1. Dòng sự kiện:
  2. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ
  3. Hóa đơn nước hơn 57 triệu đồng/tháng

Cảnh báo động đất, sóng thần qua điện thoại di động

(Dân trí) - Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các công trình cần tính đến tác động của các yếu tố sóng thần, động đất; phải có phương án phòng ngừa, cảnh báo, ứng phó và khắc phục hậu quả. Đó là những nội dung quan trọng của quy chế phòng chống sóng thần, động đất vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Theo đó, việc phân vùng động đất, sóng thần dựa trên cơ sở số liệu quan trắc, tính toán trong nước và tham khảo các số liệu, kết quả nghiên cứu của khu vực, thế giới; xây dựng các phương án phòng ngừa, ứng phó ở các vùng có nguy cơ động đất, sóng thần. 

 

Quy chế xác định rõ, việc xây dựng công trình trong vùng có nguy cơ động đất phải có giải pháp phù hợp để đảm bảo an toàn, đặc biệt đối với hồ chứa nước lớn, nhà máy hoá chất độc hại, nhà cao tầng và các công trình cơ sở hạ tầng khác. Các cơ quan hữu quan phải xây dựng và ban hành quy chuẩn thiết kế xây dựng công trình ở các vùng có nguy cơ động đất, sóng thần.

 

Bên cạnh đó, công tác tổ chức ứng phó khi xảy ra động đất, sóng thần cũng được quy định cụ thể từ tổ chức thông tin về động đất đến các cơ quan cảnh báo sóng thần.  


Theo quy chế này thì việc phát tin cảnh báo sóng thần, động đất được thực hiện qua các phương tiện truyền thông như Đài Tiếng nói, Đài Truyền hình, hệ thống thông tin nội bộ của các bộ, ngành, các phương tiện thông tin đại chúng; ngoài ra có thể cảnh báo sóng thần qua điện thoại di động.

Bộ Bưu chính - Viễn thông cần chỉ đạo các DN trong ngành đảm bảo liên lạc để chuyển kịp thời thông tin cảnh báo về động đất, sóng thần từ Viện Vật lý Địa cầu đến phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan hữu quan.

Đồng thời, chỉ đạo các DN thông tin di động chuyển thông tin cảnh báo động đất và sóng thần do Viện Vật lý Địa cầu cung cấp đến các thuê bao di động trong khu vực bị ảnh hưởng dưới hình thức tin nhắn.

Thái Sơn - Phúc Hưng