Cần Thơ lên phương án di dời hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở
(Dân trí) - Ngày 6/9, UBND TP Cần Thơ tổ chức cuộc họp bàn về kế hoạch phòng chống sạt lở, bố trí ổn định dân cư tại các khu vực bị ảnh hưởng thiên tai trên địa bàn TP Cần Thơ.
Tại cuộc họp này đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cho biết, theo quy hoạch bố trí dân cư đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030, TP Cần Thơ sẽ sắp xếp, bố trí ổn định nơi ở, tạo điều kiện sinh sống tốt hơn cho 9.353 hộ với 37.306 nhân khẩu. Tổng vốn thực hiện quy hoạch ước tính 555,395 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện bố trí ổn định cho 5.309 hộ, bằng cách di dời đến các cụm dân cư tập trung, xen vào tuyến dân cư trên địa bàn và ổn định tại chỗ...
Song song với công tác di dời dân cư ở các vùng sạt lở, cặp các sông, kênh rạch có nguy cơ sạt lở, trong năm 2018 và các năm tiếp theo, TP Cần Thơ sẽ thực hiện đầu tư xây dựng 9 tuyến kè bảo vệ bờ sông, kênh, rạch với tổng chiều dài khoảng 21.940 mét, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.441 tỷ đồng.
Theo rà soát của cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn các quận huyện, tổng chiều dài đoạn có nguy cơ sạt lở gần 155.000 mét, tổng số căn nhà nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao cần phải di dời là hơn 2.600 căn, tổng số dân cần phải di dời hơn 18.400 người.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ cho biết, giai đoạn 2010 - 2017, Cần Thơ có 153 điểm sạt lở, chiều dài 6.119 mét, làm chết 4 người, bị thương 5 người, hư hại hoàn toàn 53 căn nhà, ước tổng thiệt hại trên 20 tỷ đồng.
Riêng 8 tháng đầu năm 2018, xảy ra 16 điểm sạt lở, làm sạt hoàn toàn 10 căn nhà, 43 căn bị sạt một phần và bị ảnh hưởng, tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở là 586 mét, ước tổng thiệt hại do sạt lở bờ sông gây ra trên 33,6 tỷ đồng…
Sau khi nghe báo cáo, ông Võ Thành Thống- Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị cần phải triển khai các dự án tnhằm tiết kiệm nguồn ngân sách, đồng thời bố trí trồng thêm một số loại cây nhằm bảo vệ bờ sông, rạch.
Chủ tịch UBND TP cho rằng, tính khả thi của kế hoạch rất cao, tuy nhiên cũng cần phải nắm chắc tình hình không để phát sinh thêm trường hợp xây dựng nhà ven kênh, rạch. Nếu địa phương nào để phát sinh, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Mặt khác, địa phương phải xem xét đào tạo nghề phù hợp cho người dân sau khi di dời. Ngoài ra, cần phải tính toán lại việc bố trí người dân đến các tuyến dân cư nhằm tránh tình trạng lãng phí khi tuyến dân cư xây dựng hoàn thành nhưng người dân không chịu vào ở, hoặc một thời gian vào ở lại bỏ ra ngoài do không có việc làm hoặc do dự án đầu tư không đồng bộ.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, mục tiêu của Cần Thơ đến năm 2030 sẽ không còn nhà sàn trên sông vì nhiều vấn đề như an toàn, hành lang giao thông, vệ sinh môi trường.
Hoàng Tùng