1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh Hóa:

“Cát tặc” lộng hành với nhiều thủ đoạn tinh vi

(Dân trí) - Ngang nhiên hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi, táo tợn, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng, nạn khai thác cát trái phép trên sông Lạch Trường đã và đang gây thiệt hại nghiêm trọng về sản xuất và đe dọa trực tiếp đến đời sống của người dân.

Có mặt tại khu vực sản xuất rau màu dọc sông Lạch Trường (một nhánh sông đào nối ra sông Mã, chạy dọc trên địa bàn giáp ranh giữa xã Hoằng Lý và phường Tào Xuyên) của gia đình ông Tào Phi Hùng (thôn 4, xã Hoằng Lý), đập vào mắt chúng tôi là những mảng sạt lở lớn khoét sâu vào diện tích đất màu, có chiều cao từ 3 đến 4m, chiều dài hàng chục mét.

Ông Hùng cho biết, gia đình ông có 1,5 ha đất sản xuất rau màu sát bờ sông Lạch Trường. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn 1 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở do hoạt động khai thác cát trái phép đã kéo gần 90% số diện tích này xuống sông. Không chỉ có nhà ông Hùng, trên địa bàn xã còn có hàng chục hộ khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Hàng chục nghìn m2 đất của bà con nhân dân bị nạn cát tặc làm biến mất
Hàng chục nghìn m2 đất của bà con nhân dân bị nạn cát tặc làm biến mất

Tình trạng sạt lở trên còn xảy ra ở nhiều thôn trên địa bàn xã Hoằng Lý với chiều dài cả cây số, trong đó nặng nhất là thôn 7 với tổng số diện tích đất màu bị “biến mất” trên 20.000m2, các đoạn sạt lở dài hàng trăm mét. Tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn xã có 30.000m2 đất màu đã bị “kéo xuống sông”. Thiệt hại cho người dân địa phương là rất nghiêm trọng.

Cũng theo báo cáo của xã Hoằng Lý, tình trạng sạt lở còn ăn sâu cả trăm mét vào khu vực dân cư, có nhiều điểm chỉ còn cách đường bê tông liên thôn vài chục mét.

Theo phản ánh của người dân, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lạch Trường diễn ra rất phức tạp nhiều năm nay. Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng việc thực hiện dự án nạo vét sông Lạch Trường, đoạn từ đầu cầu Tào Xuyên đến cửa Lạch Sung, ngang nhiên đưa tàu tới hút cát. Trước tình hình trên, UBND xã Hoằng Lý liên tục bố trí lực lượng, tổ chức mật phục, bắt quả tang nhiều vụ, kiến nghị xử lý nhiều tàu khai thác trái phép, song tình trạng này không hề thuyên giảm mà tiếp tục gia tăng, đặc biệt là từ năm 2016 đến nay. Do không có phương tiện (thuyền máy, ca nô) và thiếu nhân lực nên việc bắt giữ các tàu hút trộm cát gặp rất nhiều khó khăn.

Hai chiếc tàu hút cát trái phép bị bắt vào ngày 8/5 vừa qua tại xã Hoằng Lý
Hai chiếc tàu hút cát trái phép bị bắt vào ngày 8/5 vừa qua tại xã Hoằng Lý

Điều đáng lo ngại nhất là các đối tượng khai thác cát trái phép sẵn sàng chống đối cơ quan chức năng. Vụ việc vào ngày 8/5 vừa qua là minh chứng. Sau khi bị phát hiện, 2 trong số 4 tàu hút cát trộm đã bỏ chạy. Hai tàu còn lại bị lực lượng chức năng bắt giữ, tuy nhiên chủ tàu đã có hành vi chống đối, cố thủ trên tàu mặc dù Công an TP Thanh Hóa, chính quyền địa phương yêu cầu lên bờ làm việc. Chỉ khi cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh xuất hiện, chủ hai tàu nói trên mới chịu đưa phương tiện vào bờ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Hoằng Lý xác nhận việc nạn “cát tặc” hoành hành đã khiến cho việc sản xuất hoa màu của bà con nhân dân bị thiệt hại nặng nề. “Trong 2 năm gần đây, do sạt lở bờ sông nên mức độ ảnh hưởng rất lớn. Không những ảnh hưởng đến hoa màu, tình trạng sạt lở bờ sông còn đe dọa trực tiếp đến đời sống của bà con. UBND xã đã nhiều lần kiến nghị lên UBND TP Thanh Hóa, các cơ quan chức năng của tỉnh về nạn “cát tặc” và tình trạng sạt lở nghiêm trọng dọc bờ sông Lạch Trường nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây bức xúc, lo lắng cho nhân dân” – ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng thì dự án nạo vét sông Lạch Trường đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên các đối tượng vẫn liên tục hút cát trộm với nhiều thủ đoạn tinh vi, táo tợn, thách thức và sẵn sàng chống đối chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

“Để ngăn chặn tình trạng trên, UBND xã liên tục cắt cử lực lượng chức năng gồm công an xã, xã đội, đội quy tắc, có cả sự tham gia của lãnh đạo xã tổ chức mai phục, theo dõi để bắt các tàu khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, do thiếu phương tiện (thuyền máy, ca nô), con người và các công cụ cần thiết, cũng như kinh phí nên việc bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn” – ông Hùng cho biết thêm.

Được biết, tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, vấn nạn “cát tặc” và tình trạng sạt lở tại khu vực sông Lạch Trường đã được người dân và chính quyền địa phương kiến nghị, tuy nhiên trên thực tế chưa có sự vào cuộc quyết liệt, chưa có các giải pháp triệt để.

Bình Minh