Cảnh giác với gạo thơm “rởm”
Trước tin đồn về việc một số chủ cửa hàng kinh doanh gạo dùng hương liệu để tạo mùi hương cho gạo, hoặc dùng các loại hóa chất để bảo quản gạo, PV đã khảo sát trên thị trường và thấy hiện trên thị trường có khá nhiều loại hóa chất phục vụ cho những mục đích này.
Hóa chất không nguồn gốc, không hướng dẫn sử dụng
Khảo sát trên phố Hàng Buồm (Hà Nội), con phố có nhiều cửa hàng chuyên bán các loại phụ gia và một số loại hóa chất bảo quản cho thực phẩm, có thể thấy loại hóa chất dùng để bảo quản gạo khá phong phú.
Vừa hỏi đến loại hóa chất để bảo quản gạo, chống nấm mốc, chủ cửa hàng Tuyết Quỳnh, Hàng Buồm chỉ luôn vào sạp hàng và cho biết: “Đây là loại tốt nhất của nước ngoài, giá 70.000 đồng một túi nặng 500g. Còn có loại của Mỹ nhưng bao bì đơn giản hơn nên giá rẻ bằng nửa, giá chỉ 70.000 đồng một cân”.
Theo quan sát của PV, “loại của Mỹ” ở đây được đóng trong chiếc bao không có tiếng Việt, cũng không có tiếng Anh. Người chủ cửa hàng chia loại hóa chất này từ bao to ra các túi nilon nhỏ, trọng lượng mỗi túi nhỏ là 1kg, bên ngoài không có thông tin vào về sản phẩm cũng như hướng dẫn cách sử dụng và tỷ lệ pha trộn.
Chủ cửa hàng giới thiệu, loại này được bán chạy vì giá rẻ. Tuy nhiên, thắc mắc về việc nếu không có hướng dẫn sử dụng thì khi mua về sẽ không biết sử dụng như thế nào cho đúng cách, chủ hàng cho biết: “Thực ra chúng tôi cũng không rõ lắm về cách sử dụng đâu nhưng những người họ bán hàng thì họ truyền nhau kinh nghiệm này nhanh lắm. Tôi nghe nói là có 2 cách, một là trộn trực tiếp vào gạo, hai là rắc hóa chất này xuống rồi đặt gạo lên sẽ không bị nấm mốc.”
Chủ cửa hàng còn cho biết, loại hóa chất này không chỉ được dùng để bảo quản gạo mà còn dùng để bảo quản các loại thực phẩm tươi sống khác. Tại các cửa hàng khác trên phố Hàng Buồm cũng đều bán loại hóa chất này và người mua có thể dễ dàng mua được các loại hóa chất đó.
“Trộn càng nhiều càng thơm”
Khi hỏi về loại hóa chất để tạo hương thơm cho gạo thì chủ cửa hàng Tuyết Quỳnh chỉ vào những chai nhỏ, màu xanh được để gần đó, giá bán 30.000 đồng/chai. Khi ngửi loại hương liệu này có mùi thơm giống hệt mùi gạo nếp. Hỏi về cách trộn loại hương liệu này thì chủ hàng cho biết không có tỷ lệ, “trộn càng nhiều càng thơm(!?).”
Chị này cho biết, loại gạo bị ướp hương liệu chỉ thơm lúc chưa nấu hoặc chỉ thơm trong mấy ngày đầu mới mua về, khi đã để lâu thì mùi hương gần như bay hết. Loại gạo này khi cho vào nấu chín cũng không còn mùi thơm như gạo thơm thật nữa mà mùi như gạo thường.
Đối với loại hóa chất được dùng để chống nấm mốc thì chủ cửa hàng này giải thích: “Sử dụng hóa chất bảo quản thì chủ yếu là rải xuống phía dưới thôi chứ không mấy ai trộn trực tiếp vào gạo hoặc chỉ dám trộn hàm lượng rất nhỏ. Với thời tiết mưa ẩm như mấy ngày hôm nay mà không sử dụng biện pháp này thì khó mà đảm bảo gạo không bị ẩm mốc”
Nói được một lát như sợ bị “hớ”, chị này “đính chính” thêm: “Việc sử dụng hóa chất này chỉ có ở những đại lý lớn, bán gạo với số lượng lớn, còn những cửa hàng nhỏ như chúng tôi thì nhất định không sử dụng vì hàng lấy về là bán nhanh hết lắm, không lo nấm mốc nên không phải dùng biện pháp này”.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là đa số các cửa hàng nhỏ lại lấy hàng từ các đại lý lớn. Hơn nữa, các loại hóa chất bảo quản cũng như hương liệu tạo mùi hiện bán trên thị trường đều không có thông tin rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, cách sử dụng cũng như công thức, tỷ lệ pha trộn với nguyên liệu. Do đó, ai có thể đảm bảo rằng việc sử dụng các hóa chất này sẽ không gây hại đến sức khỏe của người tiêu dùng?