1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia Dân số và Ngày Dân số VN 26/12:

Cảnh báo thiếu hụt phụ nữ trong tương lai

Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng “thừa nam thiếu nữ”.

 

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ phá vỡ tình trạng cân bằng giới tính của các nhóm dân số ở độ tuổi hôn nhân thời kỳ sau năm 2020. Do vậy, Nhà nước cần xây dựng và thực hiện các chính sách kinh tế-xã hội phù hợp nhằm không để tình trạng này xảy ra và trở nên trầm trọng hơn.
 


Cảnh báo thiếu hụt phụ nữ trong tương lai - 1

Nhiều địa phương đang có tình trạng trẻ trai đông hơn trẻ gái.

 

Lời cảnh báo

 

Tỷ số giới tính khi sinh (được tính bằng số trẻ sơ sinh trai trên 100 trẻ sơ sinh gái) bắt đầu tăng ở các nước Đông Á vào giai đoạn 1980-1985 và ở Nam Trung Á vào giai đoạn 1985-1990. Theo các nguồn số liệu của Liên Hợp Quốc, các nước châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ,... bị mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng trong những năm 2000-2005. (Số liệu cụ thể về tỷ số giới tính khi sinh của 12 nước cao nhất) (minh họa của AFP). Tỷ số giới tính khi sinh 105 là mức cân bằng tự nhiên.

 

Cần có sự giám sát chặt chẽ các xu hướng TSGTKS trong những năm tới. Những thống kê định kỳ về TSGTKS và các phân tích định tính sâu về các lĩnh vực gia đình và giới cũng sẽ góp phần làm sáng tỏ nhiều khía cạnh của hành vi lựa chọn giới tính trước sinh và các bối cảnh kinh tế-xã hội ẩn đằng sau tâm lý ưa thích con trai. Những nghiên cứu này sẽ góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng những chiến lược và chương trình can thiệp hiệu quả ngăn chặn sự gia tăng TSGTKS và giúp công chúng nhận thức về những hậu quả xã hội của vấn đề này.

Xu hướng tăng tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) cũng biểu hiện rõ ràng ở Việt Nam những năm gần đây. Phân tích từ số liệu Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 cho thấy tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 110,6 tính cho giai đoạn từ tháng 4 năm 2008 đến tháng 3 năm 2009 (UNFPA, 2010). Như vậy, TSGTKS đã gần sát với mức 111, nhưng có thể tăng lên 115 trong thập niên tới, đưa tỷ số này của Việt Nam tiến sát đến mốc cao nhất quan sát được trên thế giới.

 

Từ năm 2008, Tổng cục DS-KHHGĐ đã cảnh báo điều này. Khi đó, TSGTKS của cả nước ước tính gần 112 và tiếp tục tăng. Nếu xu hướng này không thay đổi, dự báo đến năm 2025, sẽ có khoảng 2 triệu nam giới khó lấy được vợ.

 

Thách thức không nhỏ!

 

Hậu quả tiêu cực của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh lên cơ cấu dân số Việt Nam trong tương lai sẽ tác động trực tiếp đến giới trẻ.

 

Thứ nhất, vị thế kinh tế-xã hội của trẻ em gái và phụ nữ trở nên tồi tệ hơn. Bình đẳng giới sẽ khó được duy trì. Bạo lực trên cơ sở giới sẽ gia tăng (ví dụ, bạo lực đối với các bà mẹ sau khi sinh con gái sẽ tăng lên) cùng với nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, cũng như tình trạng lạm dụng giới. Mất cân bằng giới tính ở độ tuổi hôn nhân làm tăng sức ép lấy chồng sớm của phụ nữ. Thời gian học hành và tham gia lực lượng lao động của phụ nữ sẽ có xu hướng bị rút ngắn lại. Yếu tố này làm gia tăng sự bất bình đẳng giới. Tỷ trọng phụ nữ trong dân số giảm có tác động làm cho tiếng nói chính trị của phụ nữ bị giảm trọng lượng trong các quyết định về các chính sách công.

 

Thứ hai, sự căng thẳng xã hội sẽ tăng lên do điều kiện kết hôn khó khăn hơn. Sự thiếu hụt phụ nữ trong độ tuổi hôn nhân có tác động làm cho việc tìm bạn đời của đa số nam giới gặp khó khăn hơn. Do đó, nhiều người sẽ kết hôn muộn hơn và yếu tố này làm tỷ lệ nam giới chưa lập gia đình trong xã hội tăng lên. Số nam giới không có khả năng lập gia đình thường rơi vào nhóm người nghèo. Mâu thuẫn xã hội giữa nhóm người nghèo và các nhóm khá giả hơn trong xã hội sẽ tăng lên.

 

Thứ ba, hạnh phúc và sức khỏe của trẻ em gái sẽ bị ảnh hưởng. Có thể dự báo, việc phá thai đối với những thai nhi gái tăng cao tác động đến tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi tăng, tình trạng mù chữ của trẻ em gái và tình trạng lạm dụng trẻ em gái gia tăng.

 

Thách thức ở phía trước là tìm kiếm những giải pháp can thiệp hiệu quả nhằm thay đổi tâm lý ưa thích con trai và giảm thiểu tình trạng lựa chọn giới tính trước sinh ở Việt Nam. Các công cụ chính sách và các biện pháp can thiệp có thể bao gồm việc giám sát chặt chẽ những biến động nhân khẩu học từ trung ương tới cấp tỉnh, bảo vệ hiệu quả quyền của trẻ em gái và phụ nữ thông qua pháp luật và những sự khuyến khích động viên cụ thể nhằm điều chỉnh lại những sai lệch về giới; thúc đẩy bình đẳng giới và công bằng xã hội thông qua các chiến dịch truyền thông, kết hợp với các hoạt động vận động chính sách khác; cải thiện môi trường sống cho phụ nữ và trẻ em gái; tăng cường hiệu lực của các văn bản pháp luật về phòng chống lựa chọn giới tính trước sinh.
 
Cảnh báo thiếu hụt phụ nữ trong tương lai - 2

Số liệu cụ thể về tỷ số giới tính khi sinh của 12 nước cao nhất. (Minh họa của AFP).

 

Những giải pháp cấp bách

 

Kiểm soát, kiềm chế tiến tới giữ cân bằng giới tính khi sinh trong tương lai đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể và phù hợp:

 

Trước hết, cần nâng cao nhận thức "ổn định cân bằng giới tính". Chú trọng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, khuyến khích vật chất-tinh thần, nâng cao giá trị-vị thế của người phụ nữ, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ trong xã hội. Ngay từ khi nam nữ bắt đầu kết hôn cần được giáo dục về dân số - kế hoạch hóa gia đình, kể cả giáo dục giới tính, bình đẳng giới. Trong suốt quá trình chung sống với nhau, cặp vợ chồng cần được theo dõi về sức khỏe, các biện pháp tránh thai, quá trình thai nghén. Một hệ thống chính sách đồng bộ cũng cần gắn liền với việc hoàn thiện Hệ thông tin quản lý DS - KHHGĐ để mọi người đều có dữ liệu đầy đủ, chính xác, tin cậy phục vụ công tác quản lý và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

 

Cần có biện pháp lâu dài nhằm cân bằng sức ép tâm lý đối với những phụ nữ, những cặp vợ chồng chỉ sinh con gái. Đó là các biện pháp giáo dục-thuyết phục nhằm nâng cao nhận thức cho người dân nói chung, phụ nữ nói riêng trong việc đề cao giá trị và vị thế "người phụ nữ" trong xã hội hiện đại, từng bước xóa bỏ tư tưởng "trọng nam khinh nữ" tiền đề dẫn đến những quan niệm, tập quán bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, giữa con trai và con gái. Đối với những phụ nữ, những cặp vợ chồng chỉ sinh con gái có thể ưu tiên vay vốn, phát triển kinh tế...

 

Những chính sách nâng cao phúc lợi, bảo hiểm xã hội cho người cao tuổi, đặc biệt những người sinh con gái sẽ giải tỏa tâm lý cha mẹ khi về già phải sống dựa vào con trai. Việc thử nghiệm các biện pháp cần phù hợp theo các địa bàn với các điều kiện kinh tế - xã hội và văn hóa khác nhau.

 

Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các phương pháp, kỹ thuật giúp lựa chọn giới tính thai nhi, các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính và các hành vi liên quan.

 

Ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi. Luật pháp nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; cấm những lạm dụng kỹ thuật chẩn đoán sớm giới tính thai nhi và kiểm tra các quy định về nạo phá thai. Các cơ quan chính chịu trách nhiệm trong hoạt động này là Y tế, Dân số, Công an...

 

Võ Anh Dũng

(Trung tâm Thông tin và tư liệu Dân số- Tổng cục DS-KHHGĐ)