“Cập nhật” thời giá cho các dự án quan trọng quốc gia
(Dân trí) - 35.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư, trên 20% vốn phát sinh phải báo cáo… là những con số được cân nhắc nhiều khi Nghị quyết sửa đổi về dự án, công trình quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội chủ trương đầu tư được đưa ra nghị trường hôm nay.
Dự thảo Nghị quyết 66 (ngày 29/6/2006) sửa đổi phần quy định với các dự án đầu tư trong trước, việc điều chỉnh nâng tiêu chí quy mô tổng vốn đầu tư từ 20.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng vẫn có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị giữ nguyên mức 20.000 tỷ đồng, tính thêm hệ số trượt giá, có ý kiến lại “đẩy” lên mức 40.000 tỷ đồng.
\
Một bản di dân cho công trình thủy điện Sơn La - một dự án quan trọng quốc gia được QH quyết định (ảnh: Việt Hưng).
Chủ nhiệm UB kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, thực tế thời gian qua, các dự án, công trình quan trọng trình QH quyết định chủ trương đầu tư có quy mô vốn ngày càng lớn. Dự án thủy điện Lai Châu có tổng vốn đầu tư khoảng 32.600 tỷ đồng, theo mặt bằng giá quý II/2008.
Dự án thủy điện hạt nhân Ninh Thuận tại thời điểm lập dự án quý IV/2008 đã “vọt” lên 200.000 tỷ đồng. Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam tới đây thậm chí vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng (gần 56 triệu USD).
Nếu tính yếu tố trượt giá thì càng thấy quy định về tiêu chí quy mô vốn đầu tư của Nghị quyết 66 hiện hành, xây dựng năm 2006 không còn phù hợp. Mốc 35.000 tỷ đồng được cho là “cập nhật” thời giá.
Về tỷ trọng vốn nhà nước trong tổng vốn đầu tư dự án, công trình, đa số ý kiến tán thành con số 30% trở lên. Quan điểm khác đề nghị chia 2 mức: 20% đối với các dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, 30% đối với các dự án có quy mô nhỏ hơn vì áp vào khung dự án 35.000 tỷ đồng thì tỷ lệ vốn nhà nước 30% sẽ có giá trị tuyệt đối rất lớn (10.500 tỷ đồng).
UB kinh tế cũng nêu hướng quy định tiêu chí mức 30% nhưng có giá trị tuyệt đối lớn hoặc dù không có vốn nhà nước nhưng quy mô dự án lớn, tác động đến cơ cấu kinh tế, các cân đối lớn của nền kinh tế cũng phải trình QH quyết định chủ trương đầu tư.
Nghị quyết 66 sửa đổi bổ sung nguyên một phần mới dành cho các dự án đầu tư ra nước ngoài. Với nhóm đối tượng này, UB kinh tế lưu ý khía cạnh, sử dụng lượng vốn lớn bằng ngoại tệ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các cân đối kinh tế vĩ mô, gắn với các rủi ro khi thực hiện đầu tư ra nước ngoài. Để kiếm soát chặt chẽ hơn, tiêu chí mức vốn buộc phải trình Quốc hội cũng phải “thắt” hơn mức 35.000 tỷ đồng của các dự án đầu tư trong nước.
UB kinh tế đề nghị ngưỡng 20.000 tỷ đồng, đồng thời kèm điều kiện cân nhắc vấn đề tỷ lệ vốn nhà nước theo 2 loại, loại có quy mô vốn lớn thì tỷ lệ thấp, loại quy mô vốn nhỏ thì tỷ lệ có thể cao hơn.
Nhiều ý kiến khác khoanh thêm điều kiện chỉ xét các dự án, công trình thương mại hoặc phải chỉ rót vốn dưới hình thức đầu tư trực tiếp.
Đa số ý kiến vẫn băn khoăn về quy định phát sinh vốn trên 20% mới phải báo cáo QH (ảnh: Việt Hưng).
Nghị định 66 được sửa đổi theo hướng quy trách nhiệm cho chủ đầu tư về tính đầy đủ, trung thực của hồ sơ dự án trình Chính phủ, Quốc hội. Tuy nhiên, chủ nhiệm UB kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng chủ đầu tư không chịu trách nhiệm trước Quốc hội, thay vào đó, đầu mối trách nhiệm phải là Chính phủ. Chính phủ là cơ quan trình hồ sơ dự án, do đó phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính đầy đủ, trung thực của hồ sơ.
Việc phát sinh tăng vốn đầu tư trên 20%, kéo dài thời gian thực hiện dự án từ một năm trở lên cũng được quy định phải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để xem xét, quyết định.
Quy định xuất phát từ thực tế một số dự án, công trình đầu tư quan trọng quốc gia đã kéo dài tiến độ thực hiện mà chưa có cơ chế báo cáo. Tuy nhiên, quy định phát sinh vốn trên 20% vẫn được cảnh báo không phù hợp vì mức tăng như vậy quá lớn khi dự án đã vượt mức 35.000 tỷ đồng.
P. Thảo