1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nghệ An:

Cầu bị cuốn trôi do thuỷ điện buộc phải xả lũ kỷ lục

(Dân trí) - Khi lượng nước đổ vào hồ chứa đạt kỷ lục gần 4.300m3/s, Thủy điện Bản Vẽ phải tăng dần lưu lượng xả xuống hạ du và chuyển dần từ chế độ vận hành cắt giảm lũ cho hạ du sang chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình. Đợt xả lũ này khiến hàng trăm hộ dân bị ngập nặng, cầu Bản Vẽ bị cuốn trôi hai nhịp và trụ cầu.

Theo báo cáo của Công ty Thủy điện Bản Vẽ, từ ngày 29/8 đến ngày 30/8, trên lưu vực thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương, Nghệ An) có mưa to đến rất to, từ 50-100 mm. Trước đó, lưu vực thủy điện Bản Vẽ đã phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 4 gây lũ lớn nên khi xảy ra đợt mưa lớn cộng với nước lũ lớn đổ từ Lào qua sông Nậm Mộ và Nậm Nơn, lũ trên các sông suối tăng nhanh đột biến.

Thủy điện xả lũ để đảm bảo an toàn cho công trình (ảnh P.H)
Thủy điện xả lũ để đảm bảo an toàn cho công trình (ảnh P.H)

Lưu lượng lũ về hồ tăng nhanh từ 930 m3/s (lúc 16h30 ngày 29/8/2018) lên 4.010 m3/s (lúc 22h30 ngày 30/8/2018). Sau khi đạt đỉnh, lũ xuống chậm và sau đó tăng trở lại với đỉnh lũ mới là 4.260 m3/s (lúc 10h ngày 31/8/2018). Do đó lưu lượng nước xả qua công trình thủy điện Bản Vẽ rất lớn.

Trước tình hình này, hồ chứa thủy điện Bản Vẽ tăng dần lưu lượng xả xuống hạ du và chuyển dần từ chế độ vận hành cắt giảm lũ cho hạ du sang chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình. Sau gần 2 tiếng, từ 9h30 - 11h15 ngày 31/8, thủy điện Bản Vẽ duy trì mức xả lũ cao kỷ lục là 4.263 m3/s, bằng với lưu lượng nước đổ về hồ chứa.

Cầu Bản Vẽ bị nước lũ cuốn sập, trôi 2 nhịp (ảnh L.Linh)
Cầu Bản Vẽ bị nước lũ cuốn sập, trôi 2 nhịp (ảnh L.Linh)

Việc xả lũ hồ thủy điện Bản Vẽ đã được tỉnh Nghệ An cho phép và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật đã được ban hành. Tuy nhiên, lượng nước lớn được xả trong thời gian ngắn đã khiến khu vực phía dưới nhà máy ngập lụt nghiêm trọng. Dòng nước lũ cuồn cuộn đổ xuống đã đánh sập trụ giữa và 2 nhịp cầu Bản Vẽ. Đây là cây cầu bắc qua sông Nậm Nơn, dẫn lên đập thủy điện Bản Vẽ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, đợt lũ trong ngày 31/8 và 1/9 vừa qua đã khiến 239 nhà dân ở huyện Tương Dương bị thiệt hại, trong đó 5 nhà bị sập, 10 nhà bị cuốn trôi, 37 nhà phải di dời khẩn cấp, 185 nhà bị ngập.

Đợt mưa lũ này cũng khiến mái đá gia cố dưới cao trình 92m của thủy điện Bản Vẽ bị xói, bóc sâu, hư hỏng gần như hoàn toàn; mái bê tông gia cố bờ phải bị xói, sập khoảng 120m; mái đất tự nhiên bờ phải bị sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ sạt tiếp vào nền đường vận hành N3, N4.

Tháo dỡ nhà, sơ tán tài sản của người dân khi lượng nước đổ về do Thủy điện Bản Vẽ xả lũ tăng đột biến (ảnh Đ.Tỷ)
Tháo dỡ nhà, sơ tán tài sản của người dân khi lượng nước đổ về do Thủy điện Bản Vẽ xả lũ tăng đột biến (ảnh Đ.Tỷ)

“Công ty đã gửi công văn số 448/TĐBV-P4 lúc 21h30 ngày 30/8, thông báo việc đảm bảo an toàn vùng hạ du khi nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả lũ khẩn cấp đến các đơn vị liên quan. Trong quá trình vận hành hồ chứa, Công ty Thủy điện Bản Vẽ tuân thủ đúng quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực Sông Cả do Thủ Tướng phê duyệt và quy trình vận hành hồ chứa do Bộ Công Thương phê duyệt và các quy định liên quan, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đập”, thông cáo báo chí của Công ty Thủy điện Bản Vẽ nêu rõ.

Vĩnh Khang