1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sai phạm của Bí thư Đảng uỷ xã Phúc Trạch (Hà Tĩnh):

Cấp bán đất bừa bãi và những uẩn khúc quanh chuyện khai lý lịch

(Dân trí) - Trong 10 năm làm Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) ông Chủ tịch xã đã có nhiều sai phạm trong việc bán đất công gây bức xúc đối với người dân.

Đất công ông... cứ bán

Theo điều tra của Dân Trí sai phạm đầu tiên của ông Phạm Văn Dũng trong hai nhiệm kỳ giữ chức Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch (1999 - 2010) bắt đầu từ vụ  làm sai lệch “Dự án quy hoạch cấp đất trồng bưởi Phúc Trạch” được UBND huyện Hương Khê triển khai từ đầu những năm 2000. Theo chủ trương của dự án này, UBND huyện Hương Khê tiến hành quy hoạch một số vùng trồng bưởi tại xã Phúc Trạch, các hộ dân trong diện quy hoạch chỉ được cấp đất với thời gian sử dụng 50 năm.

Lợi dụng chủ trương trên của UBND huyện cán bộ xã đã cấp núp dưới hình thức “chuyển đổi đất trồng bưởi”, thực chất là bán những lô đất không nằm trong vùng quy hoạch được huyện phê duyệt cho người dân sử dụng lâu dài. Chỉ trong vòng 5 năm, từ 2000 đến 2005, UBND xã Phúc Trạch đã ồ ạt bán đến 218 ô đất trái thẩm quyền, với tổng số tiền thu được hơn 763 triệu đồng.   

Hàng trăm hộ dân đã vô cùng bức xúc khi những lô đất mà xã bán cho họ không thuộc diện được nhà nước cấp quyền sử dụng đất lâu dài. Không đồng tình, người dân Phúc Trạch đã khiếu kiện. Trước tình hình khiếu kiện kéo dài, đầu năm 2006, UBND huyện Hương Khê đã phải lập đoàn thanh tra vào cuộc. Sau quá trình thanh tra, UBND huyện Hương Khê đã có kết luận chính thức, khẳng định việc tự ý bán đất của chính quyền xã Phúc Trạch là hoàn toàn sai trái.

Với sai phạm này 6 cán bộ liên quan, trong đó có Chủ tịch UBND Phạm Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Trung Thành đã  bị kỷ luật. 
 
 
Cấp bán đất bừa bãi và những uẩn khúc quanh chuyện khai lý lịch - 1
  

6 lô đất nằm tại khu vực khe Lãn bán cho người dân  

Không chỉ bán đất dưới hình thức “chuyển đất trồng bưởi”, những cán bộ xã này còn bán cả đất của người dân có nguồn gốc sử dụng rõ ràng.

Cụ thể, trong năm 2004, UBND xã Phúc Trạch đã tự ý điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại đồi 704 thuộc xóm 5 từ 32 lô lên 41 ô để bán cho người dân. Khi điều chỉnh quy hoạch chính quyền xã Phúc Trạch đã vẽ luôn cùng một lúc 4 lô đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình ông Đinh Công Ba để bán cho 4 hộ khác. Sau nhiều năm khiếu nại, vừa qua UBND huyện Hương Khê có quyết định công nhận 4 lô đất trên thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình ông Ba.  

Việc chính quyền xã Phúc Trạch bán đất một cách vô tội vạ khiến chính quyền xã này phải đau đầu tìm lời giải cho bài toán tìm quyền sử dụng đất cho hàng trăm lô đất của người dân. Không những vậy, trong buổi làm việc mới đây với Dân Trí, bà Trần Thị Hà - người vừa được bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch (thay ông Dũng lên giữ chức Bí thư- PV) còn cho biết, xã chưa biết quy hoạch ở đâu, hoặc chưa biết lấy nguồn thu nào để đền bù cho 4 hộ dân vốn bị chính quyền xã trước đó bán nhầm trên vùng đất của hộ dân Đinh Công Ba ở xóm 5, và hai hộ dân mua đất ở Khe Lãn nhưng chưa được giao đất do chính quyền sử dụng tiền vào mục đích khác.

Uẩn khúc quanh thông tin về lí lịch

Đầu năm 2010, sau 10 năm giữ chức Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch với tên gọi Phạm Văn Dũng vị chủ tịch này đã khiến dư luận địa phương ngỡ ngàng khi bỗng dưng thay đổi tên đệm lẫn năm sinh.  

Cấp bán đất bừa bãi và những uẩn khúc quanh chuyện khai lý lịch - 2
 

Suốt 10 năm giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch ông Dũng luôn sử dụng họ tên Phạm Văn Dũng. Nhưng cái tên này bỗng dưng được ông thay đổi thành Phạm Đại Dũng từ đầu năm 2010

Cụ thể, trong hồ sơ danh sách BCH cấp uỷ đương nhiệm giới thiệu tham gia BCH khóa 25, nhiệm kỳ 2010 - 2015 của Đảng uỷ xã Phúc Trạch, ông Dũng không còn đăng ký tên là Phạm Văn Dũng như trước đó mà đổi thành họ tên mới là Phạm Đại Dũng,  Năm sinh: 1963; Ngày vào Đảng 10/9/1989, chuyển chính thức ngày 10/9/1990.  

Kiểm tra hồ sơ lí lịch công chức, lí lịch Đảng viên, con dấu đăng ký sử dụng của ông Dũng mà Phòng Tổ chức cán bộ huyện ủy Hương Khê cung cấp, chúng tôi thấy ngoài việc thay đổi tên đệm, vị cán bộ này còn  khai man cả tuổi tác, ngày vào Đảng.

Nếu như trong hồ sơ lí lịch của ông Dũng thực hiện từ đầu năm 2010 vị cán bộ này khai sinh 10/11/1963 thì tại tất cả các văn bản mà chúng tôi có được gồm “Bản tự kiểm điểm” sau một năm làm Đảng viên dự bị do chính ông Dũng viết, ký ngày 30/12/1990; Biên bản họp BCH đảng bộ xã Phúc Trạch xét chuyển Đảng viên chức thức cho ông Dũng ngày 25/1/1991 và Hồ sơ quản lý cán bộ, công chức của Phòng tổ chức cán bộ Huyện uỷ Hương Khê thì ông Dũng đều khai và được chứng nhận là sinh ngày 10/11/1961.

 

Cấp bán đất bừa bãi và những uẩn khúc quanh chuyện khai lý lịch - 3

Trong bản tự khai từ đầu năm 2010 ông Phạm Đại Dũng khai sinh 10/11/1963, thế nhưng Bản tự khai do chính ông Dũng khai trước đó vào năm 1990 trước khi chuyển Đảng chính thức, cũng như sơ yếu lí lịch Đảng viên do huyện uỷ Hương Khê quản lý đều khẳng định ông Dũng sinh năm 1961

Việc ông Dũng khai giảm 2 tuổi (từ 1961 lên 1963) cũng mâu thuẩn với chính lời khai nhập ngũ vào tháng 3/1979 của vị cán bộ này. Chiều ngày 18/12 trong buổi làm việc với Dân Trí một cán bộ quản lý hồ sơ của Huyện đội Hương Khê khẳng định, không có chuyện mới 16 tuổi ông Dũng đã nhập ngũ như bản tự kê khai. Ngoài ra, thời gian vào Đảng chính thức cũng bị sửa chữa. Qua kiểm tra vị cán bộ này có đến 3 ngày chính thức vào Đảng, đó là các ngày 8/9/1990, 10/9/1990 và ngày 20/10/1990.

 Dư luận cho rằng, việc ông Dũng thay đổi  tên đệm, khai man năm sinh là để sau đó tiếp tục “leo” lên các chức vụ cao hơn ở xã này.  

Văn Dũng

(Còn nữa)