Cảnh sát cơ động làm nhiệm vụ giải cứu con tin
(Dân trí) - Pháp lệnh Cảnh sát cơ động nêu rõ, nhiệm vụ quan trọng nhất của lực lượng này là cơ động chiến đấu, xử lý các vụ gây rối an ninh, bạo loạn, phòng chống khủng bố, giải cứu con tin…
Ngày 17/3, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Pháp lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.
Cụ thể, pháp lệnh Cảnh sát cơ động gồm 5 chương, 24 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014.
Lực lượng CSCĐ có trách nhiệm tham mưu cho Đảng ủy Công an TƯ và Bộ Công an về công tác vũ trang bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; thực hiện các phương án tác chiến, hoạt động chống phá hoại an ninh, bạo loạn vũ trang, khủng bố, bắt cóc con tin, trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí, giải tán các vụ gây rối, biểu tình trái pháp luật; tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, bảo vệ mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học- kỹ thuật, văn hóa, các hội nghị, sự kiện quan trọng; tổ chức quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ; tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống, khắc phục thảm họa thiên tai.
CSCĐ được huy động người, phương tiện của cá nhân, tổ chức trong tình thế cấp thiết; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế, bản vẽ công trình và được vào nơi ở của cá nhân, tổ chức, trụ sở cơ quan, tổ chức để giải cứu con tin, trấn áp hành vi khủng bố và tội phạm có sử dụng vũ khí.
Theo pháp lệnh, trách nhiệm quản lý nhà nước về CSCĐ thuộc Bộ Công an. Trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với CSCĐ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; hỗ trợ CSCĐ trong việc đào tạo, huấn luyện sử dụng các loại vũ khí, phương tiện, trang thiết kỹ thuật lại thuộc Bộ Quốc phòng.
Pháp lệnh trình tự thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án Nhân dân có 5 chương, 42 điều, được UB Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 20/1/2014. Hiệu lực của Pháp lệnh cũng được xác lập từ thời điểm này.
Pháp lệnh quy định Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính là Tòa án cấp huyện nơi cơ quan đề nghị có trụ sở; Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền xét lại quyết định của Tòa án cấp huyện bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị. Thời hạn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý hồ sơ đề nghị của cơ quan có thẩm quyền; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày...
P.Thảo