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ.

Nơi đây từng là trận địa bắn phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ.

Vào một ngày cuối tháng 6/1968, lúc đó trời đã sẩm tối, 2 chiếc máy bay F4H bắt đầu bay thấp xuống rải bom để phá hủy tuyến giao thông quan trọng tại Ngã ba Trung Hóa (xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) và đánh phá các căn cứ xung quanh của quân ta.

Sau một loạt bom nổ sáng cả bầu trời, bằng kinh nghiệm và sự phán đoán tài tình, ông Đinh Văn Minh, Chỉ huy trưởng trực tiếp chỉ huy phân đội 12 ly 7 nhận định: “Khi nó sà xuống thì bị bộ đội địa phương bắn chống trả quyết liệt nên buộc nó phải bay ra khỏi trận địa. Nhưng chắc chắn máy bay Mỹ sẽ tiếp tục quay lại để ném hết bom chứ nó chưa chịu bay đi đâu nên tôi yêu cầu toàn phân đội phải luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, không được lơ là”.

“Lúc đó, khoảng hơn 7 giờ tối, máy bay bắt đầu gầm rú inh ỏi trên bầu trời huyện Minh Hóa. Tiếp đó là tiếng bom đạn chận động cả một vùng. Tôi nhận định chiếc máy bay sẽ tiếp tục quay lại nên tôi chỉ huy phân đội tất cả đã vào vị trí chiến đấu, đợi hiệu lệnh. Với quyết tâm hạ bằng được không để máy bay tiếp tục hoành hành nữa. Khi chiếc máy bay đã bổ nhào xuống trận địa tôi bắt đầu ra hiệu lệnh “bắn”, một loạt đạn liên hồi từ 3 khẩu 12 ly 7 thì chiếc máy bay F4H của Mỹ đã bốc cháy và rơi cách đó gần 8 km, thiêu sống 2 tên giặc lái”, ông Minh bồi hồi nhớ lại.

 

Huân chương kháng chiến của Đại úy Đinh Văn Minh vì đã có thanh tích cao trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Huân chương kháng chiến của Đại úy Đinh Văn Minh vì đã có thanh tích cao trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sau chiến công vẻ vang đó, lực lượng bộ đội địa phương huyện Minh Hoá đã được Bác Hồ tặng Cờ thưởng “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, được Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tặng cờ xuất sắc.

Cũng trong thời gian đó, để kịp thời động viên đơn vị nói riêng, quân dân Quảng Bình nói chung, Bác Hồ cũng đã gửi thư khen ngợi. Bác viết: “Tôi đặc biệt khen ngợi quân và dân Quảng Bình đã đánh giỏi, hạ chiếc máy bay thứ 3.000 và gửi tặng đơn vị X một lá cờ danh dự. Giặc Mỹ đã thua to. Nhưng chúng vẫn chưa từ bỏ tội ác chiến tranh xâm lược miền Nam, phá hoại miền Bắc. Toàn thể đồng bào, chiến sĩ và cán bộ cả nước, chớ vì thắng lợi mà chủ quan. Phải luôn luôn cảnh giác, đoàn kết chặt chẽ, ra sức chiến đấu mạnh, sản xuất tốt, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, quyết đánh cho giặc Mỹ thất bại đến cùng. Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.

 

Ông Minh với cuộc sống giản dị, hạnh phúc bên gia đình.

Ông Minh với cuộc sống giản dị, hạnh phúc bên gia đình.

Giờ đây, hòa bình lập lại trên hai miền Nam Bắc, nhưng Đại tá Đinh Văn Minh vẫn không thể nào quên được những năm tháng chiến tranh ác liệt đó. Nhớ lời Bác đã căn dặn, trong suốt cuộc đời, dù trong những năm tháng chiến tranh ác liệt thì ông vẫn luôn là người chỉ huy dũng cảm, kiên cường, quyết tâm cùng đơn vị bám trận địa để chiến đấu. Khi hòa bình thống nhất, dù ở cương vị công tác là Trợ lý quân lực Tỉnh đội hay Chỉ huy phó, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện Minh Hóa, ông Minh cũng luôn tỏ rõ là người cán bộ mẫu mực.

Có lẽ điều mà ông tự hào nhất trong suốt cả cuộc đời mình là trực tiếp Chỉ huy phân đội bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.000 trên toàn miền Bắc. Giờ đây, cũng đã ở cái ngoài 70, nhưng ông Đinh Văn Minh nhưng lúc nào ông cũng căn dặn con cháu phải đoàn kết và ghi nhớ công ơn của những người đã không tiếc xương máu của bản thân, hy sinh vì độc lập của dân tộc, của đất nước.

Văn Lịnh – Đặng Tài

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm