Cáng áp lực âm - sáng chế ra đời vì Covid-19
(Dân trí) - Xuất phát từ thực tế dịch bệnh Covid-19, nhóm nghiên cứu của Học viện Kỹ thuật Quân sự đã sáng chế ra cáng áp lực âm có thể hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm.
Đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo cáng áp lực âm vận chuyển bệnh nhân mắc (nhiễm) Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác" của tập thể tác giả đến từ Khoa Vũ khí Học viện Kỹ thuật Quân sự, vừa được trao giải Nhì Giải thưởng tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội lần thứ 22, hồi tháng 5 vừa qua.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí về đề tài trên, Đại úy Phan Thanh Phúc - Bộ môn Đạn, Khoa Vũ khí Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh khi cần cấp cứu người mắc hoặc nghi mắc Covid-19 tại các bệnh viện, nếu chỉ sử dụng những chiếc cáng thông thường sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát tán virus ra môi trường bên ngoài và khi di chuyển sẽ làm lây nhiễm cho nhân viên y tế hoặc các bệnh nhân khác. Xuất phát từ thực tế này, nhóm nghiên cứu của Học viện Kỹ thuật Quân sự đã sáng chế ra cáng áp lực âm có thể hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm.
Theo Đại úy Phan Thanh Phúc, cáng áp lực âm dùng để vận chuyển bệnh nhân mắc hoặc nghi mắc Covid-19 nặng đi cấp cứu hay di chuyển qua các khoa phòng khác nhau trong quá trình xét nghiệm, điều trị. Về cơ bản, cáng có hình dáng như cáng thông thường nhưng cấu tạo có thêm những chi tiết đặc biệt.
"Cấu tạo của nó bao gồm một khoang áp lực âm bằng nhựa mềm, trong suốt để quan sát được bệnh nhân và cách ly với môi trường xung quanh; bộ điều khiển điện tử để lọc virus; trong cáng còn gắn thêm các thiết bị theo dõi, hỗ trợ sinh tồn cho bệnh nhân khi vận chuyển", Đại úy Phan Thanh Phúc cho biết.
Theo nhóm thiết kế, cáng áp lực âm này dễ sử dụng, phù hợp với người Việt Nam và có khả năng tái sử dụng. Đồng thời các bác sĩ cho biết, loại cáng này tác dụng cho cả bệnh nhân thường hoặc bệnh nhân Covid-19, để tránh phơi nhiễm bệnh cho các đối tượng khác.
Đại úy Phan Thanh Phúc cho biết thêm, sản phẩm cáng áp lực âm đã được bàn giao cho Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Dã chiến Bình Dương,...
Đánh giá về chiếc cáng này, PGS, TS, Bác sĩ Hoàng Bùi Hải - Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: "Khi bệnh nhân vào viện, chúng ta chưa loại trừ được bệnh lý Covid-19, mới nghi ngờ thôi, nhưng chúng ta phải đảm bảo cho người bệnh được làm các quy trình như bình thường, nhưng không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Khi dùng cáng áp lực âm này, chúng tôi thấy công việc của chúng tôi an toàn hơn, rút ngắn được thời gian mà chúng ta phải phân vân cho bệnh nhân lưu lại mà không được làm kỹ thuật nào khác".
Ngoài Covid-19, cáng áp lực âm nói trên cũng có thể sử dụng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nặng, dễ lây nhiễm khác như: lao, sởi, thủy đậu, cúm...