“Cậu bé da cam” và ngôi nhà mơ ước
(Dân trí) - Đã tròn 18 tuổi nhưng gia đình và hàng xóm vẫn gọi Tô Văn Dũng là cậu bé. Chất độc dioxin khiến tư duy cũng như thân hình của Dũng không bằng người thường, nhưng ở “cậu bé da cam” ấy luôn cháy bỏng một ước mơ thánh thiện và giản dị.
Số phận bất hạnh
Dũng sinh năm 1990 ở làng Sơn Du, xã Nguyên Khê, ngoại thị Đông Anh, Hà Nội. Từ nhỏ, em đã phải chịu những thiệt thòi so với bè bạn cùng lứa. Sinh ra được mấy tháng thì bố mẹ phát hiện em không thể cứng cổ được, người cứ mềm oặt đi như không có xương sống. Kết luận của bác sĩ khiến cả gia đình Dũng choáng váng, bất ngờ: em bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam.
Ông ngoại Dũng ngày trước có tham gia chiến đấu chống Mỹ, có mặt cả trong những trận đánh ác liệt như trận Khe Sanh. Sau này xuất ngũ, ông về dạy học rồi chuyển lên làm ở Bộ Giáo dục. Đến khi nghỉ hưu vẫn không thấy có dấu hiệu gì của hậu họa chiến tranh. Mẹ Dũng và các anh chị em khác bên ngoại đều hoàn toàn bình thường. Và đến Dũng, di chứng chiến tranh mới bộc phát.
“Đứa con đầu lòng bị như thế, hai vợ chồng tôi mất ăn mất ngủ bao đêm. Người ta bảo nó bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam thì không có thuốc nào chữa trị được, chúng tôi đau lòng lắm. Cả nhà bàn tính đưa nó đi châm cứu, mong cứu vớt được phần nào. Nhưng nó cũng chỉ đỡ hơn một chút, cổ nó vẫn không thể cứng thẳng được, lúc nào cũng ngoẹo sang một bên. Chân tay thì co quắp, không thể duỗi thẳng ra. Đôi tay quặt hẳn về phía sau, không thể cầm nắm thứ gì” - anh Tô Văn Dưỡng, bố của Dũng đau đớn nói.
Đầu năm 2007, Hội nạn nhân chất độc da cam Pháp đã tiến hành phẫu thuật chỉnh hình tay cho em. Đôi tay đã hướng một chút về phía trước nhưng vẫn hoàn toàn vô dụng. Chỉ có đôi chân là cử động, đi lại được. Thân hình em lòng khòng, tội nghiệp, đi lại rất vất vả.
Vượt lên chính mình
Bây giờ, mọi sinh hoạt cá nhân của Dũng đều phải có người làm giúp. Nhưng em luôn cố gắng tự làm rất nhiều việc. Đôi tay không cử động được thì còn đôi chân. Chính đôi chân co quắp ấy đã làm được nhiều việc ngoài sức tưởng tượng của cả gia đình, họ hàng.
Bình thường, Dũng vẫn tự mình gấp quần áo rồi cho vào tủ. Hàng ngày, bố mẹ đi làm, chỉ còn hai anh em ở nhà trông nhau, Dũng luôn phải lo cho thằng em mải chơi, dùng đôi chân tật nguyền để dọn dẹp nhà cửa.
Thậm chí, Dũng còn có thể sửa chữa những đồ vật trong nhà bị hỏng hóc lặt vặt, biết đánh đàn bằng những ngón chân co quắp, theo những điệu nhạc mà em tự nghe, tự nhớ.
Không được đi học, Dũng quyết tự học chữ ở nhà. Thấy em tập viết, Dũng cũng kẹp bút vào giữa hai ngón chân, nguệch ngoạc viết theo. Cậu rất kiên trì dù chỉ tập một lúc là chân lại bị chuột rút, mỏi nhừ, đau đớn.
Những cố gắng kiên trì không mệt mỏi ấy của cậu bé tật nguyền khiến ai ai cũng cảm động và khâm phục!
Mơ về một ngôi nhà hạnh phúc
Đáng khâm phục nhất chính là việc Dũng tự mày mò học vi tính mà không cần ai chỉ dạy. Máy tính của bố để cạnh giường, Dũng tò mò nghịch rồi thành thạo lúc nào không hay. Với những chữ cái học được, Dũng giờ đã có thể soạn thảo văn bản trên máy vi tính, đặt mật khẩu trên máy để ngăn cậu em ham chơi điện tử.
Ước mơ của Dũng.
Và Dũng đam mê vẽ. Cậu có thể say sưa cả ngày bên chiếc máy tính, vẽ nhà cửa, cây cối, sân vườn, một ngôi nhà đúng như mơ ước của cậu. Dũng mở thư mục riêng của mình ra cho chúng tôi xem, có đến hàng trăm file chứa những ngôi nhà, những hình người lớn nhỏ khác nhau, các con vật, cây cối, dụng cụ gia đình… Mỗi hình vẽ đều được Dũng đặt những cái tên riêng, hình này là “bố”, hình kia kà “mẹ”,…
“Không ai dạy nó mà là nó tự học đấy. Ban đầu tôi nghĩ là nó cũng chỉ nghịch thôi, không ngờ nó lại làm được nhiều thứ như vậy. Nó không bao giờ chơi điện tử cả, chỉ hí hoáy vẽ thôi”, bố Dũng tự hào nói về cậu con trai thiệt thòi.
Không thể nói, Dũng gật gật đầu, giãi bày rằng những hình vẽ đó đều thể hiện mơ ước của em, khát khao về một mái ấm gia đình hạnh phúc, bình yên, nơi bố mẹ và người thân không phải lo lắng cho bệnh tật và thiệt thòi của em…
Bài và ảnh: Cường Nguyên