Tàu chở cát trọng tải lớn tấp nập đi về trên sông Hậu
Thi nhau đào xới
Theo thống kê của Sở TN-MT TP Cần Thơ, thành phố hiện có 10 mỏ cát với trữ lượng trên 25 triệu m3. Có 16 doanh nghiệp được cấp phép khai thác với 25 giấy phép, trong đó có 1 giấy phép thăm dò. Tổng diện tích cho phép khai thác là gần 560 ha.Tổng số phương tiện được phép khai thác là 31 phương tiện. Tuy nhiên, toàn tuyến sông Hậu hiện có hàng trăm phương tiện khai thác, vận chuyển cát lậu hoạt động ngày đêm. Hàng trăm chiếc cần cẩu hạng nặng nối đuôi nhau xả khói đen kịt trên một đoạn sông dài hàng chục cây số, tiếng động cơ kêu rít liên hồi. Những chiếc xà lan hàng ngàn tấn nêm chặt cát trôi dập dềnh trên sông Hậu, hướng về mọi ngả.
Sông Hậu từ gần bến phà kéo dài cho đến tận cù lao Tân Lộc, giáp ranh với Đồng Tháp thật sự là một đại công trường. Những chiếc xà lan mang biển kiểm sát của các tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang hay thậm chí là Đà Nẵng, Hải Dương... Lại có cả tàu quốc tế như Singapore, Malaysia, Indonesia neo đậu túc trực để chờ ăn cát.
Thượng tá Lê Thanh Sơn, Phòng CSGT đường thủy, Công an TP Cần Thơ cho biết: Chỉ tính riêng tỉnh Hải Dương đã có đến 85 thuyền trọng tải từ 400-1.500 tấn thường xuyên túc trực tại sông Hậu. Riêng tàu trọng tải lớn của Singapore mỗi ngày có ít nhất 20 chiếc rời sông Hậu. Những chiếc xà lan như chìm hẳn, bên trên là những núi cát khổng lồ. “Vì chính phủ Campuchia cấm khai thác cát khiến nguồn cát xây dựng khan hiếm ở nhiều nơi dẫn đến việc các phương tiện ồ ạt đổ về sông Hậu thay nhau đào xới” - ông Sơn cho biết. Hàng ngày tại khu vực sông Hậu giáp tỉnh Đồng Tháp và giáp tỉnh Vĩnh Long có trên 50 cần cẩu và hàng trăm xà lan vận chuyển có trọng tải lớn ngày đêm hoạt động hết công suất. Ban đêm đèn công suất lớn được thắp nối đuôi nhau khiến sông Hậu thành một đại công trường sáng trưng dài hàng chục cây số. Từ tháng 5/2009 đến nay, thống kê cho thấy có thêm trên 300 phương tiện khai thác, vận chuyển cát có trọng tải lớn quần tụ tại sông Hậu.
Theo Sở TN-MT Cần Thơ, việc khai thác cát ồ ạt có nguy cơ ảnh hưởng đến dòng chảy và gây sạt lở ở các cù lao trên sông như: cù lao Tân Lộc, Cồn Khương, Cồn Sơn… đe dọa cuộc sống của hàng ngàn hộ dân hai bên bờ sông. Một hộ dân ở Cồn Sơn bức xúc: “Họ đào xới kiểu này không sạt lở mới là lạ. Dân ở các cù lao mất ăn mất ngủ vì vấn nạn này”. Ông này khẳng định nhiều hộ dân các cù lao đã mất đất mất nhà, nay tình trạng sạt lở ngày càng gia tăng nghiêm trọng vì vấn nạn cát tặc.
Quản không nổi
Ngày 8/7, UBND TP Cần Thơ triệu tập một cuộc họp cùng các sở ngành chấn chỉnh việc khai thác cát trên sông Hâu. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn yêu cầu nghiêm khắc chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trên sông Hậu. Sở TN-MT phải tạm ngưng cấp phép, khảo sát lại trữ lượng cát sông Hậu; đồng thời phải rà soát lại các giấy phép khai thác đã cấp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và báo cáo UBND. |
Theo Phòng CSGT đường thủy, Công an TP Cần Thơ, lợi nhuận từ việc khai thác cát lớn khiến nạn cát tặc ngày càng khó quản lý và phức tạp. Các phương tiện thường tập trung ở các khu vực giáp ranh với Vĩnh Long, Đồng Tháp; khi có lực lượng kiểm tra đến thì lập tức lánh sang tỉnh khác, khi lực lượng kiểm tra đi khỏi lại kéo nhau ra sông Hậu quần thảo. Việc giao dịch, mua bán cát diễn ra công khai trên bờ dưới nước. Chỉ trong tháng 6/2009, công an quận Thốt Nốt đã kiểm tra phát hiện 38 phương tiện khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, con số này không thấm tháp gì so với số lượng phương tiện đang ngày đêm vận hành.
Sở TN-MT TP Cần Thơ thừa nhận: Trong số 16 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, chỉ có 7 doanh nghiệp hoạt động thật sự. Còn hàng trăm phương tiện tập trung trên sông Hậu chủ yếu là khai thác lậu. Chuyện mua đi bán lại giấy phép tràn lan, không thể quản lý. Sở là đơn vị cấp phép, tuy nhiên các doanh nghiệp khai thác cát như thế nào và trữ lượng bao nhiêu thì Sở không nắm được.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở cho biết: Hoạt động khai thác cát và khoáng sản nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Các tàu thuyền khai thác rất tinh vi và chủ tàu thường không hợp tác với cơ quan chức năng. Khi có lực lượng kiểm tra, các chủ xà lan bỏ phương tiện giữa sông rồi đi xuồng nhỏ vào bờ. Sở ngành và lực lượng công an không có bến bãi để giữ phương tiện nên đành bỏ mặc. Lúc này, chủ phương tiện quay lại tiếp tục khai thác.
Bên cạnh đó, do không có kinh phí nên việc kiểm tra thường được tiến hành chậm, không hiệu quả. Mỗi lần kiểm tra, phải mượn tàu cao tốc của cảnh sát đường thủy, nhưng lại không có tiền… đổ xăng. Cũng theo ông Hồng, cả sở chỉ có 2 cán bộ thanh tra phụ trách ở nhiều lĩnh vực môi trường, khoáng sản… nên việc quản lý hoạt động khai thác cát trên sông Hậu gần như không thể tiến hành được.
Nhật Trường