Cảnh báo nguy cơ mất an ninh lương thực
(Dân trí) - Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khoảng 130 triệu người vào năm 2035 phải cần tới 36 triệu tấn thóc. Trong khi đó, nhu cầu trưng dụng và chuyển đổi đất lúa đang diễn ra ồ ạt là nguy cơ gây mất an ninh lương thực.
Tại báo cáo trình Chính phủ về tình hình sử dụng đất lúa và dự kiến nhu cầu về loại đất này đến năm 2020, Bộ NN&PTNT cho biết trong giai đoạn từ năm 2000-2007, diện tích đất trồng lúa đã giảm hơn 360.000ha. Trong đó, riêng hai vựa lúa lớn nhất cả nước là vùng đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL, diện tích đất trồng lúa đã giảm gần 260.000ha.
Việc này đã làm thâm hụt sản lượng thóc trên 400-500 ngàn tấn/năm và làm ảnh hưởng đến đời sống và việc làm của ít nhất 100 ngàn hộ nông dân mỗi năm.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của 130 triệu người vào năm 2035 thì phải cần tới 36 triệu tấn thóc. Và để đạt được sản lượng thóc này cần phải duy trì tối thiểu 3 triệu hécta đất chuyên lúa 2 vụ để có 6 triệu héc ta gieo trồng
Tuy nhiên, theo báo cáo sơ bộ của một số Bộ, ngành như Giao thông vận tải, Xây dựng, Công thương, nhu cầu trưng dụng đất rất lớn. Và cứ với mức độ trưng dụng và chuyển đổi đất lúa như giai đoạn 7 năm vừa qua thì tới năm 2020, quỹ đất lúa chỉ còn lại 3,4 triệu hécta.
Đấy là chưa tính đến việc, về lâu dài nguy cơ giảm diện tích đất trồng lúa tại vùng ĐBSCL và một số vùng đồng bằng ven biển rất cao khi phải đối mặt với hiện tượng nước biển dâng hay những yếu tố khác khó lường như hạn hán, bão lũ, dịch bệnh… Và như vậy, nguy cơ mất an ninh lương thực có thể xảy ra.
Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đã đề xuất Chính phủ phương án nhằm phòng tránh nguy cơ đất lúa bị xâm hại nghiêm trọng là hạn chế đến tối đa việc trưng dụng đất lúa cho các mục đích phi nông nghiệp.
Đối với đất ở đô thị, những nơi có điều kiện cần phát triển lên vùng đất trung du, ven biển hoặc phải có phương án sử dụng đất tiết kiệm nhất. Bên cạnh đó các địa phương phải hạn chế tối thiểu cấp đất xây dựng khu công nghiệp trên vùng đất lúa.
Phát triển các tuyến đường ven biển, vùng trung du để di chuyển các khu công nghiệp, đô thị ra khỏi vùng đất lúa. Đặc biệt phải có chính sách ưu đãi đối với các địa phương có đất lúa nhằm hạn chế việc bán, cấp đất lúa cho các mục đích phi nông nghiệp.
Lan Hương