1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Căng thẳng nước sạch ở TPHCM

Hơn một tuần nay, tại TPHCM tình trạng khan hiếm nước sạch đã diễn ra ở nhiều nơi: quận 7, huyện Nhà Bè và mới đây đã lan sang quận 8...

Anh Lai Văn Hưởng, ở khu phố 2 Phạm Hữu Lầu, phường Phú Mỹ, quận 7 cho biết: “Trước đây khu vực này nước cũng yếu nhưng vào ban đêm (khoảng 21h đến 3h sáng) vẫn hứng được chút đỉnh để dành cho ngày hôm sau. Từ ngày 5/1 đến nay nước yếu hẳn, sau đó không chảy nữa mặc dù chúng tôi dùng đến cả máy bơm”.

 

Tình trạng này cũng diễn ra tại phường Phú Thuận, quận 7. Một người dân ở đường Phạm Hữu Lầu bức xúc: “Những hộ trên đường Huỳnh Tấn Phát còn được cung cấp nước bằng xe bồn, còn ở đây thì không hề có...”. Chị Nghiêm Thị Thu Nguyệt, D17 đường Gò Ô Môi, phường Phú Thuận nói rằng nước sạch đang là “món hàng đắt như tôm tươi”, gần như nhà nào cũng phải đi mua nước sạch.

 

Không chỉ khu vực quận 7, huyện Nhà Bè mà tình trạng thiếu nước đã lan sang khu vực quận 8. Sáng 9/1, rất đông người đến chờ ở các điểm đổi nước trên đường Âu Dương Lân, Dương Bá Trạc, Tạ Quang Bửu thuộc phường 2, 3 của quận 8. Mỗi can nước 20 lít bán giá 500 đồng nhưng không phải ai cũng mua được. Chị Lê Thị Đà  - 323 lô E Dương Bá Trạc, cho biết hằng ngày phải đẩy gần mười chuyến xe mới có đủ nước dùng, mỗi lần mua nước phải chờ hơn 10 phút mới đến lượt.

 

Ông Phạm Mạnh Đức, giám đốc Chi nhánh Cấp nước Chợ Lớn, cho biết các hộ dân tại các phường 1, 2, 3... (quận 8) trông cậy vào tuyến ống từ đường Nguyễn Văn Linh dẫn nước qua. Nhưng mấy ngày nay áp lực giảm xuống còn một nửa (từ 0,4kg/cm2 xuống còn 0,2kg/cm2) vì vậy hàng ngàn hộ dân tại đây cũng bị ảnh hưởng theo. Những ngày qua chi nhánh đã cho đặt bồn nước trở lại và chở nước đến cung cấp cho khu vực.

 

Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) giải thích do thời điểm gần tết nên nhu cầu sử dụng nước sạch của các cơ sở sản xuất và người dân cũng tăng lên, dẫn đến nước bị tuột áp. Do khu vực quận 7, 8, huyện Nhà Bè nằm ở cuối nguồn nên ảnh hưởng nhiều hơn những khu vực khác. Tuy nhiên tình trạng này đã diễn ra gần mười ngày nay nhưng phía Sawaco vẫn chưa có giải pháp nào hiệu quả. Trong khi đó nước cung cấp từ xe bồn cho dân thì nhỏ giọt.

 

Điều đáng nói là tình trạng thiếu nước sạch không chỉ ảnh hưởng đến người dân mà còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp đang vào mùa sản xuất tết. Ảnh hưởng nhiều nhất là Khu công nghiệp Hiệp Phước, Nhà Bè, do nằm ở cuối nguồn nên chỉ khi nào nguồn nước mạnh thì mới có nước. Vì vậy người dân và doanh nghiệp phải mua thêm nước sạch chở tới bằng sà lan.

 

Giám đốc Chi nhánh Cấp nước Nhà Bè Bùi Công Sơn cho biết ngoài hai xe bồn hiện có, chi nhánh đang mượn thêm bốn xe bồn của chi nhánh Gia Định, Chợ Lớn để cung cấp nước cho khu vực thiếu nước bằng hai cách: một là đặt bồn chứa hoặc bơm nước trực tiếp vào đường ống. Với sáu xe bồn mỗi ngày, chi nhánh sẽ tăng cường thêm 600m3 cho khu vực. Tuy nhiên, theo ông Sơn, vẫn còn thiếu khoảng 1.000m3/ngày. Trong những ngày tới chi nhánh sẽ dùng máy bơm tăng cường cho khu vực Nhà Bè.

 

Trong khi nhiều khu vực vẫn còn thiếu nước thì Nhà máy nước Tân Hiệp vẫn chưa hoạt động hết công suất. Theo thiết kế, nhà máy có công suất 300.000m3/ngày. Trong khi đó, việc thi công các tuyến ống cấp nước đang ì ạch, vướng giải tỏa nên chưa đấu nối, tiếp nhận nước được. Hiện nhà máy chỉ phát 150.000m3/ngày. Phân nửa công suất còn lại phải chờ đường ống hơn một năm rưỡi qua.

 

Lãnh đạo Sawaco cho hay đang cho đấu nối, súc xả tuyến ống phi 800 từ quận 6 qua bến Phú Định (quận 8) để cấp nước cho khu vực này, sau đó tăng cường xuống quận 7, huyện Nhà Bè. Nhưng bao giờ tuyến ống này súc xả xong để tiếp nhận nước thì chưa thể trả lời trước được.

 

Theo P. Huy – Q. Khải
Tuổi Trẻ